(GLO)- Dù hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh gần như “đóng băng” do dịch Covid-19, song những bức ảnh ra đời trong dịp “khai máy” đầu năm của các nhiếp ảnh gia trên địa bàn vẫn không ngừng khai thác cái đẹp của con người và vùng đất Gia Lai.
Dịp đầu năm mới, các nhiếp ảnh gia đã lên ý tưởng và chọn những địa điểm độc đáo để bấm máy. Nhiều tay máy trẻ không ngại phóng xe về vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới để săn tìm những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống.
Gần đây, tịnh xá Ngọc Như (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) đang là điểm đến tâm linh được nhiều người ưa thích với cảnh trí an hòa, thơ mộng. Vì vậy, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Linh Vinh Quốc đã chọn nơi này để “khai máy” đầu năm. Thêm vào đó, điểm đến này nằm khá gần nơi anh sống.
Mùng 7 Tết, anh mang máy leo lên ngọn đồi cao khoảng 100 m tìm cảm hứng. Khi đó, nắng chiều dần buông, trời chuyển lạnh, ráng vàng bảng lảng cuối chân trời. Ống kính máy ảnh thu gọn toàn cảnh tịnh xá Ngọc Như với tâm điểm là bức tượng Quán Thế Âm chiều cao gần 40 m sừng sững, hướng mắt về phía thị trấn. Sự an yên, tịnh độ như lan tỏa ra cả khung cảnh bao la bốn bề.
Đầu năm lên núi tìm kiếm không gian tĩnh lặng, chụp một bức ảnh đậm chất thiền giữa buổi hoàng hôn mang lại cho tay máy cảm giác thật đặc biệt. “Tác nghiệp kiểu này vẫn đảm bảo quy định phòng-chống dịch nhé”-anh Quốc hóm hỉnh nói.
“Hoa tuyết” trên cao nguyên. Ảnh: Võ Đình Khoa |
Những ngày qua, bức ảnh chụp “hoa tuyết” trên cao nguyên của Võ Đình Khoa cũng gây bão mạng xã hội bởi bắt trọn khung cảnh quá đỗi nên thơ mùa này. Người xem bị hút hồn bởi vẻ đẹp của những ngôi nhà đơn sơ nằm lọt thỏm giữa vườn cà phê đồng loạt nở hoa trắng muốt, tinh khôi. Từng chùm hoa như những bông tuyết đậu trên cành lá xanh mướt, gợi vẻ đẹp thuần khiết, thanh bình, trù phú.
Nhiếp ảnh gia Võ Đình Khoa chia sẻ: Hôm ấy là sáng mùng 4 Tết, anh từ Pleiku phóng xe máy về thăm mẹ ở xã Ia Yok, huyện Ia Grai. Dự tính của anh là về đến nhà vào lúc giữa trưa để cùng mẹ ăn bữa cơm gia đình. Thế nhưng khi ngang qua đường Hồ Chí Minh, anh đã… lạc lối giữa mênh mông “tuyết trắng”.
Sắc hoa và hương thơm khó lẫn dẫn dụ anh mê mải tìm những góc chụp độc đáo nhất. Cứ vậy, thay vì giữa trưa thì mãi đến 15 giờ anh mới về đến nhà mẹ. “Chỉ tiếc là khung cảnh quá đẹp nhưng vắng bóng du khách do ảnh hưởng của dịch Covid-19”-anh Khoa tiếc nuối.
Trong khi đó, tay máy Chu Thế Dũng lại chọn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) làm điểm đến lý tưởng để chụp những bức ảnh đầu tiên trong năm mới Tân Sửu. “Ngắm nghía” Hà Đông từ lâu nhưng chưa có dịp đến, mùng 3 Tết, Dũng quyết làm chuyến phượt đến vùng đất hoang sơ này.
Hành trình vượt đường xa, có những đoạn xuyên rừng mang lại không ít cảm giác lý thú. Và rồi, Hà Đông hiện ra với dáng vẻ mộc mạc, những ngôi nhà sàn truyền thống, nhiều nơi mái tôn thay mái tranh nhưng bản sắc văn hóa Bahnar vẫn đậm đặc, chưa bị nhịp sống hiện đại xốc xới không làm anh thất vọng. Cú bấm máy đầu năm thu vào ống kính vẻ đẹp toàn cảnh của một Hà Đông nên thơ, đầy sức hút không chỉ với những người mê phượt.
Nét xuân thì của thiếu nữ dân tộc Mông. Ảnh: Phạm Công Quý |
Không muốn đi vào lối mòn trong sáng tạo nghệ thuật, tay máy trẻ Phạm Công Quý đã chọn xã Ia Piơr (huyện Chư Prông), nơi định cư của khá nhiều đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc làm điểm “khai máy” vào sáng mùng 3 Tết. Theo Phạm Công Quý, văn hóa truyền thống của bà con nơi đây khá lạ so với bản sắc văn hóa của các dân tộc tại chỗ, từ trang phục đến sinh hoạt, phong tục.
Không có hoa ban, hoa mận nhưng sự pha trộn giữa cảnh quan Tây Nguyên và văn hóa Tây Bắc mang đến cho khách phương xa cảm nhận thật mới mẻ. Đây là nét riêng mà theo anh chính là điểm nhấn thu hút du khách. Và ống kính của anh đã nhanh chóng ghi lại nét xuân thì đầy e thẹn của những thiếu nữ người Mông hay khoảnh khắc những phụ nữ dân tộc Dao đỏ xúng xính giúp nhau chỉnh sửa trang phục trong ngày xuân.
Anh Quý kể: “Trang phục của họ lộng lẫy, sặc sỡ nên vào ảnh rất đẹp. Người dân ai cũng hiếu khách, hợp tác với mình trong từng bức ảnh, vui lắm”. Có bức chưa thật ưng ý, hôm sau, anh tiếp tục quay lại dù đường vào Ia Piơr nhiều đoạn không dễ đi. “Sức trẻ mà, đâu cũng bươn được, miễn là có ảnh đẹp”-nhiếp ảnh gia trẻ tuổi vui vẻ bộc bạch.
Cứ vậy, đất và người Gia Lai hiện lên thật đẹp, thật cuốn hút. Có thể nói, chúng luôn “hồi sinh” ngành du lịch, thôi thúc du khách tìm đến để có những trải nghiệm đáng nhớ.
PHƯƠNG DUYÊN