Kinh tế

Nông nghiệp

Dứa Cayen "bén duyên" đất khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nếu không thưởng thức những quả dứa giống Cayen to tròn, chín mọng, thơm ngọt tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) thì khó lòng tin được giống dứa này lại có thể phát triển tại vùng đất xưa nay chỉ chuyên trồng mì và mía. 
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Tiến có hơn 450 ha đất canh tác, trong đó, 70% diện tích là mía, còn lại chuyên trồng mì. Những năm gần đây, cây mía và mì năng suất thấp, giá cả bấp bênh. Vì thế, sau khi tìm hiểu các mô hình trồng dứa ở nhiều nơi và được tập huấn, lại được huyện hỗ trợ một phần vốn ban đầu, 53 thành viên HTX đã thống nhất tham gia mô hình trồng dứa Cayen. Đây là mô hình do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao và UBND xã Pờ Tó triển khai thực hiện theo hình thức liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, quy mô 4 ha, tổng vốn đầu tư hơn 621 triệu đồng; trong đó, nguồn ngân sách 260 triệu đồng, nguồn đối ứng của HTX hơn 361 triệu đồng. Từ khi trồng đến khi thu hoạch là 18 tháng.
Kết quả thử nghiệm lứa đầu tiên đã cho thấy tín hiệu đáng mừng. Dứa chín, HTX đã bán lẻ với mức trung bình 10.000-20.000 đồng/quả, mỗi quả nặng 1,5-3,5 kg, được thị trường rất ưa chuộng. Theo tính toán ban đầu, với cam kết bao tiêu sản phẩm của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao là 3.500 đồng/kg, mỗi héc ta sau khi trừ chi phí sẽ cho lợi nhuận hơn 38 triệu đồng. Anh Trần Văn Hùng-cán bộ kỹ thuật HTX Nông nghiệp Tân Tiến-phấn khởi nói: “Mô hình trồng dứa này rất mới nhưng qua quá trình chăm sóc, thu hoạch, chúng tôi thấy rất hài lòng. Sắp tới, HTX sẽ mở rộng mô hình này, đồng thời hướng dẫn một thành viên áp dụng, làm theo”.
Ông Trần Đức Việt (bìa phải)-Chủ tịch UBND xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) tham quan vườn dứa đến kỳ thu hoạch. Ảnh: M.L
Ông Trần Đức Việt (bìa phải)-Chủ tịch UBND xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) tham quan vườn dứa đến kỳ thu hoạch. Ảnh: M.L
Pờ Tó là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn của huyện Ia Pa với hơn 5.800 ha. Chính vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được địa phương xác định là một trong những giải pháp góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Mô hình trồng dứa Cayen bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho người dân, dần phá thế độc canh cũ. Ông Trần Đức Việt-Chủ tịch UBND xã Pờ Tó-chia sẻ: “Mong rằng huyện cũng như các công ty đầu tư tích cực hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, đảm bảo về giá, đầu ra sản phẩm để bà con yên tâm phát triển giống cây trồng khác trên địa bàn xã”. 
Hiện nay, theo chiến lược phát triển các loại cây trồng khác mang lại giá trị kinh tế cao, thay thế các cây trồng truyền thống, qua phối hợp với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao khảo sát thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên, UBND huyện Ia Pa định hướng phát triển 2 loại cây trồng là dứa và bắp ngọt tại các xã: Ia Broăi, Ia Trok, Pờ Tó... Theo bà Nguyễn Thị Hường-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Trung tâm đang hướng dẫn người dân đăng ký để tiếp tục nhân rộng mô hình. Tuy nhiên, cần có sự đầu tư và nghiên cứu kỹ lưỡng, nhất là sự vào cuộc của ngành chức năng để người nông dân không rơi vào tình trạng trồng ồ ạt rồi lại loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm như một số loại nông sản khác.
MAI LINH

Có thể bạn quan tâm