Lãnh đạo xã Tam Phước cho rằng, dưa dán tem có chữ Trung Quốc với mục đích để được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Liên quan đến thông tin dưa hấu Quảng Nam nhưng dán tem chữ Trung Quốc, ngày 15/4, trao đổi với báo Đất Việt, lãnh đạo xã Tam Phước (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) xác nhận và cho biết, việc dán tem chữ Trung Quốc là do thương lái tự làm.
"Người nông dân chỉ cắt dưa rồi để thương lái lựa và dán tem, đưa lên cân là xong. Hơn nữa, không phải quả dưa nào cũng được thương lái dán tem bởi họ chỉ dán một số quả phía trên để khi qua cửa khẩu kiểm tra sẽ được xuất sang thị trường Trung Quốc.
Người dân bán 6.000 hay 7.000 đồng/kg thì tính thẳng giá tiền như vậy, không phải trừ tiền tem", lãnh đạo xã Tam Phước cho biết.
Nông dân Quảng Nam đang bán dưa hấu với tem dán của Trung Quốc. Ảnh: PLO
Theo vị lãnh đạo xã này, vào đầu mùa, dưa bán cho thương lái với giá 7.000 đồng/kg nhưng sau đợt mưa vừa qua, giá dưa có bị giảm xuống. Hiện tại giá dưa được bán cho thương lái là 5.000-6.000 đồng/kg.
Cũng theo vị lãnh đạo xã này, so với năm ngoái, giá dưa năm nay được giá hơn nhiều.
Trước đó, theo thông tin trên báo chí, người dân phản ánh, năm nay dưa được mùa, tuy nhiên, muốn bán dưa thì phải dán tem có chữ Trung Quốc lên từng quả. Những con tem này được các thương lái cung cấp.
Nói về việc này, theo thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM, ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, chính bản thân ông đã đến tại các điểm xuất bán dưa để kiểm tra, tem này không phải của nhà sản xuất.
“Tem ghi chữ Trung Quốc, chúng tôi quét mã và nhờ cơ quan chức năng dịch thì nội dung hiểu chung chung là dưa xuất xứ từ Việt Nam”, ông Muộn nói.
Cũng theo ông Muộn, đây là cách dán tem sai quy định luật pháp Việt Nam, trước mắt thì có lợi cho người dân nhưng lâu dài thì hại, sẽ có nhiều bất lợi cho nông sản Việt. Bởi hàng hóa của Việt Nam nhưng phải nhờ nhãn mác của nước ngoài để xuất khẩu.
Tem Trung Quốc dán trên dưa hấu ở Quảng Nam. Ảnh: PLO |
“Trước mắt Sở đã báo cáo, đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi đến cuối vụ dưa của một số tỉnh để có hướng xử lý cho phù hợp. Nếu xử lý thì cơ quan chức năng có đủ cơ sở để xử lý nhưng trước mắt có lợi cho nông dân bán dưa. Nếu cấm thì dưa của dân không bán được, dưa của nông dân sẽ rớt giá”, ông Muộn cho biết.
Về vấn đề tạo thương hiệu cho dưa địa phương, ông Muộn cho biết, muốn dán tem có giá trị lên dưa thì phải có quy trình sản xuất đạt yêu cầu. Cùng với đó, cần phải có doanh nghiệp đủ mạnh làm đầu mối ký đơn được đơn hàng phía Trung Quốc tiêu thụ. Hiện tại địa phương chưa làm được.
Mai Thùy (Đất Việt)