Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Đưa hình ảnh quê hương lên nón lá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sẵn có tay nghề vẽ tranh, chàng trai Phan Quang Nhật, ngụ tại phường Thủy Biều, TP Huế (Thừa Thiên Huế) đã vẽ phong cảnh và câu chuyện đồng quê hay hình ảnh của Huế xưa gửi đến khách thập phương thông qua chiếc nón lá. Trân trọng các giá trị vốn có của quê hương, sản phẩm tranh nón của anh Nhật đã được du khách gần xa yêu thích.
Anh Nhật đang vẽ phong cảnh quê hương lên chiếc nón.

Anh Nhật đang vẽ phong cảnh quê hương lên chiếc nón.

Lập nghiệp từ đam mê

Tốt nghiệp THCS, anh Nhật đã quyết định theo học nghề vẽ tranh lụa. Học vẽ đã vững tay nghề, thấy tranh lụa khó phát triển, năm 2016, anh rẽ lối sang vẽ tranh trên nón lá. Sinh ra và lớn lên ở xứ Huế, từng hình ảnh thân thuộc về con người, không gian nơi đây đã trở thành đề tài chính cho các sáng tác của Nhật hiện nay.

“Mình vẽ tranh lụa thành thạo thì sao không thử áp dụng qua nón lá để tìm cơ hội kinh doanh”, anh Nhật nói.

Anh Nhật cho biết, khi nhận nón về sẽ đánh một lớp phông mầu nền. Tiếp đến vẽ phần thô với hình ảnh con đò, chú bé mục đồng, dòng sông quê hương... Công đoạn cuối cùng là hoàn thiện một số chi tiết nhỏ, tạo điểm nhấn cho bức tranh. Mầu được dùng để vẽ là acrylic và không thêm lớp phủ bóng để tránh làm nón bị ố vàng. Đây cũng là loại mầu có tính chống nước nên dễ dàng bảo quản và lau chùi. Mỗi chiếc nón sau khi vẽ xong sẽ được phơi khoảng năm phút ngoài nắng để khô bề mặt.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách, anh Nhật phân ra nhiều kích thước tranh theo số lượng vành nón. Từ loại 12 đến 16 vành, đặc biệt, có chiếc nón chỉ có năm vành hoặc loại nhỏ nhất chỉ bằng cốc uống trà. Những chiếc nón nhỏ nhất sau khi vẽ theo ý khách sẽ được kết lại để tạo thành chuông gió dùng để trang trí.

Cả ngày cặm cụi giữa hàng chục lọ mầu, tay lấm lem nhưng anh Nhật xem đó là niềm vui lớn nhất. Hành trình gây dựng hình ảnh cho tranh nón lá được anh tận dụng trên trang Facebook cá nhân để giới thiệu sản phẩm. Cách đây sáu năm, từ chiếc nón đầu tiên vẽ khung cảnh chùa Thiên Mụ, nhiều quầy hàng lưu niệm bắt đầu liên hệ anh để đặt sản phẩm. “Khi đó tôi chỉ dám đưa giá bán chiếc nón có tranh là 50 nghìn đồng nhưng không ngờ nhận được sự ủng hộ của nhiều người”, anh Nhật thật thà kể. Năm 2018, lô hàng 50 chiếc nón vẽ tay của anh Nhật đã được gửi từ Huế đến “chào hàng” ở Ninh Bình và Hà Nội.

Huế trên từng chiếc nón

Hai năm qua, anh Nhật hướng dẫn cho bạn Lê Thị Nết, 21 tuổi, ngụ ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế cùng tham gia vẽ tranh tại một xưởng nhỏ tại nhà. Từ cách phân chia bố cục mầu, tạo hình khối, vẽ chi tiết, Nết học nghề rất nhanh. Mỗi ngày, khoảng 80 chiếc nón mang trên mình mầu sắc, câu chuyện đồng quê của Huế đã được anh Nhật cùng Nết hoàn thiện. Hiện tại, tùy theo độ khó và nhu cầu của khách muốn mà giá bán thành phẩm một chiếc nón có giá từ 80.000 đến 350.000 đồng.

Nhận thấy sự độc đáo của tranh nón lá, nhiều công ty du lịch đã đặt hàng của anh Nhật với số lượng lớn. Hiện nay, anh còn mở rộng vẽ tranh trên tấm mẹt tre. Anh Nhật cho biết, sản phẩm tranh trên mẹt tre mới xuất hiện gần đây, chủ yếu được khách hàng miền bắc đặt mua dùng làm trang trí nhà hàng.

“Nhiều người muốn đầu tư cùng tôi để phát triển tranh nón lá, tuy nhiên họ lại muốn làm ở địa phương khác nên đành từ chối. Bản thân tôi chỉ yêu cái nét bình dị, dân dã ở Huế. Tôi mở xưởng làm nghề vì muốn có một không gian tĩnh lặng với bụi tre, ao sen, con đường đất, hay cả mùa mưa dầm dề để có không gian cho du khách trải nghiệm”, anh Nhật tâm sự.

Ngoài việc là nơi anh Nhật vẽ tranh nón, một góc sân vườn ở xưởng được anh bố trí làm nơi để du khách tự tay trải nghiệm vẽ cùng. Chị Nguyễn Minh Ngọc, du khách đến từ Hà Nội hào hứng chia sẻ: “Lần thứ hai trở lại Huế, mình được người quen giới thiệu điểm vẽ tranh nón lá của bạn Nhật. Mình thấy các sản phẩm của Nhật đẹp và có hồn. Ngồi nói chuyện và xem Nhật vẽ, mình cảm nhận từng nét đẹp của Huế xưa được tái hiện trở lại. Quan trọng là lan tỏa đến nhiều người hình ảnh của Huế nói riêng và quê hương Việt Nam nói chung thể hiện qua chiếc nón lá. Có thể nói, sự sáng tạo trong việc tìm ra một lối đi riêng và tôn trọng giá trị văn hóa cộng đồng như bạn Nhật đã góp phần tạo ra một sản phẩm tích cực cho ngành du lịch Huế trong giai đoạn hiện nay”.

Có thể bạn quan tâm