Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Đưa lại vào dự thảo quy định cấm bán rượu bia từ 22-8 giờ sáng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Quy định cấm bán rượu bia để uống tại chỗ từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau đã không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu khi giải trình với Quốc hội đầu kỳ họp. Tuy nhiên, sau nhiều ý kiến khác nhau, quy định này lại được bổ sung trở lại để xin ý kiến Quốc hội trước khi thông qua.
 
Nếu quy định cấm uống rượu bia tại chỗ từ 22 giờ hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau được thông qua thì đây là một nội dung "rất mạnh" trong Luật phòng chống tác hại rượu bia. Ảnh:TL
Vì dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia sẽ thông qua tại kỳ họp này nên việc đưa nội dung nào vào luật, nội dung nào bỏ cho phù hợp với tình hình thực tế là một vấn đề không dễ. Theo kế hoạch, các nội dung này tiếp tục được xin ý kiến tại Quốc hội chiều nay (3/6) xem phương án nào ưu thế hơn.
Trước đó, quy định về việc cấm bán rượu bia để uống tại chỗ từ 22 giờ đêm trước đến 8 giờ sáng hôm sau tưởng đã không còn lại trong dự thảo luật do UBTVQH cho rằng điều này hiện chưa khả thi. Song bất ngờ nhất là tại văn bản gửi cho đại biểu Quốc hội hôm nay (3/6), phương án cấm như trên đã quay trở lại trong “quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ” (điều 5 của dự luật). Theo tờ trình của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, có hai phương án cụ thể. Thứ nhất là bổ sung trở lại quy định về thời gian cấm bán rượu bia để uống tại chỗ là từ 22 giờ đêm trước đến 8 giờ sáng hôm sau. Thứ hai là có thể chọn việc không quy định hạn chế thời gian bán rượu bia uống tại chỗ như hiện nay.
Vấn đề khác cũng chờ “bấm nút” là có chọn: cấm quảng cáo rượu, bia trên truyền hình, báo nói từ 18 giờ đến 21 giờ hàng ngày hay không, có cấm quảng cáo trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em không.
Dự thảo luật chỉ quy định về cấm quảng cáo, khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; cấm khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người chưa đủ 18 tuổi và cấm sử dụng rượu từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.
Một nội dung rất quan trọng khác là cấm luôn việc điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn. Hay chọn quy định như hiện nay là chỉ cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt quy định của pháp luật đề ra?
Nếu hai quy định: cấm điều khiển phương tiện giao thông khi uống rượu bia bất kể nồng độ cồn là bao nhiêu và quy định cấm bán rượu bia uống tại chỗ từ 22 giờ đêm hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau cùng được thông qua trong dự thảo luật lần này thì Luật phòng chống tác hại của rượu bia thực sự là một bước nhảy vọt. Do thời gian gần đây, số lượng các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do rượu bia gây ra là quá lớn, gây búc xúc trong dư luận xã hội.
Lan Nhi (TBKTSG Online)

Có thể bạn quan tâm