Kinh tế

Giá cả thị trường

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nắm bắt cơ hội và nhu cầu thị trường, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh ở Gia Lai đã chủ động đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) uy tín nhằm đẩy mạnh tiêu thụ. Tuy nhiên, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT vẫn đang gặp một số khó khăn do trình độ công nghệ của các chủ thể còn hạn chế, thiếu các giải pháp tiếp cận khách hàng tiềm năng khiến hiệu quả kinh doanh chưa cao.

Thế mạnh từ sàn TMĐT

Nhận thấy việc đưa sản phẩm lên các kênh online không tốn chi phí cho khâu trung gian, lại có sức lan tỏa rộng nên năm 2015, ông Đinh Văn Kỳ-chủ cơ sở sản xuất kinh doanh Coffee Thảo My (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) đã tận dụng mạng xã hội và sàn TMĐT để quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm. Ông Kỳ cho hay: “Cứ mỗi lần ra vườn cà phê, tôi đều livestream cảnh vườn tược cũng như quá trình chăm sóc để khách hàng nhìn thấy và hiểu được truy trình sản xuất của gia đình. Đến khâu sơ chế, chế biến, đóng gói, tôi cũng làm tương tự. Quảng bá, giới thiệu trực quan sinh động như vậy nên người xem hiểu được giá trị sản phẩm mà người nông dân làm ra, từ đó dễ kích thích nhu cầu mua sản phẩm. Bên cạnh đó, cơ sở đã xây dựng 1 gian hàng trên sàn Tiki với hình ảnh bắt mắt để thu hút khách. Bằng cách làm đó, trong 7 năm qua, cơ sở đã có một lượng khách mua ổn định với doanh số bán hàng qua kênh online chiếm đến 90%”.

Gia Lai có nhiều sản phẩm tiềm năng để quảng bá, giới thiệu, bán trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Đức Thụy
Gia Lai có nhiều sản phẩm tiềm năng để quảng bá, giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Đức Thụy


Tương tự, Hợp tác xã Nông-lâm nghiệp và dịch vụ Toàn Diện (xã Đê Ar, huyện Mang Yang) chọn mạng xã hội Zalo, Facebook làm kênh bán hàng. Ông Lê Sỹ Diện-Giám đốc Hợp tác xã-chia sẻ: “Sau một thời gian bán hàng qua kênh này, tôi thấy rất hiệu quả nên đang tìm hiểu thêm cách thức kinh doanh trên các sàn TMĐT. Với sản phẩm mới, việc giới thiệu, quảng bá theo phương thức truyền thống rất tốn kém. Trong khi đó, nếu quảng bá trên mạng xã hội cũng như các sàn TMĐT có lượt tiếp cận khách hàng rất cao mà lại không tốn chi phí. Hiện nay, Hợp tác xã đã có 2 sản phẩm gồm hoa đu đủ đực sấy và khổ qua rừng sấy đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là điều kiện để sản phẩm vươn ra thị trường”.

Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp tham gia các sàn TMĐT lớn như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Postmart… chủ yếu là hàng đã qua chế biến. Qua khảo sát, tỉnh ta có rất nhiều mặt hàng phù hợp để bán trên kênh online như hạt điều, hạt mắc ca, hồ tiêu, cà phê, mật ong, ngũ cốc dinh dưỡng… Điểm mạnh của những sản phẩm này là mang nét đặc trưng độc đáo vùng miền, nguồn cung lớn, giá đầu vào cạnh tranh. Nếu biết tận dụng tốt điểm mạnh, TMĐT sẽ giúp người bán tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng trên toàn quốc. Do đó, so với tiềm năng về sản phẩm nông nghiệp thì việc đẩy mạnh tiêu thụ trên kênh TMĐT vẫn còn dư địa rất lớn.

Nhiều giải pháp hỗ trợ nông sản “lên sàn”

Ông Trần Hoài Ngọc-cán bộ Hội Nông dân huyện Ia Grai-cho biết: Huyện có nhiều sản phẩm qua chế biến như mật ong, cà phê, hạt điều… đã tiếp cận được các sàn TMĐT. Tuy nhiên, những sản phẩm nông nghiệp chưa qua chế biến như trái cây thì khó tiêu thụ qua kênh này vì sản lượng khá lớn, việc bảo quản, vận chuyển đi xa gặp nhiều khó khăn. “Hội Nông dân huyện đang tiến hành thu thập thông tin của các hộ nông dân để có hướng dẫn và hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Hiện đã có hơn 50 hộ sản xuất đăng ký tạo gian hàng trên sàn Postmart. Mục tiêu của Hội là làm tới đâu chắc tới đó, cứ 1 tháng sẽ đưa khoảng vài chục hộ lên sàn chứ không đăng ký ồ ạt”-ông Ngọc thông tin.  

 Việc tăng cường công tác xúc tiến thương mại sẽ góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước đối với nhiều mặt hàng nông sản của Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo
Việc tăng cường công tác xúc tiến thương mại sẽ góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước đối với nhiều mặt hàng nông sản của Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo


Về khó khăn khi đưa nông sản lên sàn TMĐT, bà Nguyễn Thị Dung-cán bộ Hội Nông dân huyện Kbang-cho hay: “Do hạn chế về trình độ công nghệ nên hiện người dân mới chỉ tiếp cận bán hàng qua mạng xã hội Facebook, Zalo. Huyện Kbang có rất nhiều sản phẩm đặc trưng như hạt mắc ca, ổi, dứa, mật ong rừng, các loại dược liệu, đậu đỗ, tinh dầu sả… Trong đó, nhiều sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, một số đã đạt chứng nhận OCOP. Đây là sự bảo chứng về chất lượng để có thể đưa sản phẩm lên sàn TMĐT tiếp cận với đa dạng khách hàng trong và ngoài tỉnh”.
 


Theo số liệu thống kê của EcomViet, trong 6 tháng (từ đầu tháng 11-2021 đến đầu tháng 5-2022), doanh số bán hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ở Gia Lai trên các sàn TMĐT đạt gần 21 tỷ đồng. Có 289.002 sản phẩm đã bán; 772 shop có lượt bán, 9.376 sản phẩm có lượt bán. Một số sản phẩm có doanh số bán hàng trên các sàn đạt cao như mật ong Phước Hỷ, mắc ca Minh Quang, cà phê Ba Ka, cà phê Tín Đức, hạt dưa Thái Sơn Gia Lai…
 

Chia sẻ kinh nghiệm đưa nông sản tiêu thụ trên các kênh online, ông Bùi Quang Cường-CEO Công ty TNHH Giải pháp phát triển doanh nghiệp iViet-cho rằng: Việc đầu tiên của người nông dân không phải là tập trung bán hàng trên kênh nào, mà phải xem sản phẩm của mình ra sao. Vì đối với sản phẩm nông nghiệp, rất khó để người tiêu dùng phân biệt đâu là hàng sạch, hàng không sạch. Có khi cùng 1 sản phẩm như nhau nhưng người nông dân đem ra chợ bán xô thì giá rất thấp, còn khi được đóng tên một nhãn hiệu nào đó hoặc vào siêu thị thì giá bán cao hơn rất nhiều. Đó là vấn đề khó khăn nhất của bà con nông dân-người trực tiếp làm ra sản phẩm. Họ phải chứng minh được chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất. Bản chất của kinh doanh online là khách hàng không được trực tiếp sờ nắm sản phẩm. Vì thế, họ không chỉ quan tâm đến sản phẩm cuối cùng mà còn muốn nắm rõ quá trình sản xuất và sẵn sàng trả giá cao nếu đảm bảo các tiêu chuẩn. “Trong quá trình làm, bà con nên ghi lại toàn bộ hình ảnh hoạt động của mình, từ lúc chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến, hoàn thiện sản phẩm ra sao. Khi đã có sản phẩm tốt, việc tiếp theo là bắt đầu xây dựng cửa hàng online, có thể là trang Fanpage của Facebook, website, gian hàng trên các sàn TMĐT. Phải làm cho cửa hàng online trở nên hấp dẫn hơn từ khâu viết nội dung giới thiệu về cơ sở, chụp hình, quay video sản phẩm. Đồng thời, phải kéo khách hàng vào bằng cách nhờ người thân vào xem, dùng thử sản phẩm, chia sẻ cảm nhận về sản phẩm và giới thiệu thêm bạn bè dùng. Bên cạnh đó, cần chạy quảng cáo, triển khai những chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách vào gian hàng. Cuối cùng, khâu vận chuyển, chăm sóc khách hàng cũng phải chú trọng để nâng cao hình ảnh, uy tín của mình”-ông Cường chia sẻ.

Trao đổi với P.V, ông Võ Văn Khanh-đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam khu vực miền Trung-Tây Nguyên-cho biết: “Việc tiêu thụ sản phẩm qua kênh TMĐT đã trở nên phổ biến vì mang lại hiệu quả rất lớn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm lên sàn đang gặp nhiều hạn chế, từ khâu bảo quản, đóng gói, cách thực hiện thanh toán, vận chuyển… Hiện nay, các sàn TMĐT lớn như Lazada, Shopee… đang tạo ra rất nhiều gian hàng để giúp nông dân có thể đưa sản phẩm lên sàn. Ngoài ra, về phía địa phương cũng đã tận dụng lợi thế về cơ sở hạ tầng TMĐT ở các sàn Voso, Postmart, từng bước giúp người nông dân tiếp cận dễ dàng hơn”. Cũng theo ông Khanh, hiện tại, nguồn lực bán hàng trên kênh TMĐT của nông dân đang rất hạn chế. Vì vậy, người dân cần bổ trợ thêm kiến thức, cách thức tiếp cận, có bước hình thành kế hoạch và tham gia phù hợp. Từ nay đến cuối năm, Hiệp hội sẽ tiến hành khảo sát, nắm bắt nhu cầu để qua đó có đánh giá cụ thể và có lộ trình hỗ trợ chuyên sâu cho cộng đồng doanh nghiệp, nông dân ở Gia Lai về đưa hàng hóa lên các sàn TMĐT.

 

VŨ THẢO

 

Có thể bạn quan tâm