Đưa toàn dân tham gia Chính phủ điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về Chính phủ điện tử diễn ra ngày 12.2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: Chính phủ điện tử phải lấy người dân làm trung tâm. Đồng thời, Thủ tướng đưa ra câu hỏi: “Chúng ta có đưa được toàn dân tham gia Chính phủ điện tử hay không?”.

 

Giám sát điều hành đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: P.V



100% bộ, ngành, địa phương tham gia kết nối

Tại Hội nghị, đại diện Bộ Thông tin truyền thông (TTTT) báo cáo hiện đã có 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia; tỉ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng tăng từ 72% năm 2018 lên 86,5% năm 2019, rất gần so với mục tiêu 2020 là 90%. Nguyên nhân chính của sự chuyển biến cơ bản này là do Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước khẳng định văn bản điện tử đã ký số gửi nhận qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành có giá trị pháp lý tương đương văn bản giấy và thay thế cho việc gửi, nhận văn bản giấy.

Trong năm 2019 đã khai trương Cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo hiểm xã hội, kết nối với Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để liên thông thủ tục cấp giấy đăng ký khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Khi triển khai toàn quốc, số lượng hồ sơ xử lý liên thông đạt khoảng 8.000 hồ sơ/1 ngày.

Bộ TTTT cho biết, kết nối, chia sẻ dữ liệu được quan tâm với tỉ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tăng từ 3% năm 2018 lên 27% năm 2019. Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 tăng hơn hai lần, từ 4,55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019.

Chính phủ điện tử tốt cũng là góp phần phòng, chống virus Corona

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cả nước đang quyết liệt chung tay chống dịch Covid-19. Nếu chúng ta làm Chính phủ điện tử tốt cũng là góp phần phòng, chống virus Covid-19 vì có nhiều người sẽ sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, Thủ tướng đặt câu hỏi “Chúng ta có đưa được toàn dân tham gia Chính phủ điện tử hay không? Các bộ, ngành địa phương đã vào cuộc hay chưa?”. Đây là vấn đề rất lớn để xây dựng Chính phủ điện tử thành công và Chính phủ cũng xác định việc xây dựng Chính phủ điện tử không thể làm một lúc là xong mà phải thực hiện trong nhiều giai đoạn.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tham gia nền kinh tế số, thúc đẩy các giao dịch điện tử. Chúng ta đang phát triển tốt, nhưng không thể để tình trạng mạnh ai nấy làm. Thủ tướng cũng cho rằng, Chính phủ điện tử sẽ tăng cường tính minh bạch và chống tham nhũng, lấy người dân làm trung tâm để không ai bị bỏ lại phía sau. Nhưng nếu người dân không dùng các dịch vụ công thì Chính phủ điện tử không thành công.

“Chính phủ đã chuyển chức năng điều phối xây dựng Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TTTT. Bộ TTTT quản lý rất nhiều tập đoàn công nghệ mạnh và sẽ điều phối tốt để xây dựng Chính phủ điện tử. Cùng với vai trò của Bộ TTTT, vai trò của Sở TTTT cũng rất quan trọng và phải tư vấn tốt cho các địa phương để xây dựng Chính phủ điện tử” - Thủ tướng nói.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định tầm nhìn của Việt Nam về Chính phủ điện tử là số hóa toàn diện lấy người dân làm trung tâm, làm cho Chính phủ minh bạch hơn và chống tham nhũng. Để xây dựng Chính phủ điện tử sẽ phải sử dụng công nghệ mới như AI, Bigdata… Bộ TTTT đã xây dựng lộ trình tắt sóng 2G để thúc đẩy 100% người dân Việt Nam chuyển sang sử dụng smartphone. Đây cũng là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ điện tử, giao dịch trực tuyến hướng đến nền kinh tế số.

Tại hội nghị này, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, trong năm 2019, công tác cải cách hành chính gắn với Chính phủ điện tử đã phát huy hiệu quả. Các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính được rà soát và cắt giảm, tiết kiệm được 6.300 tỉ đồng. Chính phủ cũng tháo gỡ khó khăn về thủ tục cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cơ chế một cửa và một cửa liên thông phát huy hiệu quả. Đã triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia liên thông văn bản. Văn phòng Chính phủ xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp. Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ ấn nút khai trương có hơn 945.000 hồ sơ đã được giải quyết qua đây.

Hiện 100% bộ, ngành địa phương đã cam kết đồng hành cùng Chính phủ tích hợp dịch vụ công quốc gia tiêu biểu như: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Y Tế, Bộ Giao thông Vận tải, Tập đoàn Điện lực Việt Nam…

Theo ông Mai Tiến Dũng, triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến không chỉ hướng đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ công mà qua đây đã nâng cao tính minh bạch, giảm tham nhũng vặt. Chính phủ đang hướng đến Chính phủ không giấy tờ nên đã triển khai trục liên thông văn vản quốc gia.


 


Cần hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý cho Chính phủ điện tử

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện nay, Việt Nam mới đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ về xây dựng CPĐT, đứng thứ 6/11 nước ASEAN. Về nguyên nhân, Thủ tướng cho rằng, từ các ý kiến phát biểu, có thể thấy một số nguyên nhân như cơ sở dữ liệu cá nhân chưa được bảo vệ, là khâu yếu, thấp điểm. Một số khâu khác còn làm chậm, chưa đồng bộ, quyết tâm. Nhiều nơi còn tình trạng “án binh bất động”.

Định hướng nhiệm vụ năm 2020, Thủ tướng nêu rõ, tập trung mọi nguồn lực chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 17, nhất là mục tiêu 30% tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, hiện nay mới đạt 10,7%.

Việc hoàn thiện thể chế cần đi trước để tạo hành lang pháp lý cho CPĐT, Thủ tướng yêu cầu, trong năm 2020, phải ban hành được các Nghị định về quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác định xác thực điện tử, về việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Nghị định thay thế về công tác văn thư, Nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân và năm 2020, chúng ta chuẩn bị các bước để tiến tới sửa luật về giao dịch điện tử và luật về lưu trữ.

Phải hoàn thiện các yếu tố nền tảng của CPĐT, Thủ tướng nhấn mạnh 3 mục tiêu cần phấn đấu: 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu; 100% nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh phải được kết nối vào nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia; 100% bộ, ngành, tỉnh, thành có Trung tâm giám sát điều hành an toàn an ninh mạng.

https://laodong.vn/thoi-su/dua-toan-dan-tham-gia-chinh-phu-dien-tu-784098.ldo


 

Theo HOÀNG LÂM - X.HẢI (LĐO)

Có thể bạn quan tâm