Kinh tế

Nông nghiệp

Đức Cơ bảo tồn và phát triển giống heo Brong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với ưu điểm dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, lại bán được giá cao nên giống heo Brong (hay còn gọi là heo Sóc) được huyện Đức Cơ bảo tồn và phát triển theo quy trình VietGAP để tạo ra sản phẩm OCOP.

Ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ-cho biết: Giống heo Brong được lai tự nhiên giữa heo rừng và heo nhà. Giống heo này có sức khỏe tốt, ít dịch bệnh, nguồn thức ăn chỉ là cây chuối, mì, cỏ, rau quả. Chúng phù hợp nhất là sống trong môi trường thả rông tự nhiên. Bên cạnh đó, giá heo hơi luôn ổn định 150-180 ngàn đồng/kg, có thời điểm 200-300 ngàn đồng/kg. Đây là cơ hội để người dân phát triển chăn nuôi, đặc biệt là phù hợp với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đất vườn rộng. Vì vậy, tháng 6-2020, huyện đã triển khai Dự án bảo tồn và phát triển giống heo Brong Đức Cơ theo quy trình VietGAP.

 Anh Đinh Hồ Lanh (làng Pnúk, xã Ia Kriêng) bên đàn heo Brong của mình. Ảnh: Nhật Hào
Anh Đinh Hồ Lanh (làng Pnúk, xã Ia Kriêng) bên đàn heo Brong của mình. Ảnh: Nhật Hào


Dự án có tổng kinh phí 1,359 tỷ đồng với 4 hộ tham gia. Trong đó, nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện 500 triệu đồng, người dân đối ứng 638 triệu đồng, đơn vị liên kết đối ứng 221 triệu đồng. Các hộ tham gia Dự án được hỗ trợ tiền để mua 5 con heo giống, 50% kinh phí làm chuồng, cấp vắc xin, thuốc sát trùng và được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Sau 1 năm, các hộ có heo sinh sản sẽ trả lại con giống để hỗ trợ các hộ đăng ký tiếp theo.

Sau 1 năm tham gia Dự án, từ 5 con heo giống được hỗ trợ, anh Rơ Lan Líu (làng Mook Trêl, xã Ia Dom) đã có đàn heo 18 con. Anh cho biết: “Mình chưa nuôi giống heo này bao giờ nên lúc được chọn tham gia Dự án cũng có chút lo lắng. Song khi được tập huấn, cán bộ nông nghiệp huyện đến hướng dẫn cách làm chuồng, kiểm tra tình hình sức khỏe đàn heo nên mình yên tâm hơn. Hiện tại, đàn heo phát triển khỏe mạnh. Trong đó, có 2 heo nái đẻ được 13 heo con. Mình trả lại 5 con giống để huyện hỗ trợ cho các hộ khác, số còn lại nuôi để nhân đàn”.

Tương tự, anh Đinh Hồ Lanh (làng Pnúk, xã Ia Kriêng) cho hay: Sau khi được hỗ trợ kinh phí, anh chọn mua 5 con heo giống về nuôi. Tận dụng vườn điều rộng hơn 1,500 sào, anh bao lưới B40 xung quanh và xây chuồng nuôi. Ngoài ra, anh còn trồng 1 sào cỏ và hơn 20 cây chuối để bổ sung thêm nguồn thức ăn cho đàn heo. Sau hơn 1 năm, 2 heo nái đã sinh được 10 con. Anh Lanh trả lại 5 con giống để huyện hỗ trợ cho hộ khác. “Đất vườn nhà mình rộng và được bao lưới B40 cẩn thận nên sau khi heo nái đẻ sẽ giữ heo con lại nuôi để nhân đàn”-anh Lanh cho biết.

Bà Trương Thị Hậu-công chức Địa chính-Nông nghiệp xã Ia Kriêng-thông tin: Đến nay, xã có 3 hộ tham gia dự án. Ngoài 3 hộ này, trên địa bàn xã có một số hộ dân tộc thiểu số nuôi nhỏ lẻ. Thời gian tới, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tổ chức tập huấn và vận động các hộ dân tham gia Dự án.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ cho biết thêm: Hiện nay, món thịt một nắng chế biến từ giống heo này đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Vì vậy, huyện bảo tồn để nhân rộng giống heo này trở thành giống chủ lực trong ngành chăn nuôi của địa phương. Trên cơ sở đó, huyện sẽ định hướng cho các hộ dân chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP để vừa đảm bảo đàn heo được chăm sóc tốt, tránh dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, huyện sẽ xây dựng chuỗi liên kết giữa hộ chăn nuôi và doanh nghiệp chế biến nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân tăng thu nhập.

 

 NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm