Xã hội

Đời sống

Đức Cơ có 115 trường hợp tảo hôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Sáng 10-5, Ban Chỉ đạo Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2021-2025 huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã họp bàn các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Đức Cơ có 115 trường hợp tảo hôn  ảnh 1

Quang cảnh buổi họp bàn các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết trên địa bàn huyện. Ảnh: Thanh Tịnh

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Đức Cơ đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng-chống bạo lực gia đình... góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. UBND huyện chỉ đạo Phòng Tư pháp, Phòng Dân tộc phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Đồng thời cấp kinh phí hỗ trợ Đoàn Thanh niên 5 xã trọng điểm với số tiền 55 triệu đồng để xây dựng mô hình cụ thể tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; hỗ trợ 29 triệu đồng với 5 xã, thị trấn còn lại để đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Tuy nhiên qua rà soát, từ đầu năm 2022 đến 15-4-2023, trên địa bàn huyện có 115 trường hợp tảo hôn. Một số xã từ đầu năm 2023 đến nay có tỷ lệ tảo hôn cao, như: Ia Dom (5 trường hợp), Ia Dơk (5 trường hợp), Ia Lang (4 trường hợp).

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nêu rõ thực trạng cũng như khó khăn trong công tác ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nguyên nhân do nhận thức, đời sống của một bộ phận không nhỏ người đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, chưa quan tâm đến con em dẫn đến tình trạng bỏ học, “bắt chồng” sớm; quan niệm lạc hậu trong hôn nhân vẫn còn tồn tại cũng góp phần làm gia tăng tình trạng tảo hôn; đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc tại cấp huyện, cấp xã còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ...

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ Siu Luynh đề nghị thời gian tới, các địa phương cần rà soát địa bàn, đối tượng và tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong đó xây dựng các hình thức truyên truyền phù hợp để nâng cao hiệu quả và nếu cần đưa một số vụ tảo hôn điển hình xử lý theo quy định của pháp luật. UBND các xã, thị trấn căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế kiểm soát chặt chẽ, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình; phối hợp với Phòng Tư pháp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và những nội dung có liên quan cho đội ngũ tuyên truyền viên; chỉ đạo các thôn, làng, tổ dân phố lồng ghép các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình vào hương ước, quy ước, coi đây là tiêu chí đánh giá kết quả thi đua khen thưởng hàng năm...

ANH HUY-THANH TỊNH

Có thể bạn quan tâm