Kinh tế

Nông nghiệp

Đức Cơ đẩy mạnh liên kết phát triển nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh ở huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã liên kết cung ứng vật tư cho nông dân sản xuất. Để thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, huyện tích cực mời gọi các doanh nghiệp có uy tín liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

 Ông Hoàng Văn Tuấn (thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla) chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình. Ảnh: Ngọc Sang
Ông Hoàng Văn Tuấn (thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla) chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình. Ảnh: Ngọc Sang

Trên địa bàn huyện Đức Cơ hiện có gần 200 doanh nghiệp, hợp tác xã và hàng ngàn hộ kinh doanh cá thể. Trong đó, một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã liên kết với nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Trọng Điểm-Chủ cơ sở kinh doanh Ký Điểm (thị trấn Chư Ty) cho biết: “Chúng tôi cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vật tư nông nghiệp để phát triển sản xuất. Đến vụ thu hoạch, cơ sở thu mua nông sản nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân. Cách làm này của chúng tôi được chính quyền địa phương và bà con nông dân đánh giá cao”.

Huyện Đức Cơ có nhiều tiềm năng phát triển cây công nghiệp dài ngày, nhưng trên địa bàn hiện chưa có doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất, chế biến nông sản mà chỉ có một số cơ sở nhỏ lẻ. Trước thực trạng đó, huyện có chủ trương giúp các doanh nghiệp liên kết với nông dân để phát triển nông nghiệp bền vững. Đến nay, việc liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân đang từng bước phát triển và có nhiều tín hiệu khởi sắc. Ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện đang hoạt động trong lĩnh vực cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp. Với việc cung ứng vật tư nông nghiệp có giá cả phù hợp, chất lượng tốt và bán phân bón trả chậm cho người dân, các doanh nghiệp này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nền nông nghiệp địa phương.

Niên vụ vừa qua, ông Hoàng Văn Tuấn (làng Chư Bồ 1, xã Ia Kla) thu hoạch được hơn 20 tấn sầu riêng và hàng chục tấn mít canh tác theo tiêu chuẩn VieGAP. Ông cũng đang tham gia tổ liên kết sản xuất cà phê. Tuy nhiên, như nhiều nông dân khác, ông Tuấn vẫn còn lo lắng về đầu ra sản phẩm. Ông Tuấn cho hay: “Đối với cây điều và cây ăn quả cần được các doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ, liên kết trong việc tiêu thụ sản phẩm để giúp nông dân duy trì sản xuất bền vững. Mới đây, UBND huyện đã ký kết bản ghi nhớ với các hợp tác xã, doanh nghiệp trong việc liên kết với bà con nông dân tiêu thụ trái cây và hạt điều. Chúng tôi rất phấn khởi, yên tâm phát triển sản xuất”.

Theo khảo sát mới nhất, huyện Đức Cơ có trên 26.000 ha điều. Huyện đang hướng đến xây dựng cây điều trở thành một trong những cây trồng chủ lực giúp nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, do cây điều chủ yếu trồng tự phát, năng suất thấp nên về lâu dài cần có những doanh nghiệp lớn đầu tư để nâng cao chất lượng, hướng tới xây dựng thương hiệu điều Đức Cơ. Trong buổi làm việc mới đây giữa UBND huyện với Công ty TNHH Olam Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai, hai bên thống nhất sẽ tiến tới hỗ trợ lẫn nhau giúp bà con nông dân nâng cao chất lượng cây điều cũng như thu mua sản phẩm. Ông Kulhans Singhvi-Giám đốc Công ty-cho biết: “Diện tích điều ở huyện Đức Cơ rất lớn, vì thế, chúng tôi lập cơ sở thu mua ngay tại địa bàn. Về lâu dài, Công ty tiếp tục lập những cơ sở thu mua tại các xã có diện tích điều lớn, giúp bà con nông dân có nguồn thu nhập ổn định cũng như tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương”.

Cơ sở chế biến cà phê rang xay của Hợp tác xã Xây dựng thương mại và dịch vụ Phượng Hoàng
Cơ sở chế biến cà phê rang xay của Hợp tác xã Xây dựng thương mại và dịch vụ Phượng Hoàng. Ảnh: Ngọc Sang


Năm 2021, Huyện ủy Đức Cơ đã ban hành nghị quyết về phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Theo đó, việc đẩy mạnh ký kết với các tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín trong sản xuất, chế biến nông sản để liên kết với nông dân là một nội dung quan trọng trong nghị quyết.

Trao đổi với P.V, ông Vũ Mạnh Định-Chủ tịch UBND huyện-cho hay: Với mong muốn tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện đã tích cực mời gọi các doanh nghiệp có uy tín cùng với địa phương hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao năng suất, giá trị nông sản. Đặc biệt, huyện chú trọng thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Bước đầu, huyện đã thống nhất hợp tác với một số doanh nghiệp trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Hy vọng ngành nông nghiệp của huyện sẽ từng bước thay đổi theo hướng bền vững trong thời gian tới.

 

 NGỌC SANG
 

Có thể bạn quan tâm