Giáo dục

Tin tức

Đức Cơ: Nâng cao chất lượng dạy học vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Cơ chú trọng công tác duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số.
Hơn 20 năm gắn bó với học sinh Jrai, thầy Rơ Mah Hyat-giáo viên Trường Tiểu học Kpă Klơng (xã Ia Nan) hiểu được những khó khăn, vất vả khi dạy các em học sinh lớp 1, đặc biệt là dạy tiếng Việt. “Khả năng tiếng Việt của các em rất yếu. Mình vừa dạy các môn theo chương trình, vừa tăng cường dạy tiếng Việt để đảm bảo hết lớp 1 các em nói và viết thành thạo tiếng phổ thông. Điều đó không dễ dàng bởi thời gian trên lớp rất ít, phải tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để trang bị kỹ năng tiếng Việt cho học sinh. Có những lúc phải đến nhà từng em dạy học vào buổi tối”-thầy Hyat tâm sự.
Thầy Rơ Mah Hyat (Trường Tiểu học Kpă Klơng, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) dạy tiếng Việt cho học sinh. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Thầy Rơ Mah Hyat (Trường Tiểu học Kpă Klơng, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) dạy tiếng Việt cho học sinh. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Cô Trần Thị Nhung-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kpă Klơng-cho biết: “Toàn trường có 333 học sinh với 12 lớp, trong đó có 2 điểm trường, 100% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, nhà trường khắc phục mọi khó khăn để nâng cao chất lượng dạy và học. Do nhiều gia đình đi làm rẫy không tiện đưa con đến trường nên giáo viên phải đến từng nhà đón học sinh. Ngoài tăng thời gian chính khóa dạy môn Tiếng Việt, mỗi tuần, nhà trường tổ chức 2 buổi phụ đạo không thu tiền. Tất cả học sinh đều được cấp phát sách vở, đồ dùng học tập nhằm khuyến khích các em yêu trường, mến lớp”.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Siu Blễh (xã Ia Lang) là một trong những điển hình về công tác dạy và học. Cô Trần Thị Sáu-Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường-cho biết: “Trường có 272 học sinh với 7 lớp, trong đó có 183 học sinh bán trú. Để thuận lợi trong giao tiếp với học sinh, hơn 50% giáo viên tham gia học tập và được cấp chứng chỉ tiếng Jrai. Nhà trường luôn chú trọng kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh”.
giáo viên Trường tiểu học Kpă Klơng đang hướng dẫn học sinh học
Giáo viên Trường Tiểu học Kpă Klơng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang hướng dẫn học sinh học. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Xuân Trường-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện-cho biết: Toàn huyện có 29 trường tiểu học và THCS, trong đó có 3 trường phổ thông dân tộc bán trú và 1 trường dân tộc nội trú. Phòng chỉ đạo các trường mầm non phối hợp với các đoàn thể, gia đình huy động các em học sinh trong độ tuổi đến lớp. Các trường xây dựng kế hoạch tăng cường tiếng Việt phù hợp với từng lớp học, điều chỉnh chương trình dạy đúng với năng lực học sinh. “Phòng quy định rõ trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm lớp trong việc duy trì sĩ số học sinh và đưa kết quả này vào đánh giá, xếp loại thi đua; yêu cầu giáo viên xây dựng kế hoạch phụ đạo cho học sinh yếu. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên chất lượng dạy và học, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên”-ông Trường thông tin.  
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Cơ cũng đang đối mặt với những khó khăn nhất định. “Hiện nay, 3 bậc học đang thiếu 145 giáo viên. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đã cho phép huyện thi tuyển 30 giáo viên bậc học mầm non. Ngoài ra, huyện xuất kinh phí để hợp đồng 121 giáo viên. Đến nay, giáo viên cơ bản đảm bảo cho công tác giảng dạy. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi mong muốn tỉnh cho đủ biên chế theo định mức để đảm bảo công tác dạy học ổn định hơn”-ông Trường đề xuất.
VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm