Kinh tế

Nông nghiệp

Đức Cơ phát triển nguồn nguyên liệu cho sản phẩm OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO- Thời gian qua, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã tập trung thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện đã có 5 mô hình được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn 3 sao.

 Ông Nguyễn Văn Nam (làng Gol, xã Ia Din, huyện Đức Cơ) bên vườn bưởi da xanh vừa đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh của gia đình. Ảnh: Hà Duy
Ông Nguyễn Văn Nam (làng Gol, xã Ia Din, huyện Đức Cơ) bên vườn bưởi da xanh của gia đình vừa đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: Hà Duy

Gia đình ông Nguyễn Văn Nam (làng Gol, xã Ia Din) sở hữu vườn cây ăn quả rộng gần 4 ha với khoảng 300 cây bưởi da xanh, 300 cây bơ, mít ruột đỏ, vú sữa Hoàng Kim… Trong đó, bưởi da xanh là cây chủ lực, có vị ngọt thanh, được người tiêu dùng ưa thích. Mới đây, bưởi da xanh của ông được huyện chọn là 1 trong 16 sản phẩm tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh và là 1 trong 5 sản phẩm đã đạt chứng nhận 3 sao.

Ông cho hay: “Phòng Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phân bón, hướng dẫn cách bảo quản và khuyến khích gia đình tôi tham gia chương trình OCOP. Đối với nông dân chúng tôi, sản phẩm OCOP có tác dụng rất tích cực khi giá trị trái cây được nâng lên, có thể tham gia những thị trường khó tính”.

Trong khi đó, cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của nông dân huyện Đức Cơ. Từ chỗ chỉ trồng và chế biến thô rồi đưa ra thị trường thì nay nhiều hộ đã đầu tư máy móc rang xay, chế biến và xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm. Anh Nguyễn Văn Hân (thôn Le 2, xã Ia Lang) đã xây dựng cơ sở Nguyễn Hân farm theo cách này. Mới đây, sản phẩm cà phê của anh cũng là 1 trong 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

“Ban đầu, tôi tự học hỏi cách rang xay cà phê tại các tỉnh Đak Lak, Lâm Đồng... Sau khi tham gia thành viên của Hợp tác xã Kinh doanh-Dịch vụ-Nông nghiệp Ia Lang, tôi được Sở Khoa học và Công nghệ giúp đỡ xây dựng thương hiệu. Đạt được chứng nhận OCOP cấp tỉnh là cơ hội để thương hiệu cà phê Nguyễn Hân được nhiều người biết tới”-anh Hân bày tỏ.

UBND huyện Đức Cơ đang nỗ lực, tập trung hỗ trợ cho nông dân xây dựng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Ảnh: Hà Duy
Huyện Đức Cơ đang nỗ lực hỗ trợ nông dân xây dựng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Ảnh: Hà Duy


Ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Xây dựng sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp quan trọng để địa phương phát triển kinh tế, đồng thời cũng là giải pháp để đẩy nhanh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đây là năm thứ 2 huyện tập trung các giải pháp để có một số sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Vừa qua, trong số 16 sản phẩm tham gia chương trình OCOP thì có 5 sản phẩm đạt 3 sao chứng nhận OCOP cấp tỉnh, 11 sản phẩm còn lại sẽ tiếp tục củng cố hồ sơ tham gia đợt 2.

Trước thực trạng diện tích cây cà phê già cỗi và hồ tiêu bị chết khá nhiều, UBND huyện Đức Cơ đã khuyến khích nông dân chuyển đổi đa dạng cây trồng. Theo đó, huyện hỗ trợ cho người dân tái canh 50 ha cà phê, trồng 3 ha cây ăn quả. Riêng người dân tự chuyển đổi là khoảng 100 ha, gồm: tái canh cà phê, trồng cây ăn quả, chanh dây và rau màu các loại, bước đầu, diện tích cây trồng này cho thu nhập ổn định.

Huyện cũng hỗ trợ những mô hình trồng cây ăn quả sản xuất theo hướng VietGAP, đăng ký xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc cũng như tạo ra sản phẩm OCOP để góp phần nâng cao giá trị nông sản, giúp người dân từng bước phát triển sản xuất bền vững.

“Thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ cho nông dân đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chúng tôi sẽ thực hiện quy hoạch và chuẩn bị nguồn nguyên liệu xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương. Cùng với đó, Phòng sẽ tham mưu giúp UBND huyện xây dựng quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu đạt các chứng nhận VietGAP, hữu cơ. Ngoài ra, khuyến khích người dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, sản phẩm có sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý để xác định nguồn nguyên liệu chủ lực của địa phương. Trên cơ sở đó sẽ phát triển sản phẩm tốt hơn, không chỉ đạt chứng nhận 3 sao mà nâng lên 4 sao, 5 sao, có thể đưa ra thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ cho biết thêm.

HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm