(GLO)- Gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã tích cực chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả và hồ tiêu bị chết sang trồng cây ăn quả và cây trồng cạn có giá trị theo hướng bền vững.
Gia đình anh Siu Mi (làng Hrang, xã Ia Kriêng) có hơn 5 ha đất rẫy trồng cà phê, điều và hồ tiêu. Trước đây, nguồn thu từ các loại cây trồng này đạt 200-300 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, từ năm 2015, do dịch bệnh và giá hồ tiêu giảm sâu nên thu nhập bị giảm mạnh. Theo đó, anh Siu Mi đã chuyển 1 ha hồ tiêu sang trồng sầu riêng, bơ, mít và chôm chôm.
“Đến nay, ngoài nguồn thu từ cà phê và điều được hơn 200 triệu đồng thì các loại cây ăn quả đã bắt đầu cho thu bói. Nếu thuận lợi thì tôi sẽ chuyển dần diện tích cà phê già cỗi sang trồng cây ăn quả”-anh Mi cho hay.
Tương tự, tại thôn Chư Bồ 1 (xã Ia Kla) có nhiều hộ dân cũng đã chuyển diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng cây ăn quả. Ông Tô Nguyên Hùng-Trưởng thôn Chư Bồ 1-cho biết: Năm 2019, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn do thời tiết, dịch bệnh và giá cả các mặt hàng nông sản giảm. Thôn vận động những hộ có diện tích hồ tiêu bị chết chuyển sang trồng cây ăn quả hoặc trồng xen trong vườn cà phê.
“Gia đình tôi có hơn 6 sào hồ tiêu bị bệnh chết cũng chuyển qua trồng sầu riêng, bơ và chanh tứ quý. Đặc biệt, thôn Chư Bồ 1 đã thành lập Nông hội trồng đinh lăng, chanh dây và sản xuất cà phê VietGAP để nâng cao thu nhập cho người dân”-ông Hùng cho biết thêm.
Đến nay, nông dân huyện Đức Cơ đã chuyển đổi được 153 ha hồ tiêu bị chết sang trồng cà phê, cây ăn quả và chuyển 14,4 ha lúa nước thường xuyên bị hạn sang trồng thanh long, chuối, bắp, rau các loại. Ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: “Bước đầu, các mô hình chuyển đổi cây trồng đã phát huy hiệu quả, giúp các hộ tăng thêm thu nhập. Các hộ dân tham gia mô hình được sử dụng giống mới, năng suất cao, chất lượng tốt và được hướng dẫn áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, đối với những diện tích hồ tiêu bị chết, người dân cũng đã chủ động cải tạo đất, chuyển sang cây trồng khác gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có 480 ha cây ăn quả”.
Gia đình anh Siu Mi (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) chuyển đổi diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng cây ăn quả. Ảnh: Lê Nam |
Trao đổi với P.V, ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Để giúp người dân nâng cao thu nhập, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với các xã hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích hồ tiêu bị chết, cà phê già cỗi, diện tích lúa nước thường xuyên bị hạn sang cây trồng có hiệu quả kinh tế hơn theo tiêu chuẩn VietGAP, 4C và xây dựng sản phẩm OCOP.
“Thời gian tới, huyện đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, chú trọng cây trồng chủ lực như: cà phê, điều, dược liệu và cây ăn quả. Đồng thời, quy hoạch, hỗ trợ để xây dựng một số vùng chuyên canh cây ăn quả, cây đặc sản gắn với du lịch sinh thái”-Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh.
LÊ NAM