Thời sự - Bình luận

Đừng bắt đường sắt Cát Linh- Hà Đông thành con tin!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người dân chưa nguôi bức xúc vì 50 triệu USD phía tổng thầu yêu cầu thanh toán ngay, thì nay có con số mới, đó là phải trả 135,7 triệu USD cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông để có thể vận hành. Và cũng chẳng ai biết liệu đây đã là con số cuối cùng hay chưa.
 

 Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa biết đến bao giờ mới đưa vào khai thác.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa biết đến bao giờ mới đưa vào khai thác.



Dư luận ngạc nhiên khi nhà thầu Trung Quốc đòi 50 triệu USD tiền thanh toán chạy thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Ban QLDA Đường sắt cho rằng việc Tổng thầu đề nghị thanh toán như trên là chưa phù hợp với các điều khoản thanh toán của Hợp đồng EPC và các Phụ lục hợp đồng đã ký. Trong khi, ông Đường Hồng, đại diện phía tổng thầu Trung Quốc lại quả quyết, việc Tổng thầu yêu cầu 50 triệu USD là khoản thanh toán hợp lệ, không phải chi phí phát sinh thêm. Yêu cầu thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao dự án là điều khoản đã quy định trong hợp đồng EPC mà 2 bên ký kết, không phải do Tổng thầu đơn phương đòi hỏi bên ngoài hợp đồng.

Hợp đồng chỉ có một, nghe ai đây bây giờ?

Xin thưa, Hợp đồng của một dự án tiền tấn, không phải chuyện mớ rau cân cá, cho nên không thể nói rằng soạn thảo cẩu thả, không chặt chẽ, ai muốn hiểu thế nào cũng được.

Nhưng chưa hết, tổng thầu Trung Quốc còn cho biết, để đạt được mức thanh toán 100% thì cần thêm 85,7 triệu USD nữa. Như vậy, nếu cộng với 50 triệu USD đã đưa ra trước, chủ đầu tư phải trả cho nhà thầu 135,7 triệu USD.

Cần phải làm rõ số tiền này, đó là khoản phải trả theo hợp đồng hay là phía tổng thầu đòi thêm, đây có phải là khoản bị đội vốn hay không?

Nếu như cứ nhùng nhằng không bàn giao, lấy lý do để tăng thêm tiền, thì chẳng khác gì dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị đối tác bắt làm con tin.

Ví dụ, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, đại diện tổng thầu Trung Quốc cho biết: "Nếu không được thanh toán khoản tiền 50 triệu USD thì sẽ không thể triển khai được. Vì dự án có 11 chuyên ngành thiết bị phải chạy thao tác và phải có người vận hành, nếu một chuyên ngành không có chuyên gia sang vận hành thì tổng thầu không dám tiến hành vận hành thử toàn hệ thống".

Theo cách nói của phía tổng thầu Trung Quốc, thì nếu không thỏa mãn đòi hỏi số tiền mà họ đưa ra, thì coi như không thể vận hành được hệ thống, thiên thu tàu mới chạy được.

50 triệu USD, 135,7 triệu USD, liệu đã là con số cuối cùng hay chưa, chẳng ai khẳng định được. Thực tế cho thấy, đối với dự án này, phía Việt Nam hoàn toàn rơi vào thế bị động, chưa biết phải chi phí thêm các khoản gì và cũng chưa biết đến bao giờ mới đưa vào khai thác.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/dung-bat-duong-sat-cat-linh-ha-dong-thanh-con-tin-810352.ldo
 

Theo Lê Thanh Phong (LĐO)

Có thể bạn quan tâm