Bạn đọc

Đừng biến team building thành ác mộng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hình thức team building ngày càng phổ biến trong các đơn vị, công ty, doanh nghiệp nhằm tạo sự gắn kết, động lực để các thành viên cùng nỗ lực, cố gắng vì một mục tiêu chung. Thế nhưng, làm thế nào để hoạt động này thực sự bổ ích mà không gây phản cảm thì vẫn chưa được các đơn vị tổ chức thực sự quan tâm. 
“Bựa”, “lầy”, “nhây” là những từ mà người ta thường nhắc đến team building. Cuộc chơi càng nhiều tiếng cười thì sẽ càng thành công. Vì thế, nhiều buổi team building không ngần ngại đem những trò chơi có yếu tố “phồn thực” để mua vui. Theo đó, những trò chơi tạo sự liên tưởng đến hành vi mang tính tình dục, sự đụng chạm nam-nữ càng được đánh giá là có “sáng tạo” và tấu hài. Không ít trò chơi phản cảm ra đời mà ngay cả người trong cuộc cũng phải đỏ mặt khi tham gia. Điển hình như trò “bú bia”. Người nữ sẽ kẹp nách một bình bia để người nam hút. Trò “ăn chuối” cũng phản cảm không kém khi người nam buộc quả chuối vào vùng thắt lưng, người nữ sẽ bịt mắt và quỳ xuống để ăn chuối. Hay nam và nữ cùng cắn chung một quả táo treo lủng lẳng; dùng bụng, hông, mông để đập vỡ quả bóng bay… cũng là những trò chơi đi quá giới hạn của một cuộc vui tập thể thông thường. 
Dĩ nhiên, khi hình ảnh của những trò chơi ấy được lan truyền cũng đã hứng không ít “gạch đá” từ dư luận. Tuy nhiên, phải đến khi sự việc một vài chị em tham gia team building ở bãi biển Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) nhiệt tình đến mức cởi phăng “chiếc áo cuối cùng” để thể hiện quyết tâm giành chiến thắng, chúng ta mới hiểu lý do tại sao những trò chơi “bẩn, bựa” vẫn có “đất sống”. Một phần vì cả nể, sợ bị đồng nghiệp, bạn bè xem là không hòa đồng, không nhiệt tình với tập thể, sợ đánh giá không có năng lực làm việc nhóm… Phần khác, nhiều người vẫn tự thỏa hiệp rằng, đó chỉ là trò chơi mà thôi. Đôi khi, bản chất những trò chơi không nhạy cảm song người chơi lại khiến chúng trở nên phản cảm. Ví như trò chơi tiếp nước mà một công ty ở tỉnh Phú Thọ vừa tổ chức ở bãi biển Cửa Lò vốn là trò chơi lành mạnh; song thay vì dùng mũ, khăn, người chơi bất chấp đang giữa chốn đông người mà cởi áo thun, quần dài và đỉnh điểm là áo ngực để làm vật múc nước. Hẳn sự công kích từ dư luận và cả từ phía gia đình đã khiến những người trong cuộc từ nay về sau “xin chừa” team building. 
Nhóm du khách vô tư chơi trò chơi và “thả rông” phản cảm trên bãi biển Cửa Lò. Ảnh: tintucnghean.vn
Nhóm du khách vô tư chơi trò chơi và “thả rông” phản cảm trên bãi biển Cửa Lò. Ảnh: tintucnghean.vn
Thực tế, nhiều trò chơi dân gian vốn đã là những trò chơi tập thể lành mạnh, bổ ích, vừa rèn sức, luyện tài, vừa tạo sự gắn kết. Những năm gần đây, cơ quan tôi đều đặn tổ chức ngày hội trò chơi dân gian với những trò chơi như bịt mắt bắt vịt, cõng nhau đập niêu, đổ nước vào chai, kéo co, chạy 3 chân, nhảy bao bố, chuyền vòng, nhảy dây… Và ngày hội nào cũng rộn rã tiếng reo hò, cổ vũ cùng những trận cười sảng khoái. Khi ấy, mọi người trong cơ quan càng thêm đoàn kết; cán bộ, nhân viên giữa các đơn vị cùng tham gia bỗng lạ hóa quen, trở nên thân thiết, gần gũi. 
Bản chất của team building là một chuỗi các hoạt động trong đó gồm nghỉ dưỡng, du lịch, các trò chơi tập thể... giàu ý nghĩa đối với mọi cơ quan, đơn vị. Song để giữ gìn sự trong sáng cho team building, mỗi người chơi cần ý thức được “ranh giới” giữa trò chơi chuẩn mực với trò đùa giới tính. Mỗi cơ quan, đơn vị tổ chức team building cũng cần kiểm soát kịch bản, nội dung và cách thức triển khai của từng trò chơi. Đồng thời, các ngành chức năng cũng cần tăng tính răn đe, có những hình thức xử phạt thích đáng đối với các đơn vị tổ chức những trò chơi đi ngược với chuẩn văn hóa, thuần phong, mỹ tục, nhất là ở nơi công cộng. Qua đó góp phần để team building thực sự là hoạt động hữu ích, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tiếp thêm động lực làm việc cho mọi thành viên tham gia cũng như tạo sự đoàn kết trong các cơ quan, đơn vị.
KHÔI NGUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm