(GLO)- Nằm dọc quốc lộ 19 theo hướng từ Gia Lai đi Quy Nhơn, xã An Phú (TP. Pleiku) nằm yên bình bên cánh đồng An Mỹ xanh ngút mắt. Thắng cảnh nổi tiếng nhất nơi đây là Công viên Đồng Xanh, nơi thu hút rất đông du khách ghé thăm. Nhưng với tôi, điểm thu hút nhất của An Phú lại là những ngôi nhà lâu năm vẫn bền bỉ với thời gian, bất chấp quá trình đô thị hóa ngày một nhanh.
Để tâm quan sát một chút, ta có thể thấy những ngôi nhà nhỏ với lối kiến trúc đặc trưng của nhiều thập niên trước vẫn hiện diện dọc quốc lộ. Hầu hết chúng được xây dựng từ những thập niên 70-80 của thế kỷ trước. Dù vậy, những ngôi nhà này vẫn rất chắc chắn, gọn gàng và điều đặc biệt là hầu như trước mỗi nhà đều có một giàn hoa hay được cây cối bao quanh, khiến chúng mang một vẻ đẹp thật kín đáo và trầm mặc. Màu vôi ve cũ kỹ trên các bức tường như vàng thư, xanh trời, những mái ngói thâm nâu rêu mốc, những cánh cửa kính hay cửa lá sách gỗ… là những đặc điểm kiến trúc nổi bật của thập niên 70-80 của thế kỷ trước, khiến cho khung cảnh vừa có vẻ hoài cổ, lại có nét trầm buồn của thời gian.
Những ngôi nhà xưa đang là điểm check-in yêu thích của nhiều bạn trẻ. Ảnh: K.S |
Dừng chân bên đường, uống một ly nước mía bên quán cà phê võng, tôi giật mình phát hiện ra dưới tán cây si mát rượi đang buông thõng những chùm rễ nâu buồn bã là một ngôi nhà còn xưa cũ hơn cả những ngôi nhà mà tôi hay ngắm nghía. Năm xây dựng (1966) được xây nổi bằng xi măng, trên tường có những ô thông gió tròn, chữ nhật được trang trí bằng những hoa văn cách điệu đẹp mắt. Những ô cửa gỗ lá sách vẫn còn nguyên, phía trong cánh cửa gỗ là một cánh cửa kính màu rất đẹp để chống bụi. Ngôi nhà được xây dựng theo đúng kiểu truyền thống 3 gian 2 chái, những cột kèo gỗ đều được trang trí kỹ càng nhưng do bị thời gian tàn phá nên xuống cấp khá nghiêm trọng. Chị chủ quán nước mía chia sẻ, chị cũng rất muốn sửa sang lại căn nhà vì ở khu vực này chỉ có căn nhà của chị là lâu năm nhất, song vì không có tiền nên đành chịu. Rồi chị kể, những cánh cửa gỗ vẫn còn nguyên vẹn cũng được nhiều người đến hỏi mua, “nhưng chị nghĩ tội cái nhà, gỡ mất cánh cửa thì nó trống lổng như bị bỏ rơi nên không đành bán”-chị nói.
Nếu có thời gian đi sâu hơn vào phía trong những con đường nhỏ, men theo cánh đồng lúa xanh mướt, những ngôi nhà xưa vẫn còn rất nhiều với lối kiến trúc tương tự nhau như: nhỏ, thấp và chia làm 3 gian, lợp ngói, quét vôi ve mát mẻ, lối vào cổng thường được bao bọc bởi hàng chè tàu, hàng bông vạn thọ, thược dược… rất đặc trưng của kiến trúc Việt trong những ngày đầu đặt chân đến vùng đất mới. Trong vẻ bình yên ấy, khung cảnh nơi đây như tách bạch khỏi sự náo nhiệt của phố xá ngoài kia.
Những ngày cuối xuân như thế này, những ngôi nhà xưa sẽ khiến khách lữ hành ghé thăm ngẩn ngơ vì nhiều điều tưởng chừng rất vụn vặt: chậu cúc vàng, quất cảnh chưng Tết ngoài hiên rất đỗi thân thuộc, giàn bông giấy được cắt tỉa kỹ càng trước cổng, bên hông nhà là mảnh vườn nhỏ trồng rau xanh tốt, tiếng gà mẹ lục tục dẫn đàn con đi bới thức ăn bên rào, xung quanh nhà là những chậu cây nhỏ. Dường như chủ nhân những ngôi nhà này rất chăm chút và nâng niu màu xanh, đâu đâu cũng có góc nhỏ dành cho cây cối khiến cho nhà cửa hòa lẫn vào thiên nhiên. Nhắm mắt lại, ta có thể nghe thấy mùi đồng ruộng, rơm rạ nồng nồng xung quanh vì hầu như nhà nào cũng có một cây rơm trong vườn-một dấu ấn về truyền thống nông nghiệp nơi đây.
Giờ đây, xen lẫn những ngôi nhà xưa là nhiều ngôi nhà xây theo phong cách hiện đại, cao rộng, thông thoáng với mái tôn bao bọc bốn bên, làm mất dần đi vẻ đẹp của sự yên ả, thân thuộc và quê kiểng. Dù vậy, nơi đây vẫn thu hút những khách lữ hành mơ mộng, yêu cảnh sắc yên bình, thích tìm về với những nỗi nhớ nhung trầm mặc, những hoài niệm cố hương. Và bất chợt một buổi sáng cuối tuần nào đó khi đi ngang nơi này, những tà áo dài của các bà, các mẹ, các cô đi lễ về sẽ khiến bạn ngẩn ngơ như lạc vào một làng quê xa xưa nào đó…
KIM SƠN