Thời sự - Bình luận

Đừng để giao thông kìm chân du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Lễ 30.4 - 1.5 vừa qua, ngành du lịch lại tất bật chuẩn bị cho dịp hè sắp tới. Thế nhưng, với rất nhiều người, nỗi ám ảnh bị hành xác vì kẹt xe, tắc đường vẫn còn nguyên.

Hai mặt của một vấn đề trên cho thấy không chỉ du lịch mà hầu hết các ngành kinh tế đều liên quan mật thiết nhau, tương hỗ nhau. Chúng ta mở cửa bầu trời, đón khách quốc tế, kiểm soát dịch tễ, giảm bớt thủ tục, kích hoạt hệ thống lưu trú; khởi động lữ hành; đưa vào các khu vui chơi giải trí quy mô lớn; ra mắt những sản phẩm độc lạ... để đột phá du lịch, góp phần hồi phục kinh tế là lựa chọn chính xác. Minh chứng là các địa phương đều đạt doanh thu tăng vọt, đón lượng khách khổng lồ sau hơn 2 năm đóng cửa phòng, chống dịch.

Ở thời điểm hiện tại, nhu cầu đi du lịch của người dân trong nước và trên toàn cầu đang rất lớn. Vì vậy, không bỏ lỡ cơ hội, chỉ trong nửa tháng qua, rất nhiều nước tuyên bố mở cửa hoàn toàn đón du khách nước ngoài. Nghĩa là một cuộc cạnh tranh thu hút khách quốc tế đã và đang ngày càng khốc liệt.

Còn chúng ta, có lẽ không thể phủ nhận một thực tế rằng không ít trong số những người vì chôn chân trên cao tốc, trên đường trong dịp lễ vừa qua, sẽ chọn ở nhà hay du lịch nước ngoài trong lần tới vì ám ảnh kẹt xe, tắc đường. Nên câu chuyện không phải chỉ của ngành du lịch, nó đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều ngành nghề lĩnh vực mà ở đây, giao thông là quan trọng hàng đầu.

Thực tế từ cách đây hơn 2 năm khi đại dịch vừa ập đến, có không ít kiến nghị, đề xuất trong thời gian hạn chế và tạm ngưng nhiều hoạt động kinh tế cũng như sinh hoạt của người dân, ngành giao thông cần tận dụng để đẩy nhanh hoàn thiện, tăng tốc những dự án dở dang, khẩn trương cho các dự án trọng điểm. Để khi mở cửa, hạ tầng sẽ giúp chúng ta nhanh chóng trở lại đường đua tăng trưởng kinh tế nói chung, không chỉ du lịch. Nhưng rõ ràng, tốc độ của các công trình giao thông vẫn chậm hơn rất nhiều so với sự năng động của các khu vực khác.

Vẫn biết đặc thù ngành này không phải nói là mở đường, xây cầu được ngay nhưng nếu nhìn vào tiến độ, nguyên nhân chậm trễ thì vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, không mới nhưng chưa được giải quyết một cách triệt để, rốt ráo.

Chẳng nói đâu xa, ngay giải pháp tình thế là xả trạm thu phí BOT, trước lễ Thủ tướng đã chỉ đạo, nhiều ý kiến cũng góp ý rằng nên xả trạm luôn không cần đợi ùn tắc, vì ùn tắc là điều chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng thực tế cũng không được thực hiện. Điều này đóng góp một phần không nhỏ vào nỗi ám ảnh dòng người, xe kéo dài trên một số cao tốc dịp lễ vừa qua.

Là huyết mạch của nền kinh tế, nên giao thông đóng vai trò vô cùng quan trọng với tất cả ngành nghề lĩnh vực, không riêng gì du lịch. Chi phí đầu vào, chi phí thời gian, chi phí cơ hội của các doanh nghiệp, người dân, môi trường kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào việc đi lại, vận chuyển có thuận tiện, thông suốt hay không. Đó cũng là lý do mà đầu tư công vào hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông được Đảng và Nhà nước chọn làm chủ đạo, dẫn dắt trong chương trình phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Không chỉ nguồn lực, rất nhiều cơ chế đặc thù cũng được áp dụng để nhanh chóng đưa những con đường, những cây cầu nối liền các vùng miền của đất nước.

Vì vậy, đừng để giao thông kìm hãm sự phát triển của du lịch nói riêng và tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung.

Theo NIÊN AN (TNO)

Có thể bạn quan tâm