Thời sự - Bình luận

Đừng để học sinh hoang tưởng mình là "thần đồng khoa học"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

TS Nguyễn Văn Khải đề nghị xem xét khả năng ứng dụng thực tiễn của các dự án/sản phẩm dự thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của học sinh phổ thông, và nên dừng việc tổ chức cuộc thi. Có những đề tài chỉ có từ những bộ óc của "thần đồng khoa học", liệu có thực chất không?

 

Một gian trưng bày tại cuộc thi khoa học kỹ thuật Ảnh LĐO
Một gian trưng bày tại cuộc thi khoa học kỹ thuật Ảnh LĐO



Cần phải xem xét nghiêm túc đề nghị của TS Nguyễn văn Khải. Và cũng đánh giá, phân tích thực tế các cuộc thi trên cơ sở khoa học, không cảm tính.

Hiện nay, có hai cuộc thi được tổ chức hàng năm là cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh THCS và THPT do Bộ GDĐT tổ chức và Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc do Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, Bộ KHCN; Trung ương Đoàn phối hợp tổ chức.

Từ trước đến nay, ở các cuộc thi này, đã có nhiều học sinh được giải thưởng bởi những công trình của mình. Nhưng thống kê xem thử, đã có bao nhiêu công trình được ứng dụng vào thực tế, được làm thành sản phẩm thương mại hóa?

Nếu chỉ đi thi, được giải thưởng, sau đó bỏ vào ngăn kéo, thì không có thực chất, mà khoa học thì phải thực chất. Đặc biệt, đối với học sinh, sinh viên khi tập làm nghiên cứu, thì cái cần nhất chính là sự trung thực khoa học.

Xin giới thiệu các đề tài được giải tại cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia năm 2019-2020: Nghiên cứu mối liên quan của đa hình đơn nucleotide với ung thư vòm họng để đánh giá nguy cơ của đối tượng nhiễm EBV trong cộng đồng. Nghiên cứu chế tạo vật liệu đa chức năng kích thước nano định hướng ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Nghiên cứu đặc tính hấp phụ protein hạt chùm ngây trên vật liệunanosilica chế tạo từ vỏ trấu và ứng dụng trong xử lý kháng sinh. "Ứng dụng Deep Learning trong chuẩn đoán ung thư di căn hạch qua mẫu sinh thiết mô hạch bạch huyết".

Với các đề tài trên, đúng là chỉ có "thần đồng khoa học" và không chừng có em được đề cử giải Nobel.

Cũng có thể trong hàng triệu học sinh Việt Nam có một vài thần đồng khoa học, nhưng không thể "sản xuất hàng loạt", năm nào cũng xuất hiện rất nhiều ở các cuộc thi, rồi sau đó biến mất tăm không để lại dấu vết.

Trên thực tế, rất cần thay đổi cách giáo dục áp đặt một chiều, nặng về lý thuyết mà thiếu thực hành. Nhà trường, giáo viên tạo điều kiện cho học sinh độc lập suy nghĩ, tư duy sáng tạo, dành nhiều thì giờ thực hành trong phòng thí nghiệm, cân bằng giữa lý thuyết và thực hành. Qua đó, phát hiện ra các em có năng khiếu, có say mê để ươm mầm.

Các cuộc thi khoa học kỹ thuật cũng có lợi ích là khơi dậy tinh thần học tập, nghiên cứu khoa học, nhưng phải thực chất, trung thực. Không chạy theo phong rào và thành tích.

Đừng để cho các em bị hoang tưởng mình là "thần đồng khoa học".

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/dung-de-hoc-sinh-hoang-tuong-minh-la-than-dong-khoa-hoc-872088.ldo
 

Theo Lê Thanh Phong (LĐO)

Có thể bạn quan tâm