Bạn đọc

Đừng lười hậu… Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhằm thích ứng an toàn với dịch Covid-19, trong một thời gian dài, phần đông học sinh tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, còn người lớn thì chuyển sang làm việc online. Lâu dần, cách thức sinh hoạt, học tập, làm việc ấy trở thành thói quen, tạo nên sức ỳ cản trở mọi việc trong cuộc sống. 
Sau một thời gian dài học sinh học trực tuyến, hẳn sẽ có nhiều phụ huynh thở phào nhẹ nhõm khi nhận được thông báo cho con trở lại trường học trực tiếp. Thế nhưng, cũng có không ít người lại thấy rối bời khi đã quen với nếp sinh hoạt, học tập tại nhà suốt cả học kỳ qua. Không phải hối thúc con dậy mỗi sớm, không phải tất tả, vội vã đưa con đi ăn sáng cho kịp giờ lên lớp, cũng không phải nhấp nhổm nơi văn phòng đợi lúc tan trường để đón con. Lúc bắt đầu, nhiều người lo lắng vì phải để con ở nhà học hành, sinh hoạt mà không có sự theo dõi, kèm cặp của thầy cô. Còn giờ đây, sau một thời gian thích nghi, khi mọi thứ đã “vào guồng”, hầu hết gia đình đã sắp xếp lại nếp sinh hoạt thì đó không còn là trở ngại mà biến thành thuận lợi. Người lớn dần quen và cảm thấy thoải mái với thời gian biểu của con cái, công việc cũng sắp xếp ổn thỏa, phù hợp.
Về phía học sinh, việc học trực tuyến kéo dài cũng tạo nên một sức ỳ khá lớn. Nhiều em lười nghe giảng, không tập trung, dễ bị phân tán, không thích tự nghiên cứu, tìm hiểu trong sách vở vì lúc nào cũng thường trực trên laptop, điện thoại. Trầm kha hơn là căn bệnh lười giao tiếp. Mỗi học sinh dần thu mình lại khi không có nhiều cơ hội để trò chuyện cùng bạn bè, giao tiếp với thầy cô cũng như xã hội. Kéo dài tình trạng trên suốt cả học kỳ khiến các em mất đi sự tự tin, năng động và không còn nhu cầu được chia sẻ, được lắng nghe, dễ dẫn đến căn bệnh trầm cảm. Con của chị bạn tôi đã nhận ra sự thật khá hài hước sau khi trải qua thời gian dài giao tiếp với cô và bạn bè qua màn hình rằng: “Khi học trên lớp, cô giáo suốt ngày yêu cầu cả lớp trật tự. Còn khi học trực tuyến, cô lại thường xuyên nói: “Các em nói gì đi chứ”. 
Với học sinh lớp 1 lại càng khó khăn khi suốt một kỳ học trực tuyến, các em không thể đi vào nền nếp. Theo dõi con qua mỗi buổi học, tôi thấy cô giáo phải liên tục yêu cầu bạn này tắt micro đi, bạn khác không được xoay ngang xoay dọc, không ăn uống, hát hò trong khi đang viết bài. Các bé không được cô giáo tận tình cầm tay nắn từng nét chữ, chỉnh tư thế ngồi, không thể cảm nhận được không khí của một lớp học cùng bảng đen, phấn trắng, sự náo nức của tiếng trống trường hay giờ phút ra chơi cùng bè bạn. Nếp học tập của các con chỉ gói gọn quanh màn hình máy tính, điện thoại, nhìn khuôn mặt cô giáo, bạn bè qua ô hình ảnh nhỏ xíu.
Không chỉ có học sinh mới lười… hậu Covid-19, người lớn cũng tương tự. Tinh thần làm việc chây ỳ, cầm chừng, làm cho xong khiến công việc của cả hệ thống bị đình trệ. Bên cạnh đó, vì sợ mắc Covid-19, giữa mọi người cũng dần có khoảng cách, hạn chế giao tiếp, trao đổi. Người lớn cũng dần dần thu lại trong cái vỏ kén an toàn của mình, thờ ơ với mọi việc diễn ra xung quanh. 
Thực tế, xã hội luôn vận động và phát triển không ngừng. Bản thân chúng ta có vai trò không nhỏ trong việc vận hành quá trình ấy. Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, mỗi chúng ta cần nhanh chóng gạt đi những nỗi sợ, cơn lười biếng, xốc lại tinh thần, sẵn sàng thích ứng với bất kỳ tình huống nào để sống, làm việc, học tập thật năng suất, hiệu quả, tạo ra giá trị hữu ích, góp phần xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
KHÔI NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm