Giáo dục

Tin tức

Đừng nhầm lẫn điểm sàn là điểm trúng tuyển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Các chuyên gia lưu ý thí sinh (TS) có mức điểm ngang hoặc cao hơn điểm sàn xét tuyển chỉ 1 - 2 điểm nếu muốn trúng tuyển đại học (ĐH) thì phải hết sức cẩn thận khi đăng ký nguyện vọng.

Trong chương trình tư vấn trực tuyến “Biết điểm sàn, chọn phương thức xét tuyển tối ưu” do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 2.8, ông Võ Ngọc Nhơn, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho biết: “TS cần hết sức lưu ý, mức điểm sàn (ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào) ở khối ngành sức khỏe với sư phạm, chỉ là mức điểm nhận hồ sơ chứ không phải là điểm trúng tuyển. Không ít TS đã nhầm lẫn 2 loại điểm này. Điểm chuẩn trúng tuyển các ngành khối sức khỏe ở trường tốp trên có thể cao hơn rất nhiều so với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, có khi là 5 - 6 điểm. Hoặc các “ngành hot” ở các trường thì điểm chuẩn trúng tuyển cũng có thể cao hơn vài điểm so với điểm sàn”.
 

Thí sinh và phụ huynh tìm hiểu, nộp hồ sơ theo phương thức xét tuyển học bạ. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thí sinh và phụ huynh tìm hiểu, nộp hồ sơ theo phương thức xét tuyển học bạ. Ảnh: Đào Ngọc Thạch


Theo ông Nhơn, TS cần cân nhắc rất kỹ mức điểm của mình liệu có phù hợp hay không trước khi đăng ký nguyện vọng. Để “định vị” chính xác hơn, TS nên tham khảo điểm chuẩn trúng tuyển của ngành, trường mà mình mong muốn trong 3 năm gần đây.

Còn tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Việt Đức, cho biết trong những ngày vừa qua, nhiều phụ huynh và TS gọi điện đến trường bày tỏ trăn trở về chiến lược đăng ký nguyện vọng để có thể chắc chắn trúng tuyển vào ngành mình yêu thích.

“Nhiều TS đã trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm nhưng do điểm thi cao nên muốn thay đổi. Các em cần xác định rõ ràng nguyện vọng của mình. Nếu muốn học ngành mình đã trúng tuyển sớm thì các em đặt nguyện vọng đó lên đầu tiên. Trong trường hợp muốn dùng kết quả thi để xét tuyển thêm thì cũng nên đưa các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm vào danh sách đăng ký để có phương án “dự phòng”, để nếu không trúng tuyển bằng điểm thi, TS vẫn còn cơ hội trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm mà trước đó đã nằm trong danh sách trúng tuyển có điều kiện”, tiến sĩ Huy đưa ra lời khuyên.

Vấn đề xét tuyển sớm cũng được thạc sĩ Nguyễn Thanh Tâm, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, nhấn mạnh: “Đúng là có nhiều TS thấy điểm thi cao nên không quan tâm tới ngành mà mình đã trúng tuyến bằng phương thức xét tuyển sớm nữa. Các em cứ đăng ký các trường tốp trên bằng điểm thi, cần tham khảo mức điểm chuẩn so với điểm sàn của các trường trong mấy năm gần đây để xem điểm của mình có phù hợp hay không. Một số em chủ quan, điểm sát với điểm sàn nhưng không có phương án dự phòng. Hãy tận dụng quy định không giới hạn nguyện vọng. Và tốt nhất các em vẫn nên đưa nguyện vọng mình đã trúng tuyển sớm vào danh sách đăng ký”.

Theo MỸ QUYÊN (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm