Có khi đứa trẻ cảm nhận quyển sách bằng cả môi - răng và sự cào cấu móng vuốt. Nhưng tập sách đầu tiên trong đời con vẫn là tập sách đẹp nhất dù quăn queo bìa và lỗ chỗ những nơi giấy bị bào mòn rách góc.
Học sinh Trường tiểu học Duy Thu (Duy Xuyên, Quảng Nam) đọc sách ở sân trường |
Hành trình đi đến việc thích đọc sách của một đứa trẻ là hành trình thật dài.
Tôi bắt đầu việc đó ngay từ khi con trai nhận biết thế giới xung quanh, qua những hình vẽ muôn màu muôn sắc trên những miếng bìa cứng - quyển sách đầu tiên dạy con về sắc màu, động vật, thực vật, sự vật... và từ đó thế giới thật là đa dạng mà nếu không nhìn qua sách, ta không thể nào một lúc nhìn thấy hết được.
Có khi đứa trẻ cảm nhận quyển sách bằng cả môi - răng và sự cào cấu móng vuốt. Nhưng tập sách đầu tiên trong đời con vẫn là tập sách đẹp nhất dù quăn queo bìa và lỗ chỗ những nơi giấy bị bào mòn rách góc.
Quyển sách với những bài thơ hay cũng là quyển sách xứng đáng để chọn cho con ngay từ lúc đầu đời.
Làm quen với giai điệu và những từ ngữ đẹp, con sẽ háo hức trong giai điệu của ngôn ngữ và chăm chú lắng nghe bạn đọc hết một bài thơ trong niềm hân hoan.
Trẻ gửi lại bạn niềm hân hoan đón nhận giai điệu ngôn ngữ bằng nhịp của cơ thể: những khua tay múa chân, ánh mắt long lanh đáp trả và những ư ơ chưa thốt được thành lời.
Tôi đã quay lại đọc tất cả các thể loại sách thiếu nhi trên đời, chỉ để tìm cho con những quyển/bộ sách đủ yên tâm và đúng tiêu chuẩn mình muốn cho con ngay từ khi con còn thơ bé. Việc này có tốn thời gian không?
Thưa là có.
Và tại sao phải bỏ thời gian để thực hiện? Bởi vì bạn vẫn muốn chọn cho con loại đồ chơi tốt nhất, có ích nhất; hay bạn vẫn kỳ công chọn những vật dụng tương tự khác với đòi hỏi chất lượng cao ở chúng, vậy với sách tại sao ta có thể không kỳ công cho được.
Cũng như thế, bạn không thể nào từ chối một đứa trẻ muốn nghe bạn đọc. Tham gia việc đọc cùng con là quá trình đầy kiên nhẫn, bởi luôn luôn đứa trẻ chỉ thích nghe đi nghe lại một câu chuyện, một quyển sách hàng ngàn lần trong một khoảng thời gian liên tục.
Nhưng nếu bạn từ chối, tức là bạn cũng cắt đứt niềm hứng khởi với sách, với chữ nghĩa của con, khi chiếc mầm non nớt ấy đang nhú lên khe khẽ trong đứa trẻ con mình.
Để con lớn lên cùng sách, hãy chia sẻ cùng con những niềm yêu thích những quyển sách trong tuổi thơ của đời bạn và dạy con phải biết yêu quý các quyển sách của chính mình.
Đừng để trẻ con quen tay xé một quyển sách hay làm nhàu nát chúng ngoài ý muốn. Không có thói quen hay một cách hành xử nào quá đáng được khuyến khích trong khu vườn tuổi thơ buổi ban đầu, thì hẳn sự trân quý của trẻ với những thứ đặc biệt như sách sẽ được con gìn giữ dài lâu.
Và bạn, cha mẹ của những đứa trẻ, hãy là quyển sách thú vị nhất với con. Quyển sách trong các ông bố bà mẹ luôn đầy ắp và đa dạng thể loại, nơi có thơ ca, có truyện kể, có bài hát. Quyển sách này luôn đi cùng con trẻ vào những hành trình khám phá bất tận.
Theo Tuoitre