Thời sự - Bình luận

Đừng vội chặt bỏ 'cần câu cơm'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

'Phong trào' chặt bỏ cây thanh long, hay bán cả vườn cho cò đất lan rộng là điều vô cùng nguy hại cho nền nông nghiệp địa phương và bà con nông dân chuyên canh loại cây này.

Dù chưa phổ biến, nhưng ở Bình Thuận đã xuất hiện tình trạng chặt bỏ trụ thanh long để lấy đất trồng cây khác hoặc để bán đất vườn, đáng lo là tại những huyện trồng nhiều thanh long nhất Bình Thuận như Hàm Thuận Bắc hay Hàm Thuận Nam - nơi được coi là “thủ phủ” thanh long cả nước.

Gần đây cũng xuất hiện nhiều cò đất đi “săn” vườn thanh long để mua đầu tư hoặc đầu cơ, trục lợi từ chuyển nhượng đất vườn. Đây là những hiện tượng mới xuất hiện sau khi tình trạng bế tắc đầu ra trái thanh long ở Bình Thuận lên đến cực điểm.


 

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan trong chuyến khảo sát tìm hướng phát triển bền vững cây thanh long ở Bình Thuận. Ảnh: Q.H
Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan trong chuyến khảo sát tìm hướng phát triển bền vững cây thanh long ở Bình Thuận. Ảnh: Q.H


Những hiện tượng trên chưa từng diễn ra trong nhiều năm trở lại đây ở các vùng trồng thanh long. Cũng không khó hiểu khi người nông dân quanh năm trông chờ vào vườn thanh long, nhưng liên tục gần đây cứ đến mùa thu hoạch lại xuất hiện tình trạng tắc nghẽn ở các cửa khẩu biên giới Trung Quốc, nơi trái thanh long xuất tiểu ngạch nhưng chiếm tỷ trọng đầu ra chủ yếu từ hàng chục năm qua.

“Phong trào” chặt bỏ cây thanh long, hay bán cả vườn cho cò đất, lan rộng là điều vô cùng nguy hại cho nền nông nghiệp địa phương và bà con nông dân chuyên canh loại cây này. Bởi lẽ, thanh long là sản phẩm nông nghiệp được xác định là “cây trồng thế mạnh” trong nhiều năm qua ở Bình Thuận với diện tích khoảng 34.000 ha, giải quyết công ăn việc làm cho gần 41.000 hộ nông dân. Mỗi năm sản lượng thanh long khoảng 650.000 tấn, đem lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách tỉnh. Nhiều hộ nhà nông ở khắp các miệt vườn từ Bắc Bình đến Hàm Thuận Nam xây nhà lầu, sắm xe hơi… là nhờ vào vườn thanh long đấy thôi!

Cho dù xuất tiểu ngạch đi Trung Quốc đang gặp khó khăn, nhưng đầu ra cho sản phẩm này chưa phải đã bế tắc hoàn toàn. Vẫn còn đó con đường xuất chính ngạch. Xuất khẩu đường bộ gặp khó, có thể tính đến xuất khẩu bằng đường biển, đường sắt, thậm chí đường hàng không. Nhiều thị trường rất tiềm năng cho thanh long, ngoài Trung Quốc… Cho nên, chặt phá bỏ vườn thanh long lúc này, hay bán đất vườn cho “cò” lái lúc này có thể là sai lầm mà hệ quả là nông dân mất sẽ “cần câu cơm” khi trái thanh long hút hàng trở lại.

Theo Quốc Hanh (TNO)

Có thể bạn quan tâm