Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Dưới bóng nhà rông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhà rông là biểu tượng của văn hóa Tây Nguyên. Nhà rông là linh hồn của buôn làng, ở đó có Yàng Rong trông coi mọi việc của đời người, của dân làng.
Hầu hết nhà rông Tây Nguyên đều có dáng uy nghi cao vút, với mái dốc đứng hình lưỡi rìu, sàn cao thoáng đãng. Kết cấu như vậy rất phù hợp với vùng đất cao nguyên 6 tháng mùa mưa.
Cách dựng nhà rông cũng khác với cách làm nhà ở. Là khung nhà, mái nhà được ráp trước, hình thể nhà được cố kết ngay từ khi tạo dựng. Sau đó mới làm sàn thưng vách và lợp mái. Mái nhà rông thời trước thường lợp bằng lá trung quân, là thứ lá khá bền và khó cháy. Lá lợp nhà được kết thành tấm như tấm tranh, xong mới đem lợp lên mái nhà theo từng lớp từ thấp lên cao (nhà sàn người Tây Nguyên thường làm mái, lợp mái từ dưới mặt đất, sau đó dựng khung nhà và khiêng đặt mái lên cái khung ấy).
Ngày xưa, mỗi làng Jrai thường có 2 nhà rông. Một nhà rông “đực” cho những người đàn ông, trai tráng. Một nhà rông “cái” cho đàn bà, con gái. Đêm đêm, trai làng thường tụ tập về nhà rông (đực), vui chơi, đốt lửa, nghe người già kể khan và ngủ chung canh làng. Đàn bà thường không vào nhà rông “đực”. Do đó, khi chỉ còn 1 nhà rông, nhiều khi phụ nữ không dám lên là vậy.
Xưa kia, làng của người Tây Nguyên do nhu cầu cuộc sống thường quần tụ trên một khu đồi trống vắng. Những ngôi nhà sàn sin sít nhau. Nhà sàn người Jrai thường cao ráo sạch sẽ, sàn cách mặt đất đến đầu người. Người Tây Nguyên thường không trồng cây làm vườn trong làng. Vườn thường ở rừng, gắn với khe suối, nương rẫy. Người Bahnar còn có những ngôi nhà để ăn ở trong lúc thời vụ gọi là “nhà đầm”. Nhà rông vì vậy luôn ở bìa làng, nơi rộng rãi thoáng đãng, không lẫn trong những ngôi nhà sàn xúm xít giữa cụm dân cư.
Nhà rông Tây Nguyên. Ảnh: Hòa Carol
Nhà rông Tây Nguyên. Ảnh: Hòa Carol
Hồi trước, đất còn rộng, người Tây Nguyên thường có bãi cột trâu bò xung quanh nhà rông. Những con trâu đầu đàn thường được xỏ mũi bằng dây rừng, cột qua đêm ở khu vực nhà rông để cuốn hút, tập trung riêng mỗi đàn trâu của từng gia đình (người ta xỏ mũi trâu bằng 2 ống nứa nhỏ vót nhọn lồng vào nhau; ống to xuyên mũi trâu, ông nhỏ hơn luồn dây rừng qua mũi). Như vậy, trâu bò được cột ở bãi nhà rông và được các thanh niên canh giữ đêm đêm.
Trên nhà rông thường được lưu giữ các hòn đá đặc biệt mang tính tâm linh. Người dân luôn coi những hòn đá ấy có chứa linh hồn, là Yàng Rong!
Về mặt tâm linh, nhà rông là chốn linh thiêng của cả làng. Nơi đây thường diễn ra các lễ cúng lớn của làng, những cuộc đâm trâu lớn, những ngày lễ hội, những đêm xoang, những nhạc hội cồng chiêng, những cuộc rượu cần thâu đêm suốt sáng… Đó là cả không gian văn hóa tâm linh của làng.
Về mặt thiết chế xã hội, nhà rông Tây Nguyên là nơi tượng trưng cho quyền năng, quyền lực. Ở đó diễn ra những cuộc họp bàn việc lớn của làng, những vụ xử kiện của già làng… Cái nhà rông uy nghi sừng sững ấy góp phần làm nên sức mạnh uy nghiêm của làng, trật tự của làng. 
Nhà rông Tây Nguyên là một biểu tượng đẹp hoàn mỹ. Ấy vậy mà không hiểu vì lý do gì, chỉ trong một thời gian khá ngắn, vùng dân cư Jrai, nhà rông bỗng dưng mất dạng mãi mãi. Có người lý giải vì chiến tranh, vì thiếu gỗ lớn… Lý lẽ ấy xem ra khó thuyết phục. Các dân tộc khác cũng phải chạy giặc, cũng phải dời làng, mà nhà rông Bahnar, nhà rông Xê Đăng… vẫn sừng sững qua năm tháng!
Bây giờ, những ngôi nhà rông phục chế bằng bê tông, lợp tôn khá cao rộng, nhưng rõ là không có hồn vía của làng Tây Nguyên, người Tây Nguyên!
Nhà rông một thời là biểu tượng sức mạnh tâm linh của những ngôi làng Tây Nguyên, ngỡ không thể thiếu được, bỗng dưng nhạt phai!
PHẠM ĐỨC LONG

Có thể bạn quan tâm