Kinh tế

Doanh nghiệp

Đường cùng, vị giám đốc chơi liều với dân tín dụng đen

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khoảng 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) không thể vay được vốn từ các ngân hàng. Mặc dù rát đói vốn và ngân hàng cũng muốn cho vay nhưng cuối cùng doanh nghiệp vẫn phải tìm đến tín dụng đen.
Điêu đứng vì tài sản thế chấp
Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, tín dụng cho DNNVV chiếm 21% trong tổng dư nợ tín dụng. Hiện, khoảng 60% DNNVV chưa sử dụng nguồn vốn ngân hàng, phần lớn trong số này không tiếp cận được. Đặc biệt là khối DN khởi nghiệp, không có vốn, tài sản thế chấp.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tỷ trọng vốn tín dụng dành cho DNNVV vẫn chưa cao. Tính đến cuối năm 2018, dư nợ tín dụng cho khu vực DN này đạt 1.307.000 tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ tín dụng, thấp hơn con số 21% của năm 2017.
Tại hội nghị kết nối ngân hàng - DN trên địa bàn TP. Hà Nội và TP.HCM diễn ra giữa tháng 4 vừa qua, nhiều DN cho biết, họ gặp khó khi vay vốn ngân hàng. 
 
DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng (ảnh minh họa)
Bà Phạm Thị Phương Hoa, Giám đốc một công ty chuyên về nông sản và thực phẩm sạch tại Hà Nội, khởi nghiệp từ năm 2013, đến nay công ty bà có chuỗi 40 cửa hàng về thực phẩm sạch trên toàn quốc. Để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, bà Hoa đã "gõ cửa" nhiều ngân hàng nhưng đến đâu cũng nhận được câu hỏi: có tài sản gì để thế chấp? Do không có tài sản thế chấp nên DN của bà Hoa vẫn chưa thể vay vốn ngân hàng.
Theo bà Trần Thu Hằng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các DNNVV khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng là tài sản thế chấp. Thực tế cho thấy, do thủ tục vay ngân hàng khó, đã khiến nhiều DNNVV, DN siêu nhỏ tìm đến nguồn tín dụng đen.
Không những thế, tài sản đảm bảo thường bị các ngân hàng định giá thấp. Ông Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc tài chính Công ty cổ phần cơ khí thương mại Đại Dũng (TP.HCM) cho hay, các ngân hàng yêu cầu rất nhiều tài sản và định giá tài sản đảm bảo thấp hơn so với giá thị trường, dẫn đến vốn vay thấp. "Tỷ lệ 1 đồng thế chấp chỉ vay được 2 đồng", ông nói.
Còn ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dầu khí Sơn Hải, chia sẻ, ngành nghề kinh doanh xăng dầu yêu cầu nguồn vốn lớn, nhưng lợi nhuận biên mỏng. Khi muốn vay, các ngân hàng đều yêu cầu phải có tài sản đảm bảo là nhà đất, tài sản cố định có giá trị cao, trong khi họ lại định giá thấp, so với giá thị trường từ 20-25% và cho vay với tỷ lệ 70%. Như vậy, DN không thể đủ tài sản để thế chấp.
Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, phản ánh, nhiều DNNVV vay vốn ngân hàng phải mang hết tài sản của gia đình để thế chấp.
Cùng với đó, các DNNVV phải chịu lãi suất cao và không ổn định. Một DN cơ khí nhỏ tại Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, khi vay, lãi vay dài hạn ở ngân hàng năm đầu  9%/năm, nhưng sau đó cứ tăng dần lên đến 10%/năm, rồi 11%/năm, thậm chí hơn, khiến chi phí vốn tăng. Với DN cơ khí lợi nhuận thấp vay vốn như vậy không hiệu quả.
Hay một DN sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại TP.HCM phàn nàn: do thông tin không rõ ràng, không ít DN bị mắc “bẫy tín dụng”: năm đầu được vay với lãi suất tốt, những năm sau DN khó khăn lãi suất lại lên cao, đẩy DN vào chỗ khốn đốn.
Trước những thắc mắc trên, phía ngân hàng giải thích nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do năng lực tài chính còn hạn chế, dự án hoặc phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, khả năng hoàn vốn thấp. Chưa kể, công tác hạch toán kế toán của nhiều DNNVV thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch, trong khi lại thiếu tài sản bảo đảm, làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng từ ngân hàng.
 
Do thủ tục vay ngân hàng khó, đã khiến nhiều DNNVV, DN siêu nhỏ tìm đến tín dụng đen.
Mặt khác, phần lớn DNNVV có trình độ quản lý còn hạn chế; hoạt động mang tính tự phát, thiếu kế hoạch và chiến lược cụ thể; sức chịu đựng rủi ro thấp ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ.
Vốn dài hạn ngoài tầm với?
Khảo sát của VCCI cho thấy, hơn 50% DN dân doanh vay vốn ngân hàng chủ yếu để trang trải hoạt động, ít đầu tư cho đổi mới sáng tạo, thiết bị máy móc hay công nghệ. Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao rất thấp, so với các nước trong khu vực chỉ đạt 2%. Nguồn vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, khoảng 0,2-0,3% tổng doanh thu.  
Trên thực tế, vì khó tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi giá rẻ, các DNNVV thường tìm đến các ngân hàng TMCP nhỏ và phải chịu lãi vay phải cao. Hiện lãi vay dài hạn các DNNVV phải chịu thấp nhất cũng 11%/năm, nhiều khoản vay có lãi suất tới 12,5%/năm, thậm chí cao hơn. Vì vậy, có muốn mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư cho khoa học công nghệ cũng khó.
Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước xây dựng chỉ tiêu định hướng, tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 14%. Với định hướng này, lãi sất cho vay khó có điều kiện giảm. Hạn mức tín dụng thấp, dễ dẫn đến hiện tượng các ngân hàng ép DN vay với lãi suất cao. Điều này càng gây khó cho các DNNVV muốn tiếp cận vốn ngân hàng.
Kể từ 1/1/2019, theo quy định, các ngân hàng phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống còn 40%. Giới chuyên gia cho rằng, tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn ở các nước phát triển chỉ ở mức khoảng 20%. Trong khi tại Việt Nam vẫn khá cao, cần được giảm xuống nữa.
Điều này sẽ thúc đẩy các DN không phụ thuộc vào vốn ngân hàng chủ động tiếp cận các phương thức huy động vốn khác như: phát hành cổ phiếu, trái phiếu hay kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư tư nhân,...
Tuy nhiên, DNNVV vừa chiếm tỷ lệ khoảng 98% tổng số DN hiện nay. Trong đó, số lượng DN có khả năng phát hành cổ phiếu và trái phiếu,... còn hạn chế, sẽ càng thêm khốn khó khi cần vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Trần Thủy (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm