Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Đường Hồ Chí Minh: Cần giải trình rõ về vốn đầu tư để không lỡ nhịp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Để đảm bảo tính khả thi dự án đường Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ về nguồn lực bố trí đầu tư, thời hạn bố trí vốn để dự án này để không lỡ nhịp lần nữa.
 
Một số dự án thành phần việc giải phóng mặt bằng rất chậm. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Một số dự án thành phần việc giải phóng mặt bằng rất chậm. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Chiều 6/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Cần giải trình rõ về nguồn lực bố trí đầu tư
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh Chính phủ cần giải trình rõ về nguồn lực bố trí đầu tư, thời hạn bố trí vốn đối với dự án đường Hồ Chí Minh.
Đồng tình với đánh giá trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết 66 của Quốc hội khóa XIII và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng đường Hồ Chí Minh là công trình giao thông quốc gia rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng.
Cho đến nay, con đường đã hoàn thành 86,1% kế hoạch, vận hành cùng mạng lưới giao thông toàn quốc, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là những vùng khó, những vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng đồng bào dân tộc đang sinh sống mà dự án đi qua. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 66 của Quốc hội khóa XIII, đã quyết định lộ trình thông toàn tuyến đường này vào năm 2020, song đến nay vẫn còn 171 km chưa đầu tư, đồng nghĩa với việc chưa thực hiện xong Nghị quyết 66 của Quốc hội khóa XIII.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé mong tại kỳ họp này Quốc hội có sự quyết tâm, đồng thuận cao với nội dung mà Chính phủ trình xin chủ trương tiếp tục đầu tư để thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ này. Đại biểu thống nhất đưa nội dung này vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
 
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ về nguồn lực bố trí đầu tư, thời hạn bố trí vốn để dự án này để không lỡ nhịp lần nữa.
Đại biểu Kim Bé cũng kiến nghị Chính phủ có kế hoạch bố trí vốn đầu tư duy tu, sửa chữa, nâng cấp một số đoạn đường của đường Hồ Chí Minh đi chung với một số quốc lộ khác đã xuống cấp hoặc những đoạn đường đầu tư đã lâu nay bị hư hỏng nhằm phát huy tốt hơn, hiệu quả hơn trong thực thi nhiệm vụ là mở đường cho kinh tế phát triển.
5 khóa Quốc hội chưa được thông tuyến
Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ quan điểm lo ngại khi tuyến đường mang tên Bác qua 5 khóa Quốc hội chưa được thông tuyến.
Ông Tiến cơ bản đồng tình với Tờ trình Chính phủ, tuy nhiên, theo ông, một số dự án thành phần giải phóng mặt bằng rất chậm, đến nay vẫn còn một số dự án thành phần giải phóng mặt bằng chưa xong, việc cắm mốc lộ giới chậm 2 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, tiến độ hoàn thành dự án không đạt so với Nghị quyết.
Về nguyên nhân của hạn chế, đại biểu cho rằng do ý thức của người dân trong việc chấp hành các chính sách giải phóng mặt bằng chưa nghiêm; Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp có dự án đi qua chưa quyết liệt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng; Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan chưa lường hết được những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh.
Nêu quan điểm về kế hoạch đầu tư giai đoạn tiếp theo, ông đồng tình với Tờ trình của Chính phủ giai đoạn 2021-2025 tiếp tục đầu 4 dự án thành phần đã xác định được nguồn vốn và 1 dự án thành phần chuyển tiếp với quy mô 2 làn xe; còn một dự án thành phần, đoạn từ Cổ Tiết đến chợ Bến Giải 87,5 km chưa có kế hoạch đầu tư.
Theo đại biểu Tiến, cần tiếp tục đầu tư đường cao tốc theo quy hoạch đã có chủ trương giai đoạn sau năm 2035 căn cứ vào quy hoạch nguồn lực và nhu cầu giao thông đầu tư khoảng 634 km đường cao tốc. Tuy nhiên, với kế hoạch này đại biểu băn khoăn tuyến đường mang tên Bác, qua 5 khóa Quốc hội chưa được thông tuyến, chưa rõ đến thời gian nào mới hoàn thành để thông tuyến từ Pác Bó đến Đất Mũi.
Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn để đầu tư hoàn thành tuyến đoạn tuyến Cổ Tiết đi Chợ Bến Lại 87,5km trong giai đoạn 2021-2025 với quy mô 2 làn xe để đảm bảo tuyến đường Hồ Minh được thông tuyến và để hoàn thành và thông tuyến trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.
Nguyên nhân gây chậm tiến độ
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tiếp thu và giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu.
Ông Thể khẳng định đường Hồ Chí Minh là con đường đặc biệt nên Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 38/2004/NQ-QH11, Nghị quyết số 66/2013/QH13; Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, trong đó có Bộ Giao thông vận tải đã rất quyết liệt triển khai thực hiện.
 
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Về nguyên nhân chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết giai đoạn từ năm 2000-2010, tiến độ triển khai dự án rất tốt. Tiếp đó, giai đoạn 2011-2015 được bố trí nguồn lực rất lớn, nhưng thời điểm đó xảy ra khủng hoảng kinh tế, Chính phủ ban hành nghị quyết để dừng, giãn nhiều dự án nhằm kiểm soát lạm phát. Vì thế, giai đoạn 2011-2015 hầu như các dự án lớn, trong đó có dự án đường Hồ Chí Minh phải dừng, giãn để kiềm chế lạm phát và trong 5 năm này hầu như không thực hiện được.
Giai đoạn 2016 đến 2020, chủ trương khởi động lại những dự án dang dở, dừng giãn và tập trung dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1 và nhiều dự án trọng điểm. Nhưng nguồn lực dành cho dự án đường Hồ Chí Minh và các dự án dang dở giai đoạn này cũng rất ít nên không đủ nguồn lực thực hiện. Một trong những nguyên nhân chậm tiến độ nữa là đường Hồ Chí Minh là con đường đi qua địa hình phức tạp, khu vực địa chất khó khăn... Do đó, trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng…
Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của Bộ và một số bộ ngành liên quan trong công tác tham mưu cho Chính phủ tham mưu Quốc hội để rà soát, bố trí nguồn vốn.
Về giải pháp khắc phục, ông Nguyễn Văn Thể khẳng định các dự án đường cao tốc hiện nay thực hiện theo Luật Đầu tư công, đã bố trí đủ nguồn lực, chứ không như giai đoạn trước đây là bố trí nguồn lực theo khả năng, theo giai đoạn. Do đó, những dự án đủ vốn mới triển khai và với sự quyết liệt của Chính phủ và địa phương.
Ông Thể tin tưởng sắp tới dự án đường Hồ Chí Minh nói riêng và các dự án khác sẽ thực hiện đúng tiến độ. Bởi hiện nay đã bố trí vốn cho hai đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn, Rạch Sỏi-Bến Nhất-Gò Quao-Vĩnh Thuận đi qua các địa phương.
Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị các địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai dự án, trong đó có công tác giải phóng mặt bằng.
Ông Thể cho rằng trong thời gian ngắn mà mặt bằng không xong sẽ gây chậm tiến độ, nhất là đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất-Gò Quao-Vĩnh Thuận đi qua vùng đất yếu, nếu không đủ thời gian gia tải sẽ rất khó khăn. Còn riêng đoạn Cổ Tiết-Chợ Bến, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ lập hồ sơ ngay trong năm 2022, tranh thủ các nguồn lực, trong đó có những nguồn có thể có trong năm 2022 và giai đoạn sắp tới để đầu tư… 
“Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ, Quốc hội xây dựng kế hoạch giai đoạn 2026-2030 tập trung nguồn lực cho đường Hồ Chí Minh, nhất là những đoạn có quy hoạch cao tốc để nâng cấp. Đối với đoạn đường còn lại, cố gắng bố trí kinh phí để nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu. Bộ trưởng tiếp thu ý kiến đại biểu sẽ quan tâm đặc biệt đến đường ngang kết nối đường cao tốc, kết nối đường Hồ Chí Minh với các trục lộ khác để phát huy đồng bộ hệ thống giao thông,” ông Thể nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Thể cho hay Bộ Giao thông Vận tải sẽ quan tâm đến công tác đảm bảo môi trường, đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là những đoạn đường đi qua các khu đô thị…
Theo Nhóm PV (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm