Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Đường sách Gia Lai: "Tuy xa mà gần"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những chuyến dừng chân tại một số đường sách ở các tỉnh, thành phố khiến chúng tôi “mộng tưởng” về một không gian tương tự giữa phố núi Pleiku. Tuy không dễ dàng nhưng nếu quyết tâm thì có thể biến ý tưởng thành hiện thực, từ đó góp phần chăm chút không gian văn hóa, bồi đắp vẻ đẹp tâm hồn cư dân thành phố cao nguyên. 
Thời gian gần đây, đến với Đak Lak, nhiều du khách không khỏi ngỡ ngàng khi ghé thăm Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột. Một không gian như hoàn toàn tách biệt giữa phố xá bởi sự tĩnh lặng, êm đềm. Hương thơm của sách mới và cà phê xứ núi quyện hòa, mang lại sự thú vị bất ngờ.
Từ cuối năm 2018, UBND tỉnh Đak Lak đã thông qua đề án xây dựng Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột. Theo đó, đường sách được xây dựng trên đường Kim Đồng (phường Thắng Lợi), ngay phía sau nhà thờ Chính tòa Buôn Ma Thuột. Đáng nói, đây là dự án xã hội hóa 100% chi phí đầu tư, tổ chức thực hiện. Trên con đường có độ dài khoảng 200 m, rợp bóng cây xanh bố trí 23 gian hàng, chia thành các khu vực đọc sách, uống cà phê, bán đồ lưu niệm. Thêm một điều thú vị là các bức tường cũ dọc tuyến đường được “làm mới” bởi 19 bích họa sinh động mô tả cảnh đẹp Đak Lak, các hoạt động sản xuất cà phê và đời sống văn hóa của đồng bào Ê Đê bản địa.
Mở cửa từ 7 đến 22 giờ mỗi ngày, qua 4 năm hoạt động, Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột còn được chọn là nơi tổ chức các hoạt động nghệ thuật, giao lưu văn hóa như: “Ngày hội sách”, chương trình “Đổi sách cũ lấy sen đá”, “Chống rác thải nhựa-Vì môi trường xanh”, biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên miễn phí… Ước tính trung bình mỗi ngày đường sách đón hơn 500 lượt khách tham quan, đọc và mua sách, chụp hình check-in, thưởng thức cà phê cũng như các trải nghiệm khác.  
Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột được trang trí bắt mắt. Ảnh: Lam Nguyên
Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột được trang trí bắt mắt. Ảnh: Phương Duyên
Theo quan sát của P.V, các quán cà phê tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột được đầu tư theo phong cách nhà sàn Tây Nguyên, rất hút mắt từ thiết kế đến trang trí, tạo sự hấp dẫn nhờ dấu ấn riêng. Tuy nhiên, quầy sách tại đây còn thưa thớt, thể loại và số đầu sách cũng chưa phong phú, đầy đủ như Đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Dù vậy, cái được lớn nhất mà đường sách mang lại là không-gian-cà-phê-có-sách. Điều này góp phần định hình giá trị của sách trong đời sống văn hóa, giúp sách khẳng định vai trò là người bạn không thể thiếu của mỗi người. Sách có thể được mang theo và đọc mọi nơi, mọi lúc, nhưng nếu đọc sách trong không gian yên bình, tĩnh lặng, đầy tính nghệ thuật và nhất là thoảng hương cà phê thì ai mà chẳng mong trải nghiệm. Cũng từ đây, ta nhận ra chiều sâu văn hóa trong tâm hồn của “thủ phủ” Tây Nguyên-một thành phố rất năng động nhưng vẫn đủ chỗ cho những người mong tìm kiếm sự êm đềm, tinh tế. 
Những năm qua, tỉnh Gia Lai đã có khá nhiều nỗ lực phát triển văn hóa đọc. Hàng năm, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4), UBND tỉnh đều chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với các nhà sách, công ty phát hành sách trên địa bàn tổ chức đường sách cùng nhiều hoạt động giới thiệu sách, bình sách… Tháng 8-2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, một trong những mục tiêu hướng tới là phấn đấu có 45-50% người dân có kỹ năng tiếp nhận, sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc và học tập suốt đời; trung bình mỗi người dân đọc 4,2 cuốn sách/năm…
Để đạt được những mục tiêu trên, thiết nghĩ ngoài việc đầu tư cho hệ thống thư viện còn cần nỗ lực quảng bá sách theo những cách mới và “mở” hơn, trong đó, việc dành không gian để xây dựng Đường sách Gia Lai là một gợi ý. Theo đề xuất của những người mê sách ở Pleiku, đoạn đường bên hông Quảng trường Đại Đoàn Kết (gần ngã ba Hoa Lư, nơi đang bố trí các ki ốt trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh) là một trong những lựa chọn lý tưởng.
Hơn thế, hiệu quả mang lại còn ở chỗ không gian văn hóa này sẽ góp phần quảng bá các thương hiệu cà phê đặc sản tại Gia Lai cũng như các sản phẩm lưu niệm, phát triển dịch vụ du lịch. Đây chẳng phải là một trong những mục tiêu mà Gia Lai đang vươn tới?
PHƯƠNG DUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm