Phóng sự - Ký sự

Duyên nợ cực Bắc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cực Bắc thực sự là một điểm nằm giữa dòng sông Nho Quế, nơi con sông chuyển hướng từ đông bắc sang đông nam để xuôi về Đồng Văn, Mèo Vạc.
Tác giả (trái) tại cực Bắc cùng Lý Mý Nhù
Tác giả (trái) tại cực Bắc cùng Lý Mý Nhù
Lũng Cú là “xã cực Bắc” của Tổ quốc. Cột cờ Lũng Cú hay cột mốc 428 (mốc có vĩ độ cao nhất trên tuyến biên giới Việt - Trung) đều là những điểm đến khiến lòng ta tự hào nhưng cả hai cũng chỉ là những biểu tượng của cực Bắc mà thôi. Điểm cực thực sự nằm ở đâu và làm sao để tới đó có lẽ vẫn còn là câu hỏi, là mơ ước của nhiều người.
Cực Bắc thực sự là một điểm nằm giữa dòng sông Nho Quế, nơi con sông chuyển hướng từ đông bắc sang đông nam để xuôi về Đồng Văn, Mèo Vạc. Nếu hình dung phần trên của xã Lũng Cú như một tam giác thì cực Bắc chính là đỉnh của tam giác ấy, còn Cột cờ Lũng Cú nằm gần điểm giữa của cạnh đáy và mốc 428 nằm giữa cạnh bên trái. Đo trên bản đồ vệ tinh, từ cột cờ tới cực Bắc là 3,3 km đường chim bay và mốc 428 cũng còn cách đấy 2,2 km.
Hai lần “đi tìm cực Bắc”
Ngày 19.7.2013, tôi và ba bạn trẻ đã mạo hiểm “đi tìm cực Bắc” dẫu không có người dẫn đường, cũng chưa có phượt thủ nào đi trước để học hỏi kinh nghiệm. Xuất phát từ nhà khách dưới chân cột cờ lúc 7 giờ sáng, tới gần 22 giờ, cả đoàn mới trở lại được nơi mình đã khởi hành. Kiệt sức! Những sự cố dọc hành trình với mỗi thành viên đã trở nên ám ảnh.
Mùa phượt 2018 tôi lại lên Lũng Cú để “gặp lại cố nhân”. Liên hệ với anh Sình Dỉ Gai, Trưởng bản Lô Lô Chải, tôi nhận được lời hứa: “Anh cứ lên, sẽ có người dẫn anh đi”. Sáng 27.7, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình ra cực Bắc.
Lý Mý Nhù, người dẫn đường của tôi, là Trưởng bản Séo Lủng - “bản cực Bắc” của Tổ quốc, đồng thời là công an viên của xã Lũng Cú. Xách thêm chiếc lồng chim họa mi “để nó hót cho vui” và con dao quắm, Lý Mý Nhù chở khách vòng qua đài vọng cảnh và phi xuống con đường mòn lổn nhổn, lầy lội tới “đám ruộng ngô cực Bắc”.
Dưới đám ruộng này, ẩn khuất trong lớp cỏ tranh dày đặc là một lối mòn dẫn tới mép sông Nho Quế. Năm xưa, mấy thầy trò đã tuột xuống vực từ chỗ rất gần đường mòn mà không biết. Đây là con đường “độc quyền” của những người Mông ở bản Séo Lủng, đám thanh niên trai tráng vẫn theo lối này xuống vực Nho Quế để câu cá, bẫy chim nhưng người dân ở các bản khác thì hầu như không ai rõ. Cũng vì thế, “điểm cực Bắc” chỉ là một khái niệm mang tính ước lệ trên bản đồ với những người ưa tìm hiểu mà thôi.
Lâu ngày không có người qua, lối mòn gần như mất dấu. Cỏ tranh ngập đầu người, nền đất trơn trượt sau những ngày mưa khiến khách miền xuôi suýt mấy bận lấm lưng trắng bụng. Sau 1 tiếng rưỡi kể từ khi rời bản, hai chúng tôi đã chạm tới dòng Nho Quế.
Vạch cây leo đá thêm vài trăm mét về phía thượng nguồn, “điểm cực Bắc” đã hiện ra trước mắt. Phía đối diện là hai dòng khe tạo thành chữ Y bên đất Trung Quốc đang đổ nước hòa vào sông Nho Quế, hình ảnh rất dễ nhìn thấy trên bản đồ vệ tinh cũng như trên thực địa khi cần định vị. Tuy nhiên, từ cái dễ nhìn đến sự chạm mặt là cả một chuỗi gian nan. Đáng tiếc là tới lần thứ 2 này, tôi vẫn chưa thể đặt chân tới “điểm cực Bắc thực sự” bởi sau những ngày mưa lớn, dòng Nho Quế cuồn cuộn nước vì đập thủy điện của Trung Quốc đang xả lũ.
Sau 5 năm và hai chuyến đi, cực Bắc với tôi đã trở nên gần gũi. Bây giờ là lúc nghĩ tới việc chia sẻ thông tin với mọi người.
Trên bản đồ vệ tinh thấy rõ vị trí điểm cực Bắc của VN
Trên bản đồ vệ tinh thấy rõ vị trí điểm cực Bắc của VN
Đôi điều trăn trở
Những người từng đặt chân lên Lũng Cú bao giờ cũng háo hức với khái niệm “cực Bắc” để tự hào khi check in nhưng đáng tiếc là khái niệm ấy đang khá “nhiễu loạn”.
Khi được hỏi về “điểm cực Bắc” của Tổ quốc thì hầu hết du khách và các hướng dẫn viên du lịch tôi gặp ở Lũng Cú đều trả lời là Cột cờ Lũng Cú và phần còn lại - những người “chịu đi” hơn - thì cho rằng đấy là mốc 428. Người ta bỏ qua một thao tác đơn giản nhất để tìm hiểu điểm cực: xem bản đồ vệ tinh.
Trên Wikipedia, thông tin đang có thế này: “Cột cờ Lũng Cú là một cột cờ quốc gia nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn) có độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi điểm cực Bắc của Việt Nam” và “Đây là một điểm nhỏ trên đoạn đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc” vẫn tồn tại vì không có người sửa sai. Bây giờ, ở “đỉnh” của đường tuần biên, phía bắc bản Séo Lủng, một đài vọng cảnh khá đẹp đã được dựng lên. Và ở đó, người ta cũng giương dòng chữ trang trí: Điểm đầu cực Bắc.
Mấy chữ này chưa ổn về cách diễn đạt và hoàn toàn không ổn về mặt nhận thức. Bởi nếu công nhận một điểm a, b, c nào đó là “cực Bắc” thì hẳn nhiên ta sẽ hiểu rằng từ điểm ấy ngược lên phía bắc sẽ thuộc về lãnh thổ của… quốc gia khác. Nếu thay mấy chữ Điểm đầu cực Bắc bằng Đài vọng cảnh cực Bắc sẽ phù hợp hơn.
Với ba “điểm nhấn” ở Lũng Cú là cột cờ quốc gia, mốc 428 và đài vọng cảnh, nhận thức của du khách về “điểm cực Bắc thực sự” sẽ khác nhau tùy theo điểm đến của từng người và tất cả đều… chưa chuẩn. Giá như, ở cột cờ quốc gia và ở đài vọng cảnh có tấm pa nô vài mét vuông vẽ bản đồ Lũng Cú với đầy đủ ba “điểm nhấn” kia thì chắc hẳn du khách sẽ biết ngay điểm cực Bắc của Tổ quốc nằm ở đâu, dẫu không có biểu tượng để ghi dấu.
Trong các thôn bản của Lũng Cú thì Séo Lủng là nơi trọng yếu nhất, chịu nhiều tang thương nhất trong quá trình bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Thậm chí, tới những năm 90 của thế kỷ trước, những đau thương, mất mát vẫn tiếp diễn. Vậy nhưng, có vẻ như Séo Lủng đang bị lãng quên và ngày càng tụt hậu so với những thôn bản khác. Cả bản không có nổi một quán tạp hóa đúng nghĩa vì tất cả đều quá nghèo, thiếu sức tiêu thụ. Nếu du khách lỡ đường đói bụng muốn mua chiếc bánh ngọt lót lòng cũng là điều bất khả thi.
Đài vọng cảnh với cách gọi dễ gây nhầm lẫn ẢNH: NGUYỄN ĐỨC THẠCH
Đài vọng cảnh với cách gọi dễ gây nhầm lẫn ẢNH: NGUYỄN ĐỨC THẠCH
Chưa cần tiếp cận trên thực địa, chỉ nhìn bản đồ vệ tinh ta cũng sẽ thấy rằng quỹ đất thổ cư của bản đã không còn, xóm nghèo ngày càng trở nên xộc xệch và chật chội. Con đường tuần biên phía tây của xã chia làm hai đoạn men theo hai sườn núi đã đổ bê tông thì phần “khớp nối” xuyên qua bản chưa đầy 100 m vẫn lổn nhổn đá và lầy lội sau những ngày mưa
Chỉ cách nhau 1 km, Lô Lô Chải có một bộ mặt khác hẳn, sạch sẽ và phong quang. Với sự giúp đỡ, hướng dẫn của ông Ogura Yasushi - một người Nhật yêu Hà Giang và văn hóa Lô Lô, homestay đầu tiên của bản đã được mở từ năm 2014 và quán cà phê Cực Bắc được ông chuyển giao trọn gói cũng trở nên quen thuộc với du khách sau đó một năm. Đấy là những đầu tàu cho sự phát triển kinh tế và ý thức làm đẹp thôn bản của người dân Lô Lô Chải. Trả lời cho câu hỏi “Sao anh không dùng Facebook”, Trưởng bản Séo Lủng bảo “người ta chưa kéo wifi về Séo Lủng mà 3G thì đắt quá”. Anh cho biết cũng có vài hộ ở Séo Lủng muốn mở một quán nước nho nhỏ để bán thức uống giải khát hay mì tôm cho du khách khi họ đi thăm dãy cột mốc từ 422 đến 428 nhưng không dám làm vì chắc chắn sẽ ế khách. Bản không có wifi, du khách sẽ ngay lập tức chạy về Lô Lô Chải hay Cẳng Tẳng để giải quyết nhu cầu truy cập internet. Thiếu chiếc cần câu thì đừng mơ con cá, tôi hiểu thêm một lý do để Séo Lủng mãi nghèo. Tự dưng, lòng cảm thấy hổ thẹn khi nghĩ về những nguồn lực và động lực phát triển mà ông Ogura Yasushi đã mang tới cho người dân Lô Lô Chải.
***
Một thoáng với Lũng Cú thôi, tự dưng thấy lòng vương bao món nợ.
Nguyễn Đức Thạch (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm