TN - Đất & Người

Duyên nợ với cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những người tôi kể, chỉ là số ít trong rất nhiều nhân vật mang quốc tịch nước ngoài đến và chọn nông nghiệp để đầu tư ở đất cao nguyên Đà Lạt - Lâm Đồng.

Mỗi người trong họ làm nông theo cách riêng và họ đã thành công. Tình yêu với đất đai, với cây lá và đặc biệt, với chính những tổ ấm đã tạo dựng trên quê hương thứ hai đã giữ chân họ lại và cùng góp sức xây dựng nền canh nông vốn chứa nhiều khó khăn nhưng không ít hấp dẫn và thú vị ở xứ sở tốt tươi này…

Ông là Thomas Hoof

Ông là Thomas Hoof

1. Mỗi lần Đà Lạt mở hội hoa đón khách, dân xứ hoa lại nhớ hình ảnh người đàn ông Hà Lan với nụ cười ấm áp, chạy chiếc xe vespa giản dị trên đường phố, đến chăm chút từng nụ hoa cho không gian trưng bày của Công ty Dalat Hasfarm bên bờ hồ Xuân Hương. Đêm hội tôn vinh của nhiều lần Festival Hoa đều có bóng hình cao lớn của ông trên sân khấu với nụ cười hồn hậu. Ông là Thomas Hoof, một doanh nhân Hà Lan chọn Đà Lạt là quê hương thứ hai và gửi xương cốt của mình vào lòng đất này sau ngày tạ thế. “Người trồng hoa số 1 Đông Nam Á” Thomas Hoof đã không còn nữa, nhưng thương hiệu Dalat Hasfarm mãi khắc tên ông, những người nông dân trên đất Lâm Đồng mãi nhắc tên ông. Ông với cách yêu thương hoa, lá, cách làm vườn hiện đại và thương hiệu hoa mà ông gầy dựng là nguồn cảm hứng đối với những ai chọn đất đai và cây trồng lập nghiệp. Nói rằng, Thomas Hoof là người tiên phong của nền nông nghiệp công nghệ cao ở đất Lâm Đồng, quả không có gì sai…

Thomas sinh năm 1948 tại Zwolle, Hà Lan. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành hoa và rau, quả, ông khởi nghiệp từ một vườn ươm giống ở tỉnh Moerheim quê nhà. Năm 1989, ông gia nhập Công ty Hasfarm ở Indonesia với vị trí Giám đốc dự án trồng hoa ở Goalpara, Sukabumi. Qua khảo sát nhiều nơi ở châu Á, Thomas nhận ra Đà Lạt là nơi thích hợp nhất cho việc phát triển ngành hoa, nên từ năm 1994 ông quyết định chọn nơi này để đầu tư sản xuất, kinh doanh hoa cao cấp và sáng lập Công ty Dalat Hasfarm. Sau khi thuê khu đất trên đường Nguyên Tử Lực, khởi đầu với số vốn 700.000 USD, năm 1995, ông khởi công xây dựng những nhà kính bằng khung gỗ, phủ ni lông đầu tiên để trồng hoa, khiến người dân Đà Lạt hết sức ngỡ ngàng. Dưới sự dẫn dắt của ông, sau gần ba thập niên, Dalat Hasfarm trở thành công ty sản xuất và kinh doanh hoa tầm cỡ Đông Nam Á. Từ một nông trại chỉ vài héc-ta ban đầu, nay công ty đã phát triển thành ba nông trại với tổng diện tích trên 300 ha, trong đó trên 100 ha nhà kính để trồng hoa và ngọn giống, mỗi năm cho sản lượng hàng trăm triệu cành hoa các loại.

Lập nghiệp bằng nghề hoa và chọn Đà Lạt làm quê hương thứ hai, Thomas Hoof đã cưới người vợ quê xứ hoa và tổ ấm của họ tràn ngập hương sắc. Phát hiện bị mắc bệnh hiểm nghèo, năm 2014, ông về Hà Lan điều trị, thế nhưng, căn bệnh trở nên trầm trọng khiến ông không thể quay lại Đà Lạt đón Tết như dự định. Đầu mùa xuân 2015, người trồng hoa đáng kính ấy đã vĩnh viễn ra đi. Theo di nguyện của ông, hài cốt của Thomas được đưa về xứ hoa cao nguyên an táng như một nông dân Đà Lạt bình thường tại nghĩa trang Thái Phiên, một nghĩa trang giữa làng hoa lâu đời trên cao nguyên…

Ông Vadim Kuznetsov

Ông Vadim Kuznetsov

2. Người đàn ông tôi kể dưới đây đã đến từ nước Nga xa xôi. Vadim Kuznetsov chọn nghề làm nông ở Lâm Đồng chậm chân hơn so với những ông chủ nước ngoài khác. Khi Vadim lập trang trại Thung Lũng Nắng để nuôi cá hồi ở vùng núi rừng Đạ Sar, Lạc Dương thì Thomas Hooft đã tạo dựng Dalat Hasfarm trở thành một doanh nghiệp kinh doanh ngành hoa đứng đầu khu vực. Rồi những ông chủ mang họ Tạ, họ Lý, họ Suzuki… người Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản đã có mặt trước để khai thác đất đai và nhân công nhiều vùng trong tỉnh để trồng chè Ô long làm giàu. Người đàn ông Nga trung niên này đến đây từ xứ sở của món cá hồi xông khói, và ông làm một việc không giống với những người đến trước là lên núi lập trang trại nuôi cá hồi, cá tầm. Ông cũng đã kịp “lập tổ ấm” của chính mình bên dòng suối Đạ Sar như tự lòng cam kết gắn bó với xứ sở…

Vadim kể về hành trình đến với con cá nước lạnh. Ông chủ trang trại người Nga nói rằng, ông bén duyên với nghề này một cách tình cờ. Là luật sư, cách đây khoảng mười năm, Vadim sang Việt Nam phụ trách mảng pháp lý cho một công ty chế biến hải sản tại Nha Trang. Trong thời gian làm việc, ông kết thân với Tiến sĩ Lê Thanh Lựu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1. Từ gợi ý của Tiến sĩ Lựu, Vadim đã đến Lâm Đồng khảo sát tìm nơi nuôi cá. Năm 2008, Vadim Kuznetsov chọn con suối giữa rừng thuộc xã Đạ Sar để lập trang trại với tên gọi rất “thơ”: Thung Lũng Nắng. Từ đó, ông sống với rừng, thiết kế, xây dựng hệ thống hồ nuôi. Từ hồ nuôi trải bạt lúc đầu, ăn nên làm ra, ông quyết định xây dựng hồ kiên cố bằng bê tông có mái che. Hệ thống dẫn nước, lọc nước hiện đại, vì yêu cầu đầu tiên của loại cá này là nước phải lạnh và sạch. Vadim cho biết, ở miền Bắc nước Nga quê ông, người ta cũng nuôi cá hồi, cá tầm nhưng do thời tiết quá lạnh nên thời gian từ khi ươm giống đến thu hoạch phải mất ba năm. Ở Lâm Đồng, nhờ nhiệt độ thích hợp nên chỉ một năm đã có cá thương phẩm. Nay Vadim đã cho mở rộng Thung Lũng Nắng với quy mô 8 ha, dài trên 2,3 km suối với khoảng 30 ngàn con, mỗi tháng cung ứng ra thị trường mấy tấn cá thương phẩm. Ba tháng trang trại nhập một đợt trứng về ươm để nuôi và cung ứng cá giống cho các đơn vị bạn…

Cô gái Cơ Liêng Rolan và anh Josh Guikema

Cô gái Cơ Liêng Rolan và anh Josh Guikema

3. Chuyện cô gái Cơ Liêng Rolan người K’Ho ở buôn B’Neur C dưới chân núi Lang Biang “bắt chồng” là một thanh niên người Mỹ tên là Josh Guikema, là câu chuyện tình đẹp được kể nhiều trong các buôn làng. Cái kết đẹp cho tình yêu ấy là một cậu con trai kháu khỉnh và thương hiệu cà phê mới lạ “K’Ho Coffee”. Chuyện là: Có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp đại học tại Mỹ, nhưng máu phiêu lưu đã thôi thúc bước chân của Josh Guikema mang ba lô chu du nhiều nơi trên thế giới. Năm 2009, Josh đến Việt Nam và đã gặp sơn nữ Rolan trong một đêm lửa rừng khi rượu cần đã ngấm, vòng xoang đã mở. Vẻ đẹp hoang dã và bí ẩn của cô gái K’Ho đã làm trái tim của chàng trai Mỹ thổn thức. Đó là cuộc gặp gỡ định mệnh để rồi một ngày anh trở thành chàng con rể ngoan hiền của buôn làng K’Ho. Về sống với gia đình Rolan, Josh đã bắt đầu nếm trải công việc của một nông phu ở xứ sở cà phê, cùng mọi người chăm sóc, thu hái và đặc biệt là… hằng ngày thưởng thức hương vị cà phê Arabica nức tiếng thơm ngon chỉ ở độ cao 1.500 m trên xứ sở bazan này mới có. Là một kỹ sư nông nghiệp, ý định tạo thương hiệu cà phê riêng cho buôn làng bắt đầu nhen nhóm. Josh đã xây dựng quy trình trồng cà phê sạch, thay vì bón phân hóa học, thuốc trừ sâu, anh hướng dẫn bà con dùng phân hữu cơ; thay vì chế biến cà phê khô, anh chế biến cà phê quả tươi để nâng cao chất lượng, giữ hương vị tự nhiên ngay từ lúc quả chín lìa cành. Cà phê Josh tạo ra không đen sẫm mà có màu nâu sóng sánh, “như màu mắt của Rolan”, Josh nói. Cặp vợ chồng trẻ đã đặt tên cho thương hiệu của mình là K’Ho Coffee, để chuyển đi thông điệp rằng, đây là sản phẩm của những người K’Ho, chủ nhân của mảnh đất tốt tươi dưới chân núi Mẹ Lang Biang tạo ra. Đó cũng là cách để ghi dấu tình yêu của đôi trai gái đến với nhau từ hai đầu trái đất…

Ông Zihlmann Marc Aurel

Ông Zihlmann Marc Aurel

4. Một giấc mơ đẹp đang được vợ chồng Zihlmann Marc Aurel và Nguyễn Lê Thạch Thảo cùng những cư dân K’Ho nuôi lớn mỗi ngày giữa làng buôn, giữa những rẫy cà phê và núi rừng Đạ Chais (Lạc Dương). Dù ý tưởng ban đầu lấy cảm hứng từ ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến, nhưng họ đã viết thành hiện thực với tên gọi Hợp tác xã Cà phê Arabica Chappi Lạc Dương và thương hiệu Chappi Moutains Coffee. Thảo và Macr đang hỗ trợ người dân tộc bản địa hình thành các dòng sản phẩm cà phê hữu cơ đạt chất lượng quốc tế và dẫn dắt họ làm du lịch để tạo lập sinh kế bền vững.

Chuyện về Macr: Người đàn ông này sinh ra ở thành phố Zurich (Thụy Sĩ), một thạc sĩ từng làm việc trong ngành ngân hàng. Macr nói với tôi, nhiều năm trước, anh chưa hề biết gì về Việt Nam, trừ vài nhà hàng người Việt ở quê hương anh. Macr đã hết sức ngạc nhiên khi biết, đất nước quê vợ của mình lại là một trong hai quốc gia có sản lượng cà phê cao nhất thế giới với những dòng sản phẩm thượng hạng, nhất là Arabica vốn là loại mà người châu Âu ưa chuộng. Cơ duyên đến từ việc lang thang trên những trang bán hàng trực tuyến, Macr đã kết nối với Thảo. Anh bắt đầu tò mò rồi tìm hiểu dần về công việc sản xuất, chế biến cà phê của một thương hiệu lạ từ đất nước Việt Nam xa xôi… và tìm hiểu luôn người nữ chủ nhân xinh đẹp. Câu chuyện có cái kết ban đầu thật đẹp khi mấy năm trước, anh thạc sĩ ngân hàng quyết định bỏ ngành, rời xa thành phố quê hương bên dòng sông Limmat để đến với núi rừng Tây Nguyên. Đến với Việt Nam, anh có người vợ xinh đẹp, giỏi giang, có cà phê và có một quê hương mới. Macr nói: “Tôi quyết định sang Việt Nam, cùng vợ bắt tay xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản xuất cà phê hữu cơ”. Từ lời nói, việc làm, cử chỉ của Macr và Thảo, tôi cảm nhận họ đã đến với nhau bằng sự thấu cảm, từ khát vọng chung là xây dựng thương hiệu Chappi Moutains Coffee ngày càng phát triển. Bảy loại sản phẩm cà phê hòa hợp với các dược liệu có sẵn tại địa phương như cà phê cacao, cà phê socola, cà phê linh chi, cà phê đẳng sâm… đang dần dần chinh phục thị trường trong và ngoài nước. Mang được các dòng sản phẩm cà phê chất lượng cao đến với người tiêu dùng Thụy Sĩ và châu Âu là một thành công. Nhưng mục đích lớn hơn của đôi vợ chồng này là góp sức tạo lập sinh kế bền vững cho những người đồng bào thiểu số bản địa, bằng cách tổ chức cho người dân tham gia sản xuất cà phê theo quy trình chất lượng và hoạt động du lịch cộng đồng. Thảo và Macr cùng người dân làm cà phê và hướng dẫn họ tổ chức các tour du lịch trải nghiệm sản xuất, chế biến, pha chế tại trang trại; tham quan đời sống, văn hóa cư dân bản địa và khám phá sự hùng vĩ của núi rừng Lạc Dương. Macr cũng đã nhờ đến cả ông bạn Alex, đồng hương Thụy Sĩ, là một chuyên gia trong ngành du lịch cùng hỗ trợ tập huấn kỹ năng cho đồng bào. Trong quá trình bước đầu xây dựng, Thảo-Macr và các cộng sự đã gặt hái được những thành công rất đáng ghi nhận: Thương hiệu Vàng châu Á-Thái Bình Dương với các dòng sản phẩm Lam Ha Bio Coffee năm 2017; Cúp và Chứng nhận sản phẩm Chappi Moutains Coffee tỉnh Lâm Đồng là Thương hiệu chất lượng cao Asean năm 2018; là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao trong năm 2020…

* * *

Cùng với tình yêu đất đai, cây trồng, nghề làm nông cần có một tâm hồn lãng mạn, bởi đời nông phu gần gũi như máu thịt và chia sẻ mỗi phút giây nhạy cảm của tự nhiên. Một vài người trong số hàng chục người nước ngoài đến với vùng đất cao nguyên Lâm Viên và lập nghiệp bằng nghề nông tôi vừa kể trên đây vốn là những người có tâm hồn như vậy. Họ đã chọn nơi này để ký thác lẽ sống và sự nghiệp của đời mình. Họ đã thành công, và tôi tin rằng họ sẽ tiếp tục thành công. Đất lành không phụ công người ấm nồng tình yêu với đất, với con người và nghề canh nông ở xứ sở tốt tươi này.

Có thể bạn quan tâm