EURO 2012: Thảm họa hay cơ hội vớ bẫm?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hai nước chủ nhà tất nhiên sẽ có doanh thu từ EURO 2012 và thu lợi rất nhiều về mặt hình ảnh. Nhưng doanh thu ấy có đủ để bù đắp cho sự đầu tư rất lớn cả về vật chất lẫn tinh thần mà họ đã bỏ ra?

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, CĐV nước ngoài đến Ukraine trong một tháng diễn ra VCK EURO 2012 sẽ tiêu một số tiền tương đương 470 triệu USD, còn Ba Lan thấp hơn một chút, với 280 triệu USD. Lý do là các lá thăm đưa những đội tuyển đến từ các quốc gia giàu có tập trung ở Ukraine. Ngay sau lễ bốc thăm, báo chí Ba Lan đã ca thán rằng đây là một “thảm họa kinh doanh” của nước mình.

Tổng doanh thu 750 triệu USD không lớn, khi biết rằng Áo và Thụy Sỹ kiếm được tới hơn 1,5 tỷ USD từ việc đăng cai EURO 2008. Và đáng nói hơn, là chi phí để Ba Lan và Ukraine tổ chức giải cao hơn 4 năm trước rất nhiều: tổng cộng, 2 nước bỏ ra tới 44,5 tỷ USD để đăng cai EURO 2012. Trong số này, Ba Lan chi 30 tỷ còn Ukraine chi khoảng 8 tỷ.
 

Việc xây dựng mới cơ sở hạ tầng khiến chi phí tổ chức EURO 2012 bị đội lên rất nhiều.
Việc xây dựng mới cơ sở hạ tầng khiến chi phí tổ chức EURO 2012 bị đội lên rất nhiều.

Một kỷ lục đáng sợ, gấp 40 lần chi phí tổ chức EURO 2008 và hơn 3 lần chi phí để Hy Lạp đăng cai Olympic 2004. Để so sánh với sự kiện siêu tốn kém này, chỉ có Olympic Bắc Kinh 2008 (44 tỷ USD) là xứng đáng. Mà EURO thì không thể cùng quy mô với Olympic, còn nền kinh tế Ba Lan và Ukraine cộng lại cũng chưa bằng 1/10 nền kinh tế Trung Quốc.

Cơ sở hạ tầng yếu của 2 nước chủ nhà đòi hỏi họ phải xây mới phần lớn. Ba Lan thậm chí đã thành lập một công ty riêng mang tên PL.2012 để chỉ huy chiến dịch xây dựng. “Số vốn đầu tư này đã biến Ba Lan thành một công trường xây dựng khổng lồ” - lãnh đạo PL.2012 tự hào. Nhưng không phải người dân nào của 2 nước chủ nhà cũng có chung cảm xúc ấy. Họ không tin những gì có thể thu lại xứng đáng với số vốn bỏ ra.

Trung bình, mỗi người dân Ba Lan dù già hay trẻ, dù yêu bóng đá hay không, sẽ phải đóng góp 3.500 USD cho sự kiện này. Không chỉ xây mới, mà họ còn xây mới một cách rất hoành tráng. Chi phí xây dựng sân Olympic ở Kiev, nơi sẽ diễn ra trận chung kết EURO 2012, lên tới 600 triệu USD, gấp rưỡi sân bóng được coi là hiện đại nhất châu Âu hiện nay là Allianz Arena của Đức (nơi diễn ra trận chung kết Champions League 2011/12 giữa Bayern Munich và Chelsea). Sự tốn kém càng rõ ràng hơn khi so sánh với số tiền chưa đến 150 triệu USD mà Áo bỏ ra để nâng cấp... toàn bộ các sân đấu của EURO 2008. Chỉ riêng sân đấu này đã khiến Ukraine lỗ nặng sau EURO 2012.

Vitali Klitschko, tay đấm bốc huyền thoại của Ukraine đồng thời cũng là một chính trị gia, thực hiện một chiến dịch phản đối sự phí phạm của chính phủ và gợi ý về khả năng tham nhũng có thể đã diễn ra. “Người dân Ukraine đang tự hỏi tại sao chi phí xây dựng các sân đấu của EURO 2012 lại cao gấp đôi chi phí xây dựng thường thấy trên khắp châu Âu”.

Tất nhiên, phần lớn số tiền đầu tư của 2 nước chủ nhà sẽ sử dụng cho việc nâng cấp đường sá, sân bay và bến tàu, những công trình sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho người dân. Lợi ích về mặt thương hiệu cũng khó có thể đong đếm. Cần phải biết rằng nếu làm phép tính đơn giản lấy doanh thu trong một tháng trừ đi chi phí, Đức cũng lỗ tới 10 tỷ USD sau VCK World Cup 2006. 10 tỷ vẫn khác so với 40 tỷ. Và những sân bóng đắt giá bậc nhất thế giới kia, sẽ sinh lợi như thế nào, khi chỉ được khai thác bởi những CLB xếp hạng... mấy trăm trên BXH của UEFA?

Theo TPO

Có thể bạn quan tâm