Kinh tế

Giá cả thị trường

EVFTA mở đường cho nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2020, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, đây cũng là năm mang lại không ít thành công cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà, khi mà Hiệp định Thương mại tự do giữa Chính phủ Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực.

Vượt qua sóng cả

Ngày 16-9-2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh Gia Lai tổ chức lễ công bố sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu vào châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Theo đó, 2 sản phẩm được “rộng đường” sang thị trường khó tính này là cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và chanh dây của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao-Chi nhánh Gia Lai. Đây được xem là sự kiện lớn, giúp nông sản Gia Lai nói riêng và của Việt Nam nói chung khẳng định vị thế trên thị trường thế giới, đồng thời giúp nông dân có thêm niềm tin với vườn cây của mình.

Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho biết: EVFTA đã đem lại nhiều thuận lợi cho ngành hàng xuất khẩu cà phê. Cụ thể là khi sản phẩm cà phê được vào thị trường EU, các hàng rào thuế quan đã được dỡ bỏ, thuế trở về bằng 0%, giá trị đem lại cho nông dân, doanh nghiệp và nhà nhập khẩu được bền vững.

Với sự kiện này, Công ty phải chuẩn bị từ 5 năm trước để hội nhập. Theo đó, Công ty xây dựng lại quy trình, quy chuẩn về canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; thay đổi cách làm kém hiệu quả gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, hội nhập phương thức canh tác mới về công nghiệp số, nông nghiệp số, chuẩn hóa số từ bao bì, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý... mà các quy định của EVFTA đã đưa ra đối với các mặt hàng được nhập vào thị trường khó tính này.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT và tỉnh Gia Lai phát lệnh xuất phát xe chở hàng xuất khẩu cà phê theo Hiệp định EVFTA. Ảnh: Đức Thụy
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT và tỉnh Gia Lai phát lệnh xuất phát xe chở hàng xuất khẩu cà phê theo Hiệp định EVFTA. Ảnh: Đức Thụy
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh: “Gia Lai cần tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp chế biến rau quả, cà phê đầu tư mở rộng nhà máy chế biến sâu, tham gia liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân; hướng dẫn, tuyên truyền, vận động và có chính sách để người dân sản xuất đúng quy trình, đảm bảo an toàn thực phẩm, các sản phẩm được chứng nhận theo yêu cầu của EU…”.

Ông Hiệp thông tin: “Hiện sản phẩm của chúng tôi đã đạt toàn bộ các chứng chỉ quốc tế cho 25 ngàn ha cà phê. Từ các chứng chỉ của Mỹ, Nhật, châu Âu, Hàn Quốc, kể cả chứng chỉ của các tổ chức bền vững, trong đó có Hà Lan về FOSI, DELFORES. Đặc biệt, Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp cà phê đầu tiên của Việt Nam đạt được chứng nhận USDA của Bộ Nông nghiệp Mỹ”.

Cũng theo ông Hiệp, niên vụ 2019-2020, Công ty đã xuất sang thị trường châu Âu khoảng 34 ngàn tấn cà phê, gồm các sản phẩm như: cà phê rang xay, cà phê hòa tan, cà phê tinh và cà phê sạch. “Ngay trong ngày công bố sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu vào châu Âu theo Hiệp định EVFTA (ngày 16-9-2020), chúng tôi đã ký xuất 14 container với 296 tấn cà phê sang Đức và Bỉ. Chúng tôi tự tin tạo ra cơ hội tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; tự tin đủ năng lực để đáp ứng mọi nhu cầu và tiêu chuẩn phù hợp theo Hiệp định EVFTA”-ông Hiệp khẳng định. Và, chỉ riêng tháng cuối cùng của năm 2020, Công ty đã xuất khoảng 4 ngàn tấn cà phê sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA.

Với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao-Chi nhánh Gia Lai, trong năm 2020 đã xuất sang thị trường EU được 45 triệu USD cho hơn 30 ngàn tấn sản phẩm (chủ lực là sản phẩm chanh dây cô đặc chiếm khoảng 90% sản phẩm xuất khẩu). Chỉ tính riêng từ ngày tổ chức lễ công bố sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu vào châu Âu theo Hiệp định EVFTA đến cuối năm 2020, đơn vị này đã xuất sang thị trường EU khoảng 4 ngàn tấn sản phẩm, thu về gần 20 triệu USD. Năm 2021, Chi nhánh phấn đấu đạt 60 triệu USD đối với sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA.

Nói về Hiệp định EVFTA, ông Đinh Cao Khuê-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao-cho biết: “Từ khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông sản của Công ty xuất sang EU đã được hưởng mức ưu đãi thuế quan rất thấp. Cụ thể, chanh dây cô đặc xuất sang Hà Lan, đối tác của chúng tôi sẽ được cắt giảm mức thuế nhập khẩu từ 7,5% về 0%”.

Hướng đến tương lai

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đoàn Ngọc Có thông tin: Hiệp định EVFTA đã tạo cơ hội cho nông sản Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng thâm nhập vào thị trường châu Âu-một trong những thị trường rộng, có khả năng tiêu thụ sản phẩm nông sản. Theo đó, Hiệp định mở ra cơ hội cho nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nhà, đặc biệt là đối với các loại cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, lúa gạo, chanh dây… đi vào thị trường EU.

 Ảnh: Đức Thụy
Chế biến chanh dây tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO Gia Lai). Ảnh: Đức Thụy
Ông Đinh Cao Khuê-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao: “Hiệp định EVFTA đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với các doanh nghiệp xuất khẩu tại các nước có cùng vị trí địa lý như các nước Đông Nam Á là Thái Lan, Philippines, Malaysia và các nước có cùng điều kiện khí hậu ở Nam Mỹ như: Peru, Ecuador, Costa Rica...”.

“Châu Âu là thị trường khó tính, yêu cầu chúng ta phải đảm bảo được chất lượng theo tiêu chuẩn của họ. Do vậy, đòi hỏi sản xuất nông nghiệp của chúng ta phải có sự chuyển hướng mạnh mẽ theo yêu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị, theo các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp phải gắn với truy xuất nguồn gốc để minh bạch chất lượng sản phẩm, từ khâu sản xuất, chế biến và xuất khẩu”-ông Đoàn Ngọc Có chia sẻ.

Cũng theo ông Đoàn Ngọc Có, để bảo hộ sản phẩm nông nghiệp, tỉnh cũng đang thúc đẩy xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cao hơn nữa là xây dựng chỉ dẫn địa lý. “Hiện Gia Lai đã xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm gạo Ba Chăm (huyện Mang Yang). Thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy chỉ dẫn địa lý đối với một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh như: cà phê Gia Lai, chanh dây Gia Lai…”-ông Đoàn Ngọc Có thông tin thêm.

Bên cạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh cũng đã chỉ đạo tăng cường chế biến sâu trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy tiêu thụ trong nước và quốc tế, trong đó có thị trường châu Âu.

Năm 2021, tỉnh sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp có sản phẩm đạt tiêu chuẩn tham gia thị trường châu Âu. Theo đó, địa phương đang vận động và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có sản lượng lớn xây dựng kế hoạch sản xuất bền vững, đáp ứng đủ mọi yêu cầu khắt khe của thị trường châu Âu, nhằm từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp của doanh nghiệp, của hợp tác xã mình từng bước tiếp cận thị trường đầy tiềm năng này.

Để đảm bảo cho Hiệp định EVFTA diễn ra thông suốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cả doanh nghiệp lẫn nông dân, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu các doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao-Chi nhánh Gia Lai cần tận dụng tối đa thời cơ, lợi thế mà EVFTA mang lại. Muốn vậy, cần tiếp tục cải tiến công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, giữ uy tín với thị trường EU nhằm xuất khẩu mang lại giá trị cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.

 

 TRẦN ĐĂNG LÂM
 

Có thể bạn quan tâm