Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

EVFTA và IPA sẽ như 'đường cao tốc quy mô lớn'nối Việt Nam và EU

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thủ tướng kỳ vọng EVFTA và IPA sẽ như 'đường cao tốc quy mô lớn', giúp đẩy nhanh tốc độ và quy mô hợp tác, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU.
Chiều 30/6, lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) diễn ra tại Văn phòng Chính phủ, Hà Nội.
Tham dự lễ ký EVFTA có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmström, Stefan Radu Oprea, Bộ trưởng Môi trường Kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Romania (Romania là nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU). Ngoài ra, còn có sự góp mặt của các bộ trưởng trong Chính phủ Việt Nam, đại sứ châu Âu tại Việt Nam, đại sứ các nước EU tại Việt Nam, và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng thế giới (WB), Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), và Tổ chức Lao động Thế giới (ILO).
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ ký kết. Ảnh: (Văn Cường).
Phát biểu tại buổi lễ ký kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đây là ngày lịch sử của quan hệ Việt Nam - EU. Thủ tướng cũng nhắc lại cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu bên lề Hội nghị G20 tại Nhật ngày 29/6.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam gửi lời cảm ơn các đối tác EU và đánh giá các bộ, ban ngành, các cơ quan của chính phủ đã phối hợp với các đối tác EU trong quá trình đàm phán dẫn đến ký kết.
"EU với tầm nhìn hướng đông đã coi Việt Nam là đối tác, là quốc gia giàu tiềm năng, đối tác hàng đầu tại Đông Nam Á. Việt Nam rất vui mừng hợp tác với EU, ở một nền văn minh tiên tiến, khối kinh tế phát triển, mở rộng hợp tác với 28 thành viên với EU", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng kỳ vọng EVFTA và IPA sẽ như một “đường cao tốc quy mô lớn”, giúp đẩy nhanh tốc độ và quy mô hợp tác, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU.
Cao ủy thương mại Cecilia Malmstrom, Bộ trưởng Romania phụ trách kinh doanh, thương mại và doanh nghiệp Stefan-Radu Oprea sẽ đại diện cho EU ký kết EVFTA tại Hà Nội. Hiện Romania là nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ đại diện Chính phủ ký EVFTA. Trong khi đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ đại diện ký IPA.
 
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cùng đại diện Liên minh châu Âu ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. (Ảnh: VGP)
Trước lễ ký kết, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhắc lại, 15 năm trước đây bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu, các lãnh đạo Việt Nam và EU đã đi tới thống nhất 1 lộ trình, trong đó bước đầu là việc Liên minh châu Âu hỗ trợ Việt Nam gia nhập WTO và đi đến hiệp định EVFTA.
"Châu Âu là người bạn đầu tiên tin tưởng vào ý chí hội nhập của Việt Nam, và ít người khi đó tin tưởng 2 bên đạt được mục tiêu đầy tham vọng”, Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu ngành công thương cũng đánh giá, việc hiệp định được ký kết ngày hôm nay khẳng định sự tăng cường hơn nữa quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU, làm sâu sắc hơn mối quan hệ về hợp tác thương mại, mang lại lợi ích cho hai bên.
"15 năm trc, Việt Nam chỉ chập chững bước vào hội nhập quốc tế, là đối tác thương mại nhỏ. Nay với kim ngạch gấp 10 lần, Việt Nam đã cùng EU bắt tay chuẩn bị vào giai đoạn mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước, đặc biệt là phê chuẩn 2 hiệp định. Chặng đường này đòi hỏi nhiều nỗ lực”, ông nói và cho biết tin rằng, với sự nỗ lực hai bên sẽ hoàn tất trong thời gian sớm nhất, để hiệp định sớm đi vào hiệu lực.
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng đại diện Liên minh Châu Âu ký Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU. (Ảnh: VGP)
Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc ký kết là sự kiện quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU đã được khởi xướng từ năm 2012, phù hợp với định hướng phát triển vì sự thịnh vượng chung của 2 nền kinh tế, thể hiện sự ghi nhận và coi trọng của EU đối với vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế với tư cách là một nền kinh tế năng động, sẵn sàng cải cách để hội nhập.
Đồng thời, các hiệp định được ký kết hôm nay còn mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy kết nối kinh tế giữa cộng đồng kinh tế ASEAN và EU cũng như góp phần phát triển kinh tế toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc ký kết các hiệp định này sẽ góp phần tăng tốc tiến trình cải cách, hội nhập kinh tế theo chiều sâu của Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực thương mại truyền thống mà cả trong lĩnh vực thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, lao động, phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế Việt Nam theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, thông lệ tốt của quốc tế, đặc biệt là của Liên minh châu Âu.
Ông Stefan Radu Oprea, Bộ trưởng Môi trường Kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Romania Kêu gọi Quốc hội Việt Nam thông qua các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế cũng như tiếp tục quá trình sửa đổi Luật Lao động.
Trong khi đó, Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmström trích tục ngữ Việt Nam“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, bà Malmström cảm ơn mọi đối tác Việt Nam đã tham gia đàm phán từ những ngày đầu để giúp EVFTA đi đến hoàn thiện. “Mọi người tiêu dùng, người lao động và doanh nghiệp hai bên đều sẽ hưởng lợi”, bà Malmström nhấn mạnh.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmström, Bộ trưởng Phụ trách kinh doanh, thương mại và doanh nghiệp của Romania Stefan-Radu Oprea đến dự lễ ký kết. (Ảnh: VGP)
EVFTA là một trong những Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) lớn nhất Việt Nam từng tham gia, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi thể chế chính sách và đưa nền kinh tế Việt Nam lên một tầm cao mới khi được thực thi.
Đây là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
 
EVFTA sẽ là cú hích lớn cho xuất khẩu Việt Nam.
Hiệp định EVFTA gồm 17 chương, 2 nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế.
Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Đối với Hiệp định IPA, hai bên cam kết sẽ dành đối xử quốc gia (dựa trên cam kết thương mại, một nước sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp của nước khác những ưu đãi không kém hơn so với ưu đãi mà nước đó đang và sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp của nước mình) và đối xử tối huệ quốc (yêu cầu các nước áp dụng mức thuế quan như nhau đối với tất cả các nước bạn hàng) với đầu tư của nhà đầu tư của Bên kia, với một số ngoại lệ, cũng như sự đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng, cam kết bồi thường thiệt hại phù hợp cho nhà đầu tư của bên kia tương tự như nhà đầu tư trong nước hoặc của bên thứ ba trong trường hợp bị thiệt hại do chiến tranh, bạo loạn, v.v...
Trong trường hợp có tranh chấp phát sinh giữa một Bên và nhà đầu tư của Bên kia, hai bên thống nhất ưu tiên giải quyết tranh chấp một cách thiện chí thông qua đàm phán và hòa giải. Trong trường hợp không thể giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn và hòa giải thì mới sử dụng đến cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định cụ thể trong Hiệp định này.
Sau lễ ký kết, Hiệp định sẽ được trình lên Nghị viện Châu Âu để được chấp thuận. Một khi Nghị viện châu Âu đồng ý, hiệp định thương mại có thể được Hội đồng chính thức ký kết và có hiệu lực, trong khi thỏa thuận bảo vệ đầu tư sẽ cần được các quốc gia thành viên phê chuẩn theo thủ tục nội bộ.
Phương Anh (VTC)

Có thể bạn quan tâm