Kinh tế

Giá cả thị trường

EVN không còn độc quyền, giá điện sẽ giảm?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mới đây, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, vào năm 2024, khi Việt Nam có thị trường bán lẻ cạnh tranh hoàn toàn giá điện sẽ “có tăng, có giảm". Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận định, nguồn cơn của tình trạng giá điện chỉ tăng không giảm là do nỗi lo thiếu điện chưa được giải quyết.

Từ năm 2011 đến 2019, trải qua 9 lần điều chỉnh giá điện đã tăng từ 1.242 đ/kWh lên 1.864,44 đ/kWh. Theo kế hoạch xây dựng, phát triển thị trường điện bán lẻ cạnh tranh được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn từ 2022 - 2024, khách hàng sử dụng điện được mua điện trên thị trường điện giao ngay và sau năm 2024 sẽ được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện.

Nói về nội dung trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, kế hoạch thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từ năm 2022 đã được Bộ Công Thương xây dựng. Cụ thể, việc triển khai thực hiện sẽ theo lộ trình mở rộng đối tượng khách hàng tham gia thị trường bán lẻ theo quy mô tiêu thụ điện và theo cấp điện áp từ cao xuống thấp.

Trong đó, bước đầu tiên, sẽ thí điểm cơ chế cho phép các khách hàng sử dụng điện lớn ký hợp đồng song phương trực tiếp với các nguồn điện năng lượng tái tạo.

 

Không giải bài toán nguồn cung, khó mong giá điện giảm
Không giải bài toán nguồn cung, khó mong giá điện giảm


Sau đó, đối tượng khách hàng sử dụng điện lớn được trực tiếp mua điện trên thị trường. Cuối cùng, các khách hàng bán lẻ điện quy mô nhỏ hơn sẽ được thay đổi đơn vị bán lẻ điện.

Theo ông Trần Tuấn Anh, việc đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào vận hành sẽ bỏ vai trò độc quyền của EVN trong khâu mua buôn điện. Đồng thời cũng là tiền đề quan trọng để phát triển tiếp lên cấp độ thị trường bán lẻ điện, đưa cơ chế cạnh tranh vào tất cả các khâu của ngành điện.

"Để tiếp tục hoàn thiện thị trường điện, Bộ Công Thương chủ trương sẽ hoàn thiện các cơ chế thị trường theo nguyên tắc giá điện sẽ do thị trường quyết định, thị trường điện phát triển đồng bộ, liên thông với giá trên thị trường nhiên liệu đầu vào như than, khí tự nhiên, khí LNG… Giá bán lẻ điện cũng cần phải điều chỉnh phù hợp để phản ánh đúng chi phí mua điện đầu vào", ông Trần Tuấn Anh khẳng định.

Tuy nhiên, theo nhận định từ phía các chuyên gia, muốn chấm dứt câu chuyện "giá điện chỉ tăng", không chỉ chờ đợi vào việc xây dựng thị trường bán điện tự do. Giải pháp chính nằm ở việc xử lý bài toán thiếu nguồn cung điện.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, xây dựng cơ chế thị trường cạnh tranh, giá điện sẽ có tăng có giảm. Khi chuyển sang thị trường bán lẻ cạnh tranh, mỗi công ty bán lẻ điện sẽ phải tự cân đối chi phí sản xuất kinh doanh điện năng và tìm kiếm các nguồn điện giá rẻ.

Về giá điện, ông Ngãi khẳng định, đã là thị trường thì mua cao bán cao, các doanh nghiệp có thể cạnh tranh về giá, còn phía người mua cũng được quyền lựa chọn. Trước tiên phải đảm bảo được câu chuyện đủ điện, không đủ điện thì khó nghĩ chuyện giảm giá.

"Lúc đó là thị trường bán lẻ cạnh tranh rồi, các doanh nghiệp cũng phải chú trọng việc cắt giảm chi phí để cạnh tranh lẫn nhau", ông Ngãi nói.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS. Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay, hiện tại, nguồn năng lượng đang dần cạn kiệt, dù là ở thị trường nào, có cạnh tranh hay không thì mục tiêu đặt ra cũng là việc tiết kiệm, hợp lý.

Mới đây, đại diện Bộ Công Thương cho biết, tình trạng các dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cung ứng điện thời gian tới. Cụ thể, tổng công suất nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành giai đoạn 2016 – 2020 chỉ đạt gần 60%.

Điều này dẫn đến việc mất cân đối nguồn cung điện giữa các vùng miền. Ở miền Bắc và miền Trung xảy ra tình trạng thừa cung, trong khi đó, ở miền Nam nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu.

"Việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu. Việt Nam đã phải nhập khẩu than và tới đây sẽ phải nhập khẩu LNG cho sản xuất điện. Ước tính cần nhập khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030. Việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp với khối lượng lớn nếu không có chiến lược phù hợp có thể tiềm ẩn rủi ro cho an ninh năng lượng", đại diện Bộ Công Thương thông tin thêm.



https://danviet.vn/evn-khong-con-doc-quyen-gia-dien-se-giam-20200914125138974.htm

Theo THANH PHONG (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm