Bạn đọc

"Gà leo cây" ở Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Krông Pa không chỉ có các đặc sản như thịt dê tái chanh, cà xóc dê, cà xóc bò hay bò một nắng mà còn có món thịt gà thơm ngon nổi tiếng. Thịt gà nơi đây thơm ngon săn chắc thấm đẫm những nhọc nhằn của vùng đất và con người nơi “chảo lửa” này.

Khí hậu và thổ nhưỡng huyện Krông Pa rất phù hợp cho việc chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ở Krông Pa, hầu như nhà nào cũng nuôi gà. Tuy nhiên, người dân ở đây chủ yếu nuôi để cải thiện chứ chưa thực sự nuôi kinh doanh, mặc dù thịt gà ở đây rất ngon. Ông Kpa Thoa (buôn Prong, xã Ia Mlah) cho biết: Gà nhà nuôi chủ yếu để đốt ăn. Chợ xa nên thịt gà là sản vật tự cung tự cấp nhanh nhất. Cách làm gà của bà con người Jrai ở đây cũng rất nhanh, nhúng gà vào nước lạnh và đốt trên lửa cho cháy nóng rồi vặt lông, khi mổ cũng dùng rất ít nước hoặc không dùng.

 

Món thịt gà Krông Pa thơm ngon nổi tiếng (ảnh minh họa).
Món thịt gà Krông Pa thơm ngon nổi tiếng (ảnh minh họa).

Gà ở đây nhỏ giống như gà ri. Để bắt được gà, chờ đến tối chúng trèo lên cây dùng ná bắn hoặc dùng gậy đập. Ban ngày thì thả chó đuổi bắt. Gà bay như chim, nhất là những vùng gần bìa rừng. Có thể gà nuôi lai tạo với gà rừng nên chúng bay rất xa. Người dân không cần làm chuồng cũng chẳng phải cho ăn cám tăng trọng hay thuốc thang gì nên chúng cứ kiếm được hạt cỏ, hạt bắp, khoai mì là chúng ăn, uống nước sương, nước vũng. Chúng rời khỏi cành cây từ sớm đến tối mịt mới về. Với kiểu chăn thả tự nhiên này, thịt gà rất săn chắc…

Hiện nay, số lượng gà nuôi thả tự nhiên của người dân ở Krông Pa rất nhiều, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không chỉ phục vụ cho gia đình mà còn bán ra thị trường. Vào dịp Tết, gà Krông Pa luôn đắt hàng. Trước đây, người ta hay mang dầu, muối, cá khô và các vật dụng để đổi lấy con gà, kiểu hàng đổi hàng. Ngày nay, gà đã được người dân địa phương đưa ra chợ bán hoặc tiểu thương vào làng mua với giá 120.000-150.000 đồng/kg.

Tại các buôn Ma Jai, buôn Ơi Dik (xã Đất Bằng), gà cực ngon vì bà con ở gần bìa rừng. Người dân ở đây không có thói quen làm chuồng cho gà. Vì thế, sau một ngày rong ruổi kiếm ăn, chúng lại nhảy lên tán cây quanh nhà để ngủ rồi sáng sớm lại lục tục đi kiếm ăn. Nhiều năm qua, các nhà hàng tìm mua loại “gà leo cây” này.

Tuy nhiên, vào dịp Tết, một số người nhập gà từ nơi khác về để bán. Điều này đã làm giảm thương hiệu của gà Krông Pa. Gà Krông Pa thường chân nhỏ màu chì, mình tròn, khoảng hơn 1 kg. Gà con thường có sọc nâu dọc thân. 

Mai Chí Vũ

Có thể bạn quan tâm