Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Gần 1.700 tỷ đồng đầu tư đường Hồ Chí Minh qua Thái Nguyên và Tuyên Quang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu (tỉnh Thái Nguyên)-ngã ba Trung Sơn (tỉnh Tuyên Quang) có chiều dài gần 29km sẽ được đầu tư xây dựng nhằm hoàn thiện mạng lưới đường bộ.
Phương tiện lưu thông trên một đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+

Phương tiện lưu thông trên một đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+

Bộ Giao thông Vận tải vừa có quyết định phê duyệt đầu tư Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu (tỉnh Thái Nguyên)-ngã ba Trung Sơn (tỉnh Tuyên Quang).

Dự án có tổng chiều dài gần 29km. Điểm đầu dự án tại Chợ Chu (điểm cuối đoạn Chợ Mới-Chợ Chu), huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Điểm cuối dự án tại ngã ba Trung Sơn (giao cắt với Quốc lộ 2C), huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Tuyến đường được đầu tư quy mô đường cấp 3 miền núi, bề rộng nền đường 9m, bề rộng mặt đường 6m, vận tốc thiết kế 60km/h, có châm chước những vị trí khó khăn. Riêng đoạn tuyến đi qua trung tâm xã Trung Sơn (chiều dài khoảng 532m) sẽ được đầu tư quy mô đường đô thị, bề rộng nền đường 14m, bề rộng mặt đường 10m.

Bộ Giao thông Vận tải cũng tính toán tổng diện tích đất sử dụng khoảng 93,75ha, trong đó địa phận tỉnh Thái Nguyên khoảng 33,06ha và địa phận tỉnh Tuyên Quang khoảng 60,69ha.

Tổng mức đầu tư dự án là 1.665 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường hỗ trợ, tái định cư hơn 419 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 1.000 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án hơn 11 tỷ đồng; chi phí tư vấn hơn 45 tỷ đồng; chi phí dự phòng hơn 66 tỷ đồng và chi phí dự phòng là hơn 107 tỷ đồng.

Nguồn vốn bố trí dự án trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 1.326,27 tỷ đồng, trong đó năm 2023 dự kiến khoảng 0,4 tỷ đồng; năm 2024 dự kiến khoảng 671,3 tỷ đồng; năm 2025 dự kiến khoảng 654,57 tỷ đồng. Năm 2026 dự kiến khoảng 338,73 tỷ đồng.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm chỉ đạo tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, thực hiện đầy đủ công tác khảo sát (địa hình, địa chất, thủy văn, mỏ vật liệu, bãi đổ thải, cấp đường và cự ly vận chuyển,...), cập nhật giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công, ca máy,... khi triển khai bước tiếp theo tuân thủ quy định; rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, chọn giải pháp thiết kế phù hợp, đảm bảo kinh tế-kỹ thuật, ổn định công trình lâu dài, phát huy hiệu quả đầu tư.

Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh có trách nhiệm lựa chọn nhà thầu để triển khai thực hiện dự án tuân thủ quy định; thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư dự án theo quy định pháp luật; lập kế hoạch, tiến độ tổng thể, chi tiết để triển khai dự án tuân thủ quy định phù hợp với kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền chấp thuận; quản lý chặt chẽ chi phí, đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư được duyệt.

Đơn vị này cũng cần phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng và các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát, đảm bảo khối lượng giải phóng mặt bằng phù hợp với hồ sơ thiết kế được phê duyệt, quản lý chi phí giải phóng mặt bằng của dự án đảm bảo chặt chẽ về thủ tục, tuân thủ quy định.

Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu khởi công cuối tháng 12/2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025.

“Việc đầu tư tuyến đường Chợ Chu-ngã ba Trung Sơn nhằm từng bước hoàn thiện đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch; tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác vùng trung du, miền núi phía Bắc và trên các hành lang vận tải từ Thái Nguyên và Tuyên Quang đến các các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm