Kinh tế

Giá cả thị trường

Gần 60 container tiêu Việt Nam mắc kẹt tại Nepal: Gian nan đường về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong số 13 doanh nghiệp xuất khẩu, có doanh nghiệp đang bị kẹt tới 20 container, số tiền phải trả cho hãng tàu dao động từ 320.000-340.000 USD.

Trong số 13 doanh nghiệp xuất khẩu, có doanh nghiệp đang bị kẹt tới 20 container. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)
Trong số 13 doanh nghiệp xuất khẩu, có doanh nghiệp đang bị kẹt tới 20 container. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)


Liên quan đến việc gần 60 container hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu sang Nepal bị mắc kẹt hàng tháng trời tại cảng Nepal và biên giới Nepal-Ấn Độ do lệnh cấm nhập khẩu của Chính phủ Nepal ban hành ngày 25/3, các doanh nghiệp cho biết mong muốn lớn nhất là đưa hàng về càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, đây là việc khó khăn và không dễ dàng.

Quy trình và thủ tục phức tạp

Sau thời gian dài chờ đợi và nhờ sự can thiệp của Bộ Công Thương Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal) để được thông quan lô hàng đã xuất đi trước khi Chính phủ Nepal ban hành lệnh cấm nhập khẩu nhưng không nhận được phản hồi nào từ phía Nepal, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam mong muốn được đưa hàng về để giảm tổn thất do chi phí lưu container, lưu bãi tăng và hàng hóa có khả năng bị hư hỏng.

Bà Trần Phước Hậu, Phó tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Trân Châu, cho biết thông qua đại lý dịch vụ ở Nepal, doanh nghiệp được biết Bộ Công nghiệp, Thương mại và Vật tư Nepal đã có văn bản đồng ý cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa các container hạt tiêu đang mắc kẹt về nước.

Tuy nhiên, khi đại diện nhà xuất khẩu Việt Nam tại Nepal đến cảng Birgunj (Nepal) làm hồ sơ đưa hàng về thì hải quan trả lời văn bản của Bộ Công nghiệp, Thương mại và Vật tư Nepal không phải do Bộ trưởng ký nên không đồng ý thực hiện và họ chỉ thực hiện khi có văn bản do Bộ trưởng ký tên.

Kể cả khi Chính phủ Nepal cho phép doanh nghiệp xuất khẩu thu hồi các container mắc kẹt thì quy trình cũng rất phức tạp.

Cụ thể, doanh nghiệp phải liên hệ hãng tàu nhờ tìm một đại lý dịch vụ đứng ra làm thủ tục, chuẩn bị bộ giấy tờ bao gồm thư từ chối nhận hàng từ nhà nhập khẩu, thư miễn trừ trách nhiệm từ nhà nhập khẩu và ngân hàng của nhà nhập khẩu.

Sau đó, đại lý sẽ trình hồ sơ lên phòng Thương mại Nepal xin thêm thư miễn nhiễm trách nhiệm từ hãng tàu để nộp cho hải quan tại cảng Nepal.

Khi được hải quan cấp phép đưa hàng về thì hồ sơ sẽ được chuyển tới cơ quan chống gian lận thương mại đóng tại biên giới Nepal-Ấn Độ và cơ quan này đồng ý, doanh nghiệp mới có thể đưa container ra khỏi cảng Nepal.

“Do Nepal không có cảng biển nên để đưa hàng về Việt Nam, doanh nghiệp phải thuê tàu lửa di chuyển container từ cảng Birgunj (Nepal) đến Kolkata hoặc Visakhapatnam thuộc Ấn Độ, sau đó mới đưa hàng lên tàu biển về Việt Nam. Quá trình này thuận lợi cũng phải mất từ 40-45 ngày, nếu vướng mắc thủ tục hoặc phía đối tác nhập khẩu chần chừ không cấp “thư từ chối nhận hàng” thì sẽ lâu hơn,” đại diện một doanh nghiệp cho biết.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp có container đang kẹt tại Kolkata (Ấn Độ) chia sẻ một số nhà nhập khẩu Nepal lấy lý do hàng chưa đến Nepal nên không thể cấp thư từ chối nhận hàng. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa biết phải xử lý thế nào.

Nỗ lực thương lượng

Trong thời gian chờ thông báo chính thức từ cơ quan có thẩm quyền của Nepal, các doanh nghiệp đã chủ động liên hệ các hãng tàu vận chuyển để thương lượng giảm chi phí lưu container, lưu bãi trong thời gian hàng bị kẹt tại cảng của Nepal và biên giới Nepal-Ấn Độ nhằm giảm bớt gánh nặng về chi phí và đẩy nhanh tiến độ thu hàng khi được phép.

Đại diện Công ty Liên Thành cho hay trên cơ sở điều khoản hợp đồng vận chuyển thì phí lưu container, lưu bãi cho container 40 feet trung bình là 70 USD/ngày cho tuần đầu, tuần thứ 2 là 100 USD/container, từ tuần thứ 3 trở đi là 170 USD/container.

 

Thu hoạch tiêu tại huyện Bù Đốp, thủ phủ hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Bình Phước. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)
Thu hoạch tiêu tại huyện Bù Đốp, thủ phủ hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Bình Phước. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)


Như vậy, với thời gian lưu bãi trên 3 tháng thì số tiền phải trả cho 1 container 40 feet từ 16.000-17.000 USD.

Trong số 13 doanh nghiệp xuất khẩu, có doanh nghiệp đang bị kẹt tới 20 container, số tiền phải trả cho hãng tàu dao động từ 320.000-340.000 USD. Đây là thiệt hại rất lớn đối với một doanh nghiệp nhỏ.

Chưa kể trước đó, doanh nghiệp đã vay ngân hàng và dồn phần lớn vốn để mua hàng khiến không có vốn để xoay vòng, trong khi vẫn phải chịu lãi suất và phí phạt trả chậm cho ngân hàng.

Bà Trần Phước Hậu cho rằng việc hồ tiêu bị mắc kẹt tại Nepal không phải lỗi của doanh nghiệp xuất khẩu hay các hãng tàu mà xuất phát từ chính sách của quốc gia nhập khẩu.

Đa số doanh nghiệp có hàng mắc kẹt đều là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn hẹp.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đã thống nhất gửi thư đề nghị các hãng tàu hỗ trợ bằng cách giảm 85% chi phí phát sinh do phải lưu container, lưu bãi. Tuy nhiên, đến nay các hãng tàu vẫn chưa có phản hồi cụ thể và đang trong quá trình xem xét.

Ông Tạ Quốc Sự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hồ tiêu Việt, chia sẻ công ty có 5 container hạt tiêu bị kẹt lại tại Nepal và Kolkata.

May mắn đối tác nhập khẩu phía Nepal đang hợp tác rất tốt và đồng ý trả chi phí phát sinh do lưu container, lưu bãi.

Để giảm gánh nặng cho đối tác nhập khẩu, công ty đang nỗ lực đàm phán với các hãng tàu, nhưng đến nay một hãng tàu đã trả lời chỉ có thể giảm 35% phí phát sinh, một hãng tàu khác vẫn chưa phản hồi.

Tuy nhiên, khả năng các hãng tàu có thể giảm tới 80-85% chi phí phát sinh như đề nghị của doanh nghiệp xuất khẩu là rất thấp.

Các doanh nghiệp cho rằng thông thường các hãng tàu tính giá lưu container, lưu bãi lũy tiến, càng lâu thì mức phí/ngày càng cao để khuyến khích các nhà nhập khẩu nhận hàng sớm, còn chi phí thực tế hãng tàu bỏ ra không nhiều.

Hơn nữa, một hãng tàu mỗi tuần đều nhận vận chuyển hàng nghìn container nên phần chi phí phát sinh của 58 container (tổng cộng 5 hãng tàu vận chuyển) không phải là vấn đề lớn đối với họ.

Ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu bị mắc kẹt đều là doanh nghiệp nhỏ, gặp khó khăn về tài chính.

Đến thời điểm này, nếu đưa được hàng về thì chi phí phát sinh đã xấp xỉ 50% giá trị lô hàng.

Trường hợp thời gian lưu lại Nepal và biên giới Nepal-Ấn Độ lâu hơn thì phần chi phí phát sinh sẽ tăng thêm theo cấp số nhân. Mặt khác, hạt tiêu trong các container lưu cảng quá lâu có khả năng bị ẩm mốc, hư hỏng không thể bán được.

Trước tình hình trên, 13 doanh nghiệp xuất khẩu đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ trong việc đàm phán với Chính phủ Nepal về việc cho phép tái xuất các lô hàng hồ tiêu đang mắc kẹt tại cảng Birgunj (Nepal) và biên giới giữa Nepal-Ấn Độ về Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

“Hơn 3 triệu USD không phải là số tiền nhỏ đối với các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Lúc này, tất cả đều mong muốn vụ việc được tháo gỡ một cách nhanh chóng để doanh nghiệp không rơi vào tình thế buộc phải bỏ hàng và tuyên bố phá sản,” đại diện các doanh nghiệp chia sẻ.

Xuân Anh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm