Sức khỏe

Gần 65% số ca tay chân miệng nhập viện tại Thành phố Hồ Chí Minh đến từ các địa phương khác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong bối cảnh dịch bệnh tay chân miệng đang có diễn biến bất thường tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam nói chung, cùng với đó số lượng ca bệnh điều trị từ các địa phương khác chuyển về Thành phố ngày càng nhiều, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các Sở Y tế tỉnh, thành khác nâng cao năng lực điều trị tại địa phương, đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh để bệnh nhi có thể được điều trị sớm nhất và thuận tiện nhất.

Theo số liệu thống kê của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại 20 tỉnh/thành phố khu vực phía Nam cũng như tại Thành phố Hồ Chí Minh đang có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm 2022. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, 20 tỉnh/thành phố khu vực phía Nam ghi nhận 124.345 ca mắc tay chân miệng, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số ca mắc ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh là 44.467 ca, chiếm 35,7%. Như vậy, bệnh nhi tay chân miệng từ các tỉnh, thành phố khác đến Thành phố Hồ Chí Minh điều trị chiếm 64,3%.

Điều trị cho trẻ mắc tay chân miệng. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Điều trị cho trẻ mắc tay chân miệng. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, diễn biến dịch bệnh tay chân miệng của khu vực miền Nam có sự khác biệt so với các năm trước đây. Các năm trước, dịch bệnh tay chân miệng sau khi đạt đỉnh sẽ giảm dần. Tuy nhiên, trong năm 2023, số lượng ca bệnh đạt đỉnh vào tuần 23 đến 31 rồi giảm chậm, sau đó tăng lại vào các tuần 41 đến 43. Sau tuần 43, tình hình dịch tiếp tục giảm chậm nhưng số ca mắc cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. Trong hai tuần 46 và 47, bệnh tay chân miệng có xu hướng giảm tại Thành phố Hồ Chí Minh và cả khu vực miền Nam. Cụ thể, trong tuần 47 (từ ngày 20/11 - 26/11), số trường hợp mắc bệnh ở Thành phố là 1.021, giảm 40,5% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca bệnh giảm, số nhập viện theo đó cũng giảm theo. Mặc dù giảm số lượng nhưng số ca nhập viện có địa chỉ ở các tỉnh thành khác vẫn duy trì ở mức gần 70%. Trong đó, riêng các ca bệnh nặng chuyển từ tỉnh, thành khác đến chiếm gần 85%.

Nhận định dịch có xu hướng giảm nhưng chưa ổn định, Sở Y tế Thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch gồm tăng cường giám sát hoạt động phòng, chống tay chân miệng tại các quận huyện, trường học để phát hiện, xử lý ổ dịch đúng quy định và đẩy mạnh truyền thông phòng, chống dịch. Về công tác điều trị, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực điều trị cho tất cả cơ sở khám, chữa bệnh từ phòng khám đến các bệnh viện tuyến quận, huyện, bệnh viện đa khoa có khoa nhi trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế để tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi ở Thành phố và các tỉnh thành khác chuyển đến.

Dự đoán tình hình dịch bệnh tay chân miệng còn kéo dài, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các tỉnh, thành khu vực phía Nam cần tiếp tục tăng cường hoạt động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Song song đó, các tỉnh, thành cần nâng cao năng lực điều trị tại địa phương, đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh để bệnh nhi có thể được điều trị sớm nhất và thuận tiện nhất. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành lưu ý tăng cường truyền thông đến người dân về khả năng tiếp nhận điều trị bệnh tay chân miệng của bệnh viện tuyến tỉnh để người dân an tâm điều trị tại địa phương.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân thường xuyên: Rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy; lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Có thể bạn quan tâm