Thông tin trên được bác sĩ Nguyễn Thành Dũng-Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM chia sẻ tại cuộc họp với lãnh đạo Viện Pasteur TP. HCM và Sở Y tế TP. HCM, ngày 31-1.
Theo bác sĩ Dũng, trong đợt Tết vừa qua, tình hình tiêm chủng vắc xin phòng bệnh dại tại đơn vị này tăng rõ rệt. Cụ thể, bệnh viện đã tiếp nhận và tiêm phòng bệnh dại cho 1.365 trường hợp, đa phần là bị chó cắn. Qua khai thác bệnh sử ghi nhận, hầu hết bệnh nhân bị chó tấn công khi đi chúc Tết bà con lối xóm và họ hàng.
Bác sĩ xử lý vết thương cho một trường hợp bị chó tấn công. Ảnh/Tiền phong |
Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong. Bác sĩ khuyến cáo, hiện nay, vắc xin thế hệ mới hoàn toàn không có tác dụng phụ lên hệ thần kinh. Tiêm phòng dại là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm.
Từ năm 1920, vắc xin phòng dại cho vật nuôi đã ra đời, giúp căn bệnh này gần như không còn xuất hiện ở các nước phát triển. Song, bệnh dại vẫn là vấn đề nghiêm trọng ở Ấn Độ và một số khu vực châu Phi.
Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành và phát triển ở hầu hết tỉnh, thành phố. Những năm 1990-1995, tỷ lệ tử vong là 0,43/100.000 dân, trung bình mỗi năm có 350-500 ca tử vong. Nhờ các biện pháp tăng cường chống bệnh dại từ năm 1996 tỷ lệ mắc và tử vong vì bệnh này giảm rõ rệt. Song, từ năm 2004, số ca bệnh tăng lên, tập trung ở một số địa phương nhất định. Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Mỹ (NHS), một khi người mắc xuất hiện triệu chứng, gần như khả năng cứu chữa là bằng 0.
L.H (theo tienphong, tapchitrithuc)