Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Kiểm soát quyền lực góp phần phòng-chống tham nhũng, tiêu cực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Những năm qua, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) 2 cấp trong tỉnh Gia Lai đã nỗ lực hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp để góp phần đấu tranh phòng-chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Những kết quả đáng ghi nhận
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kiểm soát quyền lực để PCTN, tiêu cực trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp ở địa phương, Ban cán sự Đảng Viện KSND tỉnh đã ban hành Quy chế về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn và lề lối làm việc của Ban cán sự Đảng; quán triệt và triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng Viện KSND tối cao, đồng thời thể chế hóa trong kế hoạch, chương trình công tác của ngành để tổ chức thực hiện. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 7-7-2007 và Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 9-11-2018 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc và công tác bảo vệ Đảng, Quy định số 02/QĐ-VKSTC, ngày 17-10-2008 của Ban cán sự Đảng Viện KSND tối cao. Chủ động báo cáo xin ý kiến chỉ đạo và chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy trong việc giải quyết các vụ án trọng điểm, án tham nhũng, chức vụ, vụ án và vụ việc được dư luận xã hội quan tâm.
Về công tác chỉ đạo xử lý đối với các vụ án, vụ việc theo quy định, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự được tăng cường, hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành theo nghị quyết của Quốc hội. Trong đó, tập trung tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. Viện KSND luôn chú trọng việc nắm và quản lý nguồn tin về tội phạm, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trực tiếp tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát nhiều hoạt động điều tra trước và sau khi khởi tố vụ án; nâng cao trách nhiệm trong việc phê chuẩn và ban hành các lệnh, quyết định thuộc thẩm quyền; kiểm sát chặt chẽ các vụ án đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra, đồng thời kiên quyết không phê chuẩn hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ, trái pháp luật của Cơ quan Điều tra; phối hợp với cơ quan chức năng ký ban hành quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và quy chế giải quyết các vụ án hình sự; đề ra một số chỉ tiêu cao hơn chỉ tiêu của ngành để phấn đấu thực hiện; tăng cường trực tiếp kiểm sát, mở rộng hơn về phạm vi và thực hiện sớm hơn trong các tiến trình tố tụng; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình nghiệp vụ, nhất là những quy định nhằm tăng cường trách nhiệm công tố, chống oan sai và chống bỏ lọt tội phạm.
Công tác phối hợp liên ngành được triển khai thực hiện theo hướng đánh giá chuyên sâu việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp. Đối với một số vụ án có khó khăn, vướng mắc đã tổ chức họp 3 ngành, mời cấp ủy tham dự để chỉ đạo giải quyết, tạo sự đồng thuận cao trong công tác phối hợp giải quyết án…  
Thừa ủy quyền của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt trao cờ thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2022 cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Ảnh: R’Ô HOK
Thừa ủy quyền của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt trao cờ thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2022 cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Ảnh: R’Ô HOK
Viện KSND 2 cấp thực hiện nghiêm túc chủ trương nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa theo Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Chú trọng tổ chức các phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp (phiên tòa rút kinh nghiệm), nhất là các phiên tòa theo cụm từ 3 đến 5 đơn vị cấp huyện và các phiên tòa có áp dụng số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh, có lãnh đạo Viện KSND tỉnh và các phòng nghiệp vụ tham dự, chỉ đạo họp rút kinh nghiệm. Việc tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa đảm bảo bình đẳng, công khai, dân chủ theo tinh thần cải cách tư pháp. Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm các bản án hình sự. Đồng thời, tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, dự báo xu hướng tình hình tội phạm và vi phạm để làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật, từ đó tham mưu cho các cấp ủy Đảng, kiến nghị với chính quyền và cơ quan hữu quan có giải pháp phòng-chống vi phạm pháp luật và tội phạm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội tại địa phương.
Công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, phá sản và những việc khác theo quy định của pháp luật luôn được ngành chú trọng, nhiều năm lựa chọn là khâu đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Việc tham gia phiên tòa, phiên họp của Viện Kiểm sát có chất lượng tốt, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án có nhiều chuyển biến tích cực. Viện KSND 2 cấp đã chỉ đạo hàng ngày kiểm sát các thủ tục tạm giữ, tạm giam tại các nhà tạm giữ, 1 tuần/lần đối với trại tạm giam. Kiểm sát chặt chẽ việc thi hành án tử hình và hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, xét đặc xá cho phạm nhân đảm bảo đúng đối tượng và trình tự pháp luật quy định. Viện Kiểm sát đã chủ động phối hợp với Công an, Tòa án và cơ quan Thi hành án nắm chắc số bản án và số người bị kết án đã có hiệu lực pháp luật để tổ chức thi hành, số án dân sự có điều kiện thi hành và không có điều kiện thi hành để phân loại thi hành triệt để. Kiểm sát chặt chẽ các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ, ủy thác trả lại đơn, việc xét cho hưởng thời hiệu và xóa án tích, xét miễn giảm án phí, phạt tiền đúng quy định của pháp luật. Tăng cường kiểm sát thi hành án đối với các trường hợp người bị kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo, bị phạt cải tạo không giam giữ tại UBND xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, việc thi hành hình phạt tiền, quản chế, cấm đi khỏi nơi cư trú. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành án của cơ quan Thi hành án, chấp hành viên; kịp thời phát hiện vi phạm để ban hành 1.244 văn bản kết luận, kiến nghị, kháng nghị xử lý, khắc phục, phòng ngừa. Hàng năm đều mời Ủy ban MTTQ Việt Nam tham gia các đợt kiểm sát tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ theo quy chế phối hợp đã ký.
Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chỉ đạo nâng cao tỷ lệ giải quyết đơn thuộc thẩm quyền, tăng cường trực tiếp kiểm sát, bố trí phòng tiếp công dân đúng quy định; kiện toàn, nâng cao chất lượng cán bộ, kiểm sát viên làm công tác này và tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cùng với việc tham gia đầy đủ các buổi tiếp công dân do Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tổ chức, Viện trưởng Viện KSND tỉnh đã chỉ đạo tiếp công dân nhiều hơn và tổ chức đối thoại với công dân có nhiều ngành tham gia để giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, được sự đồng thuận của người dân.
Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện KSND 2 cấp đã tích cực, chủ động phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót, vi phạm trong hoạt động tư pháp cũng như trong lĩnh vực quản lý nhà nước và xã hội; kịp thời ban hành 3.215 văn bản (245 kháng nghị, 1.122 kiến nghị và 1.848 kết luận) yêu cầu cơ quan, tổ chức khắc phục vi phạm, thiếu sót, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm (tăng 1.448 văn bản so với nhiệm kỳ trước). Các văn bản kháng nghị, kiến nghị, kết luận của Viện Kiểm sát đều bảo đảm tính có căn cứ, được các cơ quan tư pháp tiếp thu, thực hiện.
Giải pháp hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực
Kiểm soát quyền lực là một trong những giải pháp quan trọng góp phần PCTN, tiêu cực. Để thực hiện hiệu quả công tác này, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau đây: 
 Một là, về đổi mới tổ chức của Viện KSND trong quá trình hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực để PCTN, tiêu cực, bên cạnh quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp, cần xem xét Viện Kiểm sát thuộc nhóm quyền kiểm soát quyền lực thứ tư và cần nghiên cứu để tách riêng các quy định về Viện KSND thành một chương riêng trong Hiến pháp mà không đặt cùng chương với quy định về Tòa án nhân dân nhằm đảm bảo sự phù hợp với tính chất, chức năng, nhiệm vụ của Viện KSND.
Nghiên cứu tăng cường vai trò, trách nhiệm của Viện KSND trong điều tra vụ án hình sự, Viện Kiểm sát chỉ đạo hoạt động điều tra; tăng cường vai trò, trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước và lợi ích của những người yếu thế.
Hai là, các vụ án tham nhũng, kinh tế thường liên quan đến nhiều lĩnh vực như quản lý tài chính, đất đai, tài nguyên rừng, quản lý dự án đầu tư... đều phải liên quan đến công tác giám định, định giá tài sản, song vấn đề này nhiều năm qua còn bất cập, không kịp thời, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan nên các vụ việc, vụ án thường bị kéo dài, thiếu căn cứ xử lý. Vì vậy, cần có sự hoàn thiện về pháp luật trong cơ chế, chính sách, trách nhiệm đối với công tác giám định tư pháp, giám định tài chính và định giá tài sản để phục vụ tốt cho các cơ quan tố tụng trong việc giải quyết các vụ việc, vụ án ở lĩnh vực này.
Ba là, đề nghị Nhà nước có cơ chế quản lý chặt chẽ trong việc luân chuyển nguồn tiền, ngoại tệ... trong các quan hệ giao dịch của hệ thống doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức và cá nhân vì đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Bốn là, về biên chế của ngành KSND, thực tiễn hiện nay cho thấy, hàng năm, tình hình tội phạm và tranh chấp về dân sự, hành chính đều gia tăng; chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND được mở rộng hơn theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, biên chế của ngành KSND không được tăng mà vẫn phải thực hiện giảm 10% theo lộ trình tinh giản biên chế chung của Nhà nước. Do vậy, cần nghiên cứu, xem xét việc phân bổ biên chế cho các cơ quan tư pháp nói chung và ngành KSND nói riêng để phù hợp với tính chất và thực tiễn khối lượng công việc nhằm bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.
NGUYỄN ĐÌNH QUANG
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh

Có thể bạn quan tâm