Phóng sự - Ký sự

Gạo đỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đặc thù địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu đã cho ra đời ở Măng Bút và một số vùng lân cận giống lúa gạo đỏ độc đáo.

Măng Bút chớm khô. Gió rong ruổi trên những đồi gần đồi xa qua từng trảng đồng lồng lộng. Vụ gặt đã xong là thời điểm hiếm hoi có ít ngày nông nhàn thong thả. Nhanh bước đường về, Y Siêu thấy trong lòng khấp khởi niềm vui. Làng Đăk Lanh ở đầu xã Măng Bút, cuối huyện Kon Plông, Kon Tum dưới chân những cánh rừng trải dài xa thẳm, Y Siêu sinh ra, lớn lên ở đây và gắn bó với nơi này.

Ngày huyện Kon Plông được thành lập lại, cô bé Y Siêu còn líu ríu theo mẹ ra đồng thả trâu, cuốc ruộng. Lúa gạo đỏ của người Xơ Đăng, tên gọi là “bao prang” được cấy trồng từ bao đời rồi, không ai nhớ nữa. Ngay cả trên những thửa ruộng khô cằn nhất, những vùng đất phèn nhất, nó vẫn nhẫn nại vươn lên, trổ bông, chắc hạt. Mỗi năm chỉ một mùa, nhưng đó chính là nguồn sống của người dân ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo hút này.

Đồng lúa gạo đỏ của chị em làng Đăk Lanh. Ảnh: TN

Đồng lúa gạo đỏ của chị em làng Đăk Lanh. Ảnh: TN

Năm nào cũng vậy, thường vào tháng 2 dương lịch, sau Tết Nguyên đán, bà con gieo mạ và cuốc ruộng. Khi đất “vào nước” xong xuôi thì tháng 4 bắt đầu cấy. Y Siêu không bao giờ quên dáng mẹ lưng khom, chân lún trong bùn, đôi tay thoăn thoắt đưa từng nhánh mạ. Sau này làm mẹ, bao nhiêu tảo tần, đến lượt mình, em càng thấm thía hơn.

Y Siêu bảo: Cây lúa lành lắm, chẳng phải bón phân, cũng không màng sâu bệnh, chỉ cần làm cỏ sạch và đủ nước là cứ thế mà lên mạnh mẽ giữa đất trời. Thời gian sinh trưởng của nó đúng 6 tháng ròng kể từ lúc “xuống cây”.

Hạt của nó lạ lắm, ban đầu khi mới được giã ra, có màu trắng đục, nhưng để chừng bốn tháng sau thì mới lên màu đỏ nâu, rồi dần chuyển sang đỏ sậm. Các nhà nghiên cứu nông nghiệp cho rằng, đặc thù thổ nhưỡng ở đây đã làm nên sắc màu hạt gạo. Bà con chân lấm tay bùn càng tự hào hơn vì nghiễm nhiên lúa gạo đỏ quê hương lại thành “thương hiệu” của mình.

Ở Măng Bút, lúa gạo đỏ được giữ từ mùa này sang mùa khác, truyền từ đời trước đến đời sau. Tuy vậy, “bao prang” không hẳn phổ biến trên toàn địa bàn xã, mà chỉ gắn bó với bà con một số làng như Đăk Lanh, Đăk YPai, Đăk Pong, Vang Loa.

Hẳn rằng, vì vẫn nhọc nhằn và tốn lắm công, nên gạo lúa đỏ càng chứa đựng nhiều giá trị từ lương thực thuần chất thiên nhiên và đậm đà hương vị. Thường ngày nấu cơm, phải đổ nước nhiều và đun kỹ, đun lâu; song nếu gạo được ngâm qua thì cơm thêm phần dễ chín.

Mùa cấy lúa gạo đỏ. Ảnh: TN

Mùa cấy lúa gạo đỏ. Ảnh: TN

Vụ mùa 2023 đã là năm thứ ba, mô hình trồng lúa gạo đỏ của chị em làng Đăk Lanh được duy trì, thông qua hoạt động của tổ hợp tác phụ nữ DTTS. Mô hình ra đời nhờ sự quan tâm của Hội LHPN tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của Hội LHPN huyện theo định hướng phát triển kinh tế cho hội viên từ nguồn hỗ trợ của hai đơn vị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Y Siêu được tín nhiệm giữ vai trò tổ trưởng.

Với diện tích khiêm tốn, mỗi năm chỉ sản xuất gần 2ha, song điều đáng kể là hoạt động của tổ hợp tác được duy trì đã góp phần nâng cao nhận thức của phụ nữ về bảo tồn giống cây trồng bản địa. Theo chị Ngô Thị Na - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kon Plông, kết quả bước đầu của mô hình là cơ sở cho ra đời Hợp tác xã T’ Măng Deeng tại làng Đăk Lanh, thu hút thêm nhiều chị em hội viên cầu tiến. Từ hạt gạo đỏ Măng Bút, bước đầu có thêm sản phẩm bún gạo đỏ và trà sâm gạo đỏ, càng khẳng định rằng một hướng đi mới sẽ được mở ra.

Với ý nghĩa riêng trong sản xuất và sinh hoạt của đồng bào Xơ Đăng, không ngạc nhiên khi lúa gạo đỏ được chọn là một trong số sản phẩm đặc trưng của địa phương. Để tạo động lực thúc đẩy thực hiện mục tiêu này, thì chẳng riêng mô hình trồng lúa gạo đỏ của hội phụ nữ, mà những năm trước, lúa gạo đỏ cũng đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh đầu tư xây dựng mô hình, xác định quy trình trồng và chăm sóc trong điều kiện tự nhiên. Ngành Công thương tỉnh từng trích kinh phí khuyến công, hỗ trợ một doanh nghiệp hoàn thiện dây chuyền chế biến rượu từ gạo đỏ.

Tuy vậy, để lúa gạo đỏ thực sự được quan tâm tương xứng với vai trò sản phẩm đặc trưng của mình, huyện Kon Plông nói chung và xã Măng Bút nói riêng vẫn cần vượt lên không ít khó khăn. Trước hết, đó chính là yêu cầu đầu tiên về khả năng mở rộng diện tích. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Măng Bút A Vinh, sau thời gian dài thực hiện chuyển đổi sang gieo trồng các loại giống mới, hiện nay, trên địa bàn xã chỉ còn khoảng 60ha lúa gạo đỏ, chiếm hơn 10% tổng diện tích đồng ruộng của xã. Là giống nguyên gốc, lâu đời, hiện nay năng suất lúa thấp, chỉ đạt trên dưới 3 tấn/ha. Vậy nên, việc xem xét, nghiên cứu quy trình tăng năng suất trên cơ sở sản xuất hữu cơ, an toàn, thực sự thành mấu chốt đặt ra.

Cùng với đó, xây dựng chuỗi liên kết từ trồng, chăm sóc lúa gạo đỏ đến sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ gạo đỏ và quan tâm tạo sự gắn bó, hòa hợp giữa các vùng trồng lúa gạo đỏ lân cận với Măng Bút cũng là điều không thể bỏ qua.

Được như vậy, việc định hướng phát triển lúa gạo đỏ thành sản phẩm đặc trưng mới thực sự đi vào thực tế. Và tương lai không xa, “bao prang” sẽ trở lại vị thế của mình.

Có thể bạn quan tâm