Kinh tế

Nông nghiệp

Gạo Việt Nam đạt mức cao nhất 9 năm do nhu cầu thế giới tăng mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một thương nhân cho biết nhu cầu đang tăng lên và có thêm nhiều tàu cập cảng để bốc gạo. Dự kiến, giá gạo vẫn cao do nhu cầu toàn cầu đối với ngũ cốc vẫn còn mạnh trong bối cảnh COVID-19.

Gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đạt giá cao. (Ảnh: TTXVN)
Gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đạt giá cao. (Ảnh: TTXVN)
Theo trang mạng Business Recorder (Pakistan), trong tuần này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt mức cao nhất trong hơn 9 năm qua, giữa lúc số đơn đặt hàng mới tăng nhẹ. Trong khi đó, giá gạo Ấn Độ giữ ở mức cao nhất trong tháng qua do nhu cầu cao từ các nước châu Á khác và châu Phi.
Ngày 25/3, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên mức 515-520 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 12/2011 từ 510-515 USD hồi tuần trước.
Một thương nhân nói: “Nhu cầu đang tăng lên và có thêm nhiều tàu cập cảng Thành phố Hồ Chí Minh để bốc gạo. Dự kiến, giá gạo vẫn cao do nhu cầu toàn cầu đối với ngũ cốc vẫn còn mạnh trong bối cảnh xảy ra đại dịch COVID-19.”
Ngày 24/3, các thương lái cho biết Tổng Công ty Lương thực miền Nam đã giành được hợp đồng xuất khẩu 50.000 tấn gạo 5% tấm sang Bangladesh, nước có truyền thống là nhà sản xuất gạo lớn thứ 3 thế giới nhưng đã chuyển sang nhập khẩu gạo vì xảy ra nhiều lũ lụt.
Một quan chức Bộ Lương thực Bangladesh cho biết nước này đã phê duyệt mua 100.000 tấn gạo từ Ấn Độ và Việt Nam, mỗi nước mua 50.000 tấn.
Tại nước xuất khẩu gạo hàng đầu là Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm không thay đổi, ở mức cao nhất 398-403 USD/tấn kể từ giữa tháng 2/2021.
Gạo 5% tấm tiêu chuẩn của Thái Lan được chào bán ở mức 500-518/tấn so với mức 505-513 hồi tuần trước. Một số thương lái cho rằng giá gạo thay đổi là do biến động của tỷ giá hối đoái. Đồng baht của Thái Lan đã giảm 2,9% so với đồng USD kể từ đầu tháng 3/2021.
(TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm