Chính trị

Tin tức

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM

Gặp người “giữ” nhà sàn Bác Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Đó là Tiến sĩ Trần Viết Hoàn- nguyên giám đốc khu Di tích phủ Chủ tịch, chiến sĩ cảnh vệ bảo vệ Bác Hồ năm xưa. Sáng 24-8, ông đã đến Gia Lai nói chuyện về 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Trần Viết Hoàn.
Tiến sĩ Trần Viết Hoàn.

Tiến sĩ Trần Viết Hoàn gây thiện cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi ánh mắt sáng và nụ cười ấm áp, thân tình. “Năm 1979, tôi về Gia Lai- Kon Tum lần đầu tiên nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc của Bác. Sau đó, năm 1982 tôi đến đây với trọng trách thiết kế nội dung cho “Nhà trưng bày về cuộc đời và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh- Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum). Đến Gia Lai lần này, tôi hết sức vui mừng trước sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh”- ông Hoàn mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một hồi tưởng về những lần ông đến Gia Lai.

Là một người gắn bó lâu với Bác, ông Hoàn mang theo bao tình cảm thiết tha khi đến Gia Lai giúp xây dựng Bảo tàng. Bởi theo ông, sinh thời, Bác rất muốn đến thăm đồng bào Tây Nguyên nói riêng và đồng bào miền Nam nói chung nhưng chưa kịp thực hiện được mong muốn ấy thì Người đã đi xa. Có lẽ vì vậy mà ông mang hết tâm sức góp phần xây dựng Bảo tàng như một cách để đưa Bác gần với nhân dân Tây Nguyên hơn. Sau hơn 20 năm kể từ ngày xây dựng Bảo tàng, ký ức vẫn tươi màu trong ông: “Có hàng ngàn già làng và nhân dân các dân tộc đã về đây hát múa mừng ngày khánh thành Bảo tàng (19-5-1984). Đó là việc làm thể hiện tình cảm kính yêu vô bờ của đồng bào Tây Nguyên với Bác”.

Từ một sinh viên ngoại ngữ, sau đó chuyển sang Trường Công an Trung ương (C500) và được phân về Cục Cảnh vệ (Bộ Công an), sau đó ông Hoàn được biên chế trong đội hình cảnh vệ bảo vệ Bác. Bước rẽ bất ngờ ấy đem đến cho TS. Trần Viết Hoàn một hạnh ngộ mà những kỷ niệm sau đó, đã theo ông suốt cuộc đời. Đã bao năm trôi qua, nhưng nhớ lại những giây phút sắp đi xa của Người, ông Hoàn vẫn rưng rưng như chỉ mới hôm qua: “Lúc bệnh nặng, Người muốn được uống chút nước dừa. Các giáo sư, bác sĩ đều lắc đầu từ chối vì nước dừa không tốt cho sức khỏe của người bệnh nặng như Bác. Nhưng dường như hiểu được lòng Bác, chúng tôi đã hái quả từ 2 cây dừa trước nhà sàn- đó là giống dừa miền Nam, tự tay Bác trồng và ngày ngày chăm sóc- hái mỗi cây một trái lấy nước hòa vào một cái cốc mang lên cho Bác. Bác chỉ nhấp được một chút nước thôi. Lúc này, chúng tôi mới hiểu tâm ý của Bác. Người coi như trong mình có nỗi dịu ngọt, thiết tha, và cả nỗi lòng đau đáu với đồng bào miền Nam”. Khi chúng tôi hỏi, ông nhận thấy điều gì vĩ đại nhất nơi Bác, ông Hoàn thấm thía: “Ở Bác, vĩ đại là ở sự giản dị và rất đời thường”. Sau ngày Bác mất, là một khoảng trống không gì bù đắp được trong lòng những người như ông. Ông bắt tay vào viết. Nhiều bài viết, nhiều câu chuyện kể của ông về Bác đơn giản chỉ để thế hệ sau này biết thêm về Bác. Từ năm 1988 đến 2004, ông nhận chức Giám đốc Khu Di tích Phủ Chủ tịch. 16 năm trong vai trò “Ông từ”- danh hiệu bạn bè yêu quý đặt cho ông- ông tự hào vì đã làm tròn vai trò đó của mình. Ông còn là một pho từ điển sống lưu giữ những ký ức đẹp đẽ về Bác. Ông từng là cầu nối cho nhân dân trong nước và bạn bè thế giới, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Pháp Mitterand, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Tăng Khánh Hồng… hiểu hơn về lãnh tụ của dân tộc Việt Nam.

 

Đến Gia Lai nói chuyện 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, đây cũng là dịp để TS. Trần Viết Hoàn thể hiện tấm lòng mình với Bác. Ông bộc bạch: “Tôi chỉ muốn kể lại những câu chuyện rất đời thường về Bác mà tôi đã may mắn được chứng kiến, để mọi người hiểu thêm về Bác. Nhìn lại 40 năm thực hiện Di chúc của Người, thêm một dịp để mỗi chúng ta báo cáo với Bác về những việc chúng ta đã, đang và sẽ làm. Đây cũng là cơ hội tốt để mỗi người thật thà phê bình và tự phê bình, nghiêm chỉnh nhìn nhận lại mình.

Di chúc của Bác mãi mãi còn nguyên giá trị đối với Đảng ta, đối với đất nước ta, dân tộc ta. Và, ông ước muốn: “Thế hệ trẻ muốn thực hiện Di chúc của Bác trước tiên cần tìm đọc lại cuộc đời, sự nghiệp của Người. Về thế hệ trẻ, trước hết chúng ta phải chỉ cho họ biết, họ hiểu, để họ yêu quý và thấy Bác vĩ đại thế nào. Phải xuất phát từ niềm kính yêu, tình cảm từ đáy lòng mới nói đến chuyện học tập Bác và thực hiện Di chúc của Người”. Theo ông, mọi sự giáo dục, học tập đều phải tránh giáo điều, phải học Bác như Di chúc đã chỉ: “Thật thà, thật sự phê bình và tự phê bình để tiến bộ. Giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân, thật sự liêm chính chí công vô tư, phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc”.

Quốc Ninh- Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm