Phóng sự - Ký sự

TRƯỜNG SA! TIẾNG GỌI THẲM SÂU NƠI LÒNG BIỂN - BÀI 4:

Gặp những 'kình ngư' giữa vựa cá Biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tên thật của bạn thuyền họ hoàn toàn không biết, thậm chí đến tên thật của mình đôi khi cũng nhớ nhớ quên quên, nhưng với quần đảo Trường Sa họ lại thuộc như lòng bàn tay, bởi đơn giản nơi ấy là ngư trường truyền thống, là cương thổ quốc gia…

“Nồi cơm” của ngư dân miền Trung

Đang một mình dạo dọc bờ của đảo An Bang, bất chợt nhìn thấy một nhóm ngư dân lặn biển ngồi chen chúc trên một chiếc thuyền nhỏ, cách bờ chừng 100 m. Thấy tôi vẫy tay chào và ra hiệu muốn gặp, họ cũng vẫy tay chào lại và một người nhảy ùm xuống biển bơi vào.

Nhóm lặn của anh Xuân từ đảo Phú Quý ra An Bang hành nghề.

Nhóm lặn của anh Xuân từ đảo Phú Quý ra An Bang hành nghề.

Chất giọng Phú Quý (Bình Thuận) lần đầu nghe cứ líu lo như chim, làm tôi chẳng hiểu được tiếng nào, hỏi đi hỏi lại cả chục lần, mới ghi đúng tên anh ấy là Đỗ Thanh Xuân. Anh là thuyền trưởng tàu cá mang số hiệu BT.98684TS, cùng với 7 bạn thuyền nữa từ huyện đảo Phú Quý ra đây làm nghề lặn hải sản. Hỏi tên những bạn thuyền đi cùng, anh nói không nhớ vì phong tục người đi biển không gọi tên thật.

“Nghề biển nguy hiểm nên có những kiêng cữ như thế. Ngay cả tên tui đôi khi chính tui cũng quên, vì chẳng ai gọi tên mình đâu mà nhớ” - anh Xuân phân trần.

Hơn 40 tuổi, anh Xuân có hơn 20 năm gắn bó với Trường Sa làm nghề lặn biển.

Hơn 40 tuổi, anh Xuân có hơn 20 năm gắn bó với Trường Sa làm nghề lặn biển.

Năm nay 40 tuổi, anh Xuân đã có hơn 20 năm gắn bó với ngư trường Trường Sa. Hầu như đảo nào ở quần đảo Trường Sa này anh cũng từng ghé qua. Theo anh Xuân, ngư dân miền Trung ra vùng biển Trường Sa làm nhiều nghề, từ câu chụp, vây rút… còn anh chọn nghề lặn. Sản vật đánh bắt được của nghề lặn ở Trường Sa chủ yếu là ốc biển sống ở các rạn san hô, có loài bán được cả thân vỏ, nhưng có loài chỉ dùng được vỏ để làm đồ trang trí, mỹ nghệ. Ngày trước, còn hái cả san hô mang về bờ để bán, nhưng nay thì anh đã biết, cần phải bảo vệ hệ sinh thái san hô mới có nhiều tôm cá.

Anh Xuân tiết lộ, An Bang là đảo có những đặc điểm lạ nhất trong các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. An Bang như một cái nấm mọc lên giữa biển, nên bờ và vực thẳm liền nhau, từ chuyên môn gọi là “mép xanh”. An Bang còn có bãi cát cứ dịch chuyển chạy vòng quanh đảo theo mùa và cũng là đảo khó tiếp cận nhất trong số các đảo của quần đảo Trường Sa. “Tui nhiều lần chứng kiến, sóng lớn xuồng không cấp cập bến được, bộ đội lao thẳng xuồng lên bãi cát để vào bờ” - anh Xuân kể.

“Những bóng tàu đánh bắt phấp phới cờ Tổ quốc, những cánh tay vẫy chào lướt qua giữa mênh mông trời nước Trường Sa trở nên thiêng liêng, ấm áp đến lạ thường. Hình bóng những ngư dân can trường ấy đang ngày ngày góp phần nối tiếp xác lập vùng biển chủ quyền của bao đời cha ông để lại”.

Nhà văn Nguyễn Hiệp đi cùng đoàn công tác

Cách đảo An Bang chừng 70 hải lí, tại vùng đảo Đá Tây, tôi may mắn tiếp cận được tàu cá mang số hiệu NT.90985TS của anh Trương Công Hoàng (Cà Ná, Ninh Thuận) vừa từ bờ ra, đang neo trên biển, đợi trời tối thì buông lưới. Sinh năm 1980, có trên 20 năm gắn bó với nghề biển xa, anh Hoàng ví vùng biển Trường Sa như “nồi cơm” của ngư dân miền Trung vậy. Mùa nào thức ấy, biển Trường Sa không thiếu thứ gì, thậm chí có những sản vật quý mà vùng biển khác không có.

Tàu của anh vừa di chuyển mất 3 ngày 3 đêm để ra đến đây và đang chờ đêm xuống để buông lưới. “Trên đường đi, khi gần ra đến đây tôi đã phát hiện luồng cá nục, đang chờ trời tối là chong đèn để vây lưới. Làm nghề biển nhiều lúc cũng hên - xui, nhưng ra Trường Sa vẫn là nơi dễ đánh bắt hơn” - anh Hoàng tâm sự.

Đảo tiền tiêu thành hậu phương vững chắc

Các bác sỹ trong đoàn công tác cùng y bác sỹ trên đảo Song Tử Tây hội chẩn trường hợp một ngư dân bị đau ruột thừa vào cấp cứu ở đây.

Các bác sỹ trong đoàn công tác cùng y bác sỹ trên đảo Song Tử Tây hội chẩn trường hợp một ngư dân bị đau ruột thừa vào cấp cứu ở đây.

Anh Hoàng nói, đảo Đá Tây là miệng của một núi lửa nên rạn san hô chạy thành một vòng cung và nhô lên thành nhiều đảo, Đá Tây A, Đá Tây B, Đá Tây C… Ở đảo Đá Tây A, Bộ NN&PTNT đầu tư xây dựng một âu thuyền với đầy đủ dịch vụ hậu cần nghề cá, từ xăng dầu, lương thực thực phẩm, đá lạnh, nước ngọt… đủ cả.

Anh Hoàng cho biết, từ khi có âu thuyền ở đảo Đá Tây, tàu đánh bắt của ngư dân ra đây ngày càng đông vì yên tâm không còn phải chạy bão gió. Ngày xưa, mỗi lần gặp gió bão dù chưa kịp đánh bắt được gì nhưng phải chạy về bờ. Nay có âu thuyền, ngư dân như anh Hoàng yên tâm bám biển, lỡ gặp gió bão thì vào đó tránh trú. “Có năm gió mùa kéo dài cả tháng, tôi vào âu thuyền tránh trú dài ngày nên hết lương thực, rau xanh, nước ngọt, đá lạnh… May nhờ được bộ đội cung cấp đầy đủ nên vẫn tiếp tục ở lại đánh bắt sau khi hết đợt gió. Nay ra Trường Sa không còn nơm nớp lo như ngày xưa nữa, cứ bám biển lúc nào thuyền đầy cá thì về bờ” - anh Hoàng tâm sự.

Như anh Hoàng, anh Xuân cũng luôn biết ơn bộ đội trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Bộ đội đã giúp đỡ ngư dân rất nhiều, không chỉ lương thực, thực phẩm, nước uống mà hầu hết các đảo đều có bệnh xá thực hiện tốt các trường hợp cấp cứu, đặc biệt là đau ruột thừa. Nhiều ngư dân đã được cứu sống nhờ các y bác sỹ và hệ thống y tế tại quần đảo Trường Sa.

Anh Xuân tự hào khoe: “Tàu lặn như tụi tui làm việc không theo mùa trăng nên thường ở lại biển dài ngày hơn. Ngày xưa, ngoài nỗi lo gió bão thì đau ốm bất ngờ cũng là điều khiến ngư dân ngại ở lại vùng biển Trường Sa dài ngày. Nay thì khác trước, ra vùng biển Trường Sa yên tâm hơn rất nhiều. Ngư dân chúng tôi vẫn hay nói với nhau, từ đảo tiền tiêu nay Trường Sa lại trở thành hậu phương vững chắc”.

Trung tá Lê Ngọc Nam, Chính trị viên đảo Đá Tây chia sẻ: Với nhiệm vụ làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển, thời gian qua, cán bộ, chiến sỹ và các lực lượng trên đảo Đá Tây đã cung ứng đầy đủ các nhu yếu phẩm giúp nhân dân đánh bắt trên biển dài ngày, giữ vững ngư trường truyền thống và khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trung tá Nam cho biết, trên đảo Đá Tây A, có một âu thuyền rất lớn có thể chứa cả trăm tàu cá vào tránh trú bão được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư. Tại âu thuyền này có một nhà máy sản xuất đá lạnh công suất lớn, mỗi đợt có thể xuất ra 800 cây đá để ngư dân dùng ướp cá; rồi lương thực, xăng dầu, nước ngọt đủ cả…

Điều đặc biệt, giá bán dầu, đá lạnh ở đảo ngang giá với đất liền; còn rau xanh, nước ngọt, thuốc men chữa bệnh đều miễn phí. Trung tá Nam hóm hỉnh kể: “Trên đảo có nhiều bể chứa nước mưa và máy lọc từ nước biển nên nước ngọt không thiếu. Vì thế cán bộ chiến sỹ trồng được rất nhiều rau. Vụ vừa rồi, ngoài rau xanh ra, đảo Đá Tây A còn thu hoạch được hơn 1 tấn dưa hấu, chất lượng rất ngon, thậm chí có vị ngọt hơn dưa trong đất liền. Anh em chúng tôi vẫn đùa với nhau, chắc ngày xưa vợ chồng An Tiêm đã trồng dưa ở đây”.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm