Đô thị

Ghé thăm làng nghề "có nhiều tỷ phú nhất" ở Hà Nội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Xưa kia, làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) được mệnh danh là “làng khoa bảng, đất danh hương”. Nay, Bát Tràng còn nổi tiếng hơn bởi các sản phẩm gốm nức tiếng xa gần, nhiều gia đình nhờ thế cũng trở thành tỷ phú…
 

 

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km, làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm – Hà Nội) là một trong số ít những làng nghề cổ truyền không bị mai một, thất truyền.Trải qua năm tháng, làng gốm Bát Tràng vẫn giữ được nét bình yên, vẻ đẹp văn hóa kết tinh trong từng sản phẩm gốm và con người nơi đây. Đến Bát Tràng, ngay từ xa đã thấy không khí nhộn nhịp, tấp nập của những lò sản xuất gốm làm việc không ngưng nghỉ.
 

 

Gốm Bát Tràng được sản xuất theo lối thủ công, thể hiện rõ rệt tài năng sáng tạo của người thợ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Các sản phẩm gốm Bát Tràng như: lọ độc bình, song bình, bát vẽ chuồn, bát vẽ các tích cổ... đã khẳng định được thương hiệu và được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng.
 

 

Để tạo ra được những sản phẩm gốm cao cấp, nghệ nhân phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo, kỹ thuật cao. Trong đó, quan trọng nhất là khâu chọn đất, xử lý pha chế, tiếp đó là tạo hình, trang trí hoa văn, phủ men… Cho đến nay, Bát Tràng là nơi duy nhất tại Việt Nam lưu giữ được nhiều dòng men cổ: men xanh rêu, men trắng, men xanh rạn và cốt gốm xốp màu mâu xám…
 

 

Nhiều gia đình ở Bát Tràng trở thành tỷ phú nhờ những xưởng gốm riêng. Công việc liên quan đến gốm sứ cũng tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Năm 2016, tổng doanh số của làng Bát Tràng đạt gần 1.000 tỷ đồng. Lương trung bình của thợ kỹ thuật ở đây đạt từ 5 – 7 triệu, nhân công làm “thổ mộc” công việc đơn giản nhất cũng có thu nhập khoảng 3 – 5 triệu đồng. Khái niệm "thất nghiệp" không tồn tại ở Bát Tràng. Cũng vì thế, đây còn được mệnh danh là làng nghề truyền thống có nhiều tỷ phú nhất Hà Nội.
 

 

Không chỉ là một làng nghề nổi tiếng, Bát Tràng còn là một địa điểm thu hút khách du lịch. Nhiều mô hình sản xuất kết hợp tham quan đã mang lại lợi nhuận cao cho người dân nơi đây. Theo ước tính, mỗi ngày làng nghề Bát Tràng đón khoảng 500 – 800 khách tham quan, mua sắm trong đó có khoảng 100 – 150 khách quốc tế.
 

 

Hầu như, hộ gia đình sản xuất, làm nghề gốm nào ở Bát Tràng cũng làm thêm cả du lịch. Du khách tới đây sẽ được trực tiếp tham gia trực tiếp vào quy trình sản xuất gốm sứ hoặc lựa chọn mua các sản phẩm độc đáo tại đây. Chi phí cho mỗi lần trải nghiệm này vào khoảng 40 – 50 nghìn đồng.
 

 

Các em nhỏ hào hứng vẽ hoa văn lên các sản phẩm gốm, sứ.
 

 

Mô hình làng nghề kết hợp du lịch mang lại thu nhập khá cao cho người dân nơi đây.
 

 

Năm 2004, chợ gốm Bát Tràng được thành lập với quy mô rộng khoảng 6.000 m2 với 120 ki-ốt bán hàng và trở thành điểm du lịch phục vụ du khách gần xa. Du khách tới đây sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những sản phẩm độc đáo, kết tinh tinh hoa gốm Bát Tràng.
 

 

Hiện tại, Bát Tràng là một trong số những làng nghề đang tận dụng lợi thế hiện có của nghề truyền thống để phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc thiếu các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng cũng như các mô hình du lịch còn nghèo nàn, lạc hậu đã phần nào tạo ra rào cản khiến du lịch Bát Tràng chưa thể tạo nên sự bứt phá.

Theo dantri

Có thể bạn quan tâm