Theo các chuyên gia, đà tăng giá bất động sản được dự báo sẽ khó có thể dừng lại trong bối cảnh chi phí phát triển leo thang cùng với nhu cầu đầu tư nhà đất bùng nổ tại nhiều thị trường.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN |
Theo khảo sát của nhiều công ty tư vấn và các chuyên gia, giá bất động sản đã ghi nhận mức tăng khá nhanh trong quý 1/2022 và dự kiến sẽ tiếp tục xu thế tăng ở các quý tới.
Một trong những nguyên nhân tạo đà tăng cho giá nhà ở là do từ khan hiếm nguồn cung, giá đất, chi phí vật liệu tăng, thời gian hoàn thành thủ tục pháp lý kéo dài. Cùng đó, trong quý 1, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng như thép, xi măng đều tăng mạnh và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Báo cáo của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản cho thấy, trong quý 1/2022, giá giao dịch bất động sản bình quân toàn thị trường luôn trong xu hướng tăng. Khảo sát dữ liệu biến động giá bán một số loại bất động sản trong tháng 3 và quý 1/2022 tại 8 địa phương gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hoà, Bà Rịa-Vũng Tàu cho thấy giá bất động sản tăng khá cao ở nhiều loại hình.
Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 1,53%, nhà ở riêng lẻ tăng 2,24%, đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 2,85%. Tương tự, tại Thành phố Hồ Chí Minh, con số tỷ lệ cũng tăng lần lượt là 2,48% với giá căn hộ chung cư, nhà riêng lẻ tăng 2% và và đất nền đắt hơn 3,6%.
Công ty Savills Việt Nam thống kê trong quý 1 vừa qua, tại Hà Nội không có dự án mới mà toàn bộ nguồn cung mới đến từ giai đoạn tiếp theo của sáu dự án hiện tại. Số lượng giao dịch giảm, giá bán tăng trong khi đó thị trường nhà ở Hà Nội vẫn duy trì tích cực với nguồn cầu cao.
Tỷ lệ đô thị hóa, tốc độ tăng trưởng dân số tự nhiên và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu sẽ là những động lực chính giúp thúc đẩy nguồn cầu về căn hộ trong thời gian tới.
Các dự án hạng B dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng của mức giá sơ cấp, theo sau bởi hạng C và hạng A. Điều này khiến thị trường rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung căn hộ giá rẻ.
Chuyên gia của Savills dự báo, với quỹ đất lớn, 5 huyện sắp lên quận tại Hà Nội bao gồm Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Đan Phượng sẽ trở thành điểm nóng phát triển bất động sản nhà ở, chiếm tỷ lệ 24% nguồn cung tương lai.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội phân tích, sau một quý trầm lắng, thị trường căn hộ Hà Nội dự kiến sẽ phục hồi nhanh chóng. Cơ sở hạ tầng ngoài trung tâm cải thiện sẽ góp phần thúc đẩy phát triển bất động sản.
Ở phân khúc biệt thự, nhà liền kề, thị trường có xu hướng chậm lại. So với quý 4/2021 thì tình hình hoạt động của phân khúc này đã cải thiện khi thị trường ghi nhận mức tăng trưởng nhất định về nguồn cung mới, phân bổ đều khắp địa bàn thành phố Hà Nội.
Tuy lượng giao dịch của biệt thự, nhà liền kề vẫn tăng theo quý nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nhà liền kề và nhà phố là hai sản phẩm có mức tiêu thụ mạnh nhất trên thị trường. Đáng chú ý, nếu xét về giá, kể từ quý 3/2021, giá bán sơ cấp liên tục ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay.
Từ nay đến cuối năm, ở phân khúc này, thị trường sẽ chào đón hơn 1.600 căn đến từ mười dự án; trong đó, khu vực phía Tây vẫn là nơi có nguồn cung tương lai lớn nhất.
Từ sự “hạn chế” về sản phẩm tại thị trường Hà Nội, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội tại các địa phương lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, hay Hòa Bình - chuyên gia của Savills dự báo.
Dưới một góc nhìn khác, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội phân tích, áp lực tăng giá cùng tỷ lệ lạm phát tăng cao trong khi tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ khiến hoạt động thị trường bất động sản chậm lại trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đà tăng giá bất động sản được dự báo sẽ khó có thể dừng lại trong bối cảnh chi phí phát triển leo thang cùng với nhu cầu đầu tư nhà đất bùng nổ tại nhiều thị trường.
Đồng quan điểm, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận xét, bất động sản có mối tương quan với lạm phát. Khi lạm phát tăng cao thì bất động sản cũng sẽ tăng giá theo và được các nhà đầu tư coi là kênh trú ẩn an toàn. Lạm phát tăng, đồng tiền ngày càng mất giá, nhà đầu tư sẽ hướng đến các tài sản có giá trị tích lũy như đất đai hoặc các tài sản có giá trị tăng trưởng lâu dài.
Ngoài ra, gói hỗ trợ kinh tế 350.000 tỷ đồng sắp được triển khai; trong đó có gần 114.000 tỷ đồng rót vào kết cấu hạ tầng sẽ càng hỗ trợ sức hấp dẫn cho kênh đầu tư này. Với phân khúc chung cư, việc giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh buộc các các chủ đầu tư phải tăng giá bán để đảm bảo lợi nhuận, chưa kể một loạt yếu tố khác như giá nhân công tăng, thủ tục cấp phép kéo dài… cũng tác động lên giá thành sản phẩm.
Theo ông Tuấn, bất động sản chỉ tăng tương quan với lạm phát trong bối cảnh lạm phát Việt Nam tiến dần tới lạm phát mục tiêu, nếu vượt con số này thì lãi suất cho vay sẽ tăng cao, từ đó tác động ngược tới thị trường, ảnh hưởng tiêu cực lên những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính.
Do đó, các nhà đầu tư cũng nên có chiến lược bài bản, chuẩn bị sẵn sàng cho sự biến động cả về giá lẫn thanh khoản của thị trường. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nên tính toán chiến lược đầu tư thận trọng, tránh đi theo tâm lý đám đông hay đặt kỳ vọng cao, chạy theo sốt đất bởi dễ sa lầy và bị chôn vốn, lãi ảo.
Theo Thu Hằng (TTXVN/Vietnam+)