Ngày 13/2 (tức mùng 2 Tết), giá cả một số hàng hoá thiết yếu có tăng nhẹ tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau xanh, cá, một số mặt hàng thờ cúng...
Ảnh minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, ngày 13/2 (tức mùng 2 Tết), giá cả một số hàng hoá thiết yếu có tăng nhẹ tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau xanh, cá, một số mặt hàng thờ cúng phù hợp với quy luật cung cầu thị trường song không có đột biến.
Theo đó, trên cả nước, một số siêu thị mở cửa trở lại như Big C, Saigon Co.opMart, Aeon, MM Mega Market... Bên cạnh đó tiểu thương tại một số chợ lớn cũng bắt đầu bán hàng trở lại, chủ yếu tập trung vào mặt hàng rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống.
Tại các chợ đầu mối, lượng hàng nhập chợ ít chủ yếu là các mặt hàng rau, củ, hoa tươi và trái cây, sức tiêu thụ khá chậm so với cùng kỳ năm ngoái. Có nhiều mặt hàng chưa nhập do hàng tồn đọng còn, chủ yếu thương nhân ra bán lấy ngày khai trương rồi về sớm.
Cục Quản lý giá cho biết, tại một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh do một số chợ lẻ chưa kinh doanh trở lại, một số chợ chỉ có một số tiểu thương kinh doanh lấy ngày, do đó, giá các mặt hàng thịt lợn không thay đổi so ngày 30 Tết; rau củ quả tăng giảm từ 1.000-2.000đồng/kg do lượng hàng tại chợ lẻ về ít dẫn đến giá có nhích nhẹ.
Còn tại Hà Nội, giá gạo không có biến động so với các ngày cận Tết trước như gạo nếp cái hoa vàng 20.000 đồng/kg, giá thịt lợn không ghi nhận điều chỉnh, giá thịt lợn hơi 77.000 đồng/kg, thịt lợn mông sấn 130.000 đồng/kg, thịt lợn nạc vai 140.000 đồng/kg, thịt lợn ba rọi 150.000 đồng/kg.
Về giao thông, hầu hết các bến xe (Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Giáp Bát) rất vắng vẻ do số lượng hành khách hầu như không có. Giá cước vận tải tuyến cố định cũng như các hãng taxi hoạt động trên địa bàn thành phố không có sự thay đổi.
Tại thành phố Đà Nẵng, thị trường ngày mùng 2 Tết các chợ còn đóng cửa, chỉ có một số người bán hàng lẻ tẻ ở phía ngoài chợ, tập trung chủ yếu một số mặt hàng thịt lợn và các loại rau xanh, củ quả.
Cụ thể, giá thịt lợn không biến động, vẫn ổn định so với những ngày trước Tết, thịt mông 190.000 đồng/kg, thịt vai 180.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 190.000 đồng/kg. Giá rau, củ, quả giảm so với ngày 30 Tết do lượng hàng bán còn dư để lại tiếp tục bán và nhu cầu mua sắm của người dân vào thời điểm này không cao.
Một số tiệm thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người dân đã mở cửa, giá bán đúng theo giá niêm yết, không có biến động so với trước Tết.
Cục Quản lý giá dự báo ngày mai 14/2 (tức ngày mùng 3 Tết), trùng với ngày lễ Valentine, nhiều sạp hàng tại chợ dân sinh hoặc một vài cửa hàng sẽ tiếp tục mở hàng bán lấy may; đồng thời, một số siêu thị bắt đầu mở cửa, nhu cầu mua sắm sáng mùng 3 Tết của người dân vẫn sẽ chưa nhiều, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng rau, củ, hoa quả, một số loại thực phẩm tươi sống, các mặt hàng phục vụ cúng lễ, hoa tươi (đặc biệt là hoa hồng).
Theo Cục Quản lý giá, giá cả các loại hàng hóa sẽ tiếp tục không có biến động nhiều so với ngày mùng 2 Tết, giá một số loại rau, hoa quả có thể giảm do lượng cung tăng. Giá hoa tươi, đặc biệt là hoa hồng có thể tăng nhẹ do vào ngày lễ Valentine.
Riêng dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ ăn uống, đồ lễ thắp hương có thể vẫn tiếp tục ở mức cao do số lượng người dân đi du xuân đầu năm và đi lễ chùa và đi chơi ngày Valentine sẽ tăng.
Cục Quản lý giá kiến nghị các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp nhất là đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống như: thịt lợn, thịt gia cầm, thủy hải sản; các dịch vụ trông giữ xe, giải trí, ăn uống, đi lại phục vụ dịp lễ, Tết.
Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các địa điểm tập trung đông người như: chợ, trung tâm thương mại, các khu vực thờ cúng... do lượng người đi du xuân đang có xu hướng tăng hơn các ngày trước cùng với tâm lý chủ quan với dịch của người dân tại một số khu vực.
Thùy Dương (TTXVN/Vietnam+)