Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, kết thúc tuần giao dịch 23-29/5, sắc xanh vượt trội trên bảng giá 31 mặt hàng đang giao dịch, giúp cho chỉ số MXV-Index tăng mạnh 2,44% lên mức 3.074,59 điểm, cao nhất kể từ giữa tháng 4 đến nay.
Theo Khối Quản lý Giao dịch của MXV, giá trị giao dịch toàn Sở trong tuần vừa qua chỉ đạt khoảng 4.800 tỷ đồng mỗi phiên, giảm khoảng 20% so mức trung bình của 3 tuần đầu tháng 5.
Giá dầu thế giới tăng mạnh vượt mức 115 USD/thùng
Giá dầu tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 11 tuần khi đóng cửa tuần trước. Cụ thể, dầu WTI tăng 4,34% lên 115,07 USD/thùng trong khi dầu Brent tăng 5,06% lên 115,56 USD/thùng.
Dầu thô duy trì đà tăng 5 tuần liên tiếp khi thị trường lo ngại nguồn cung ngày càng thắt chặt, đặc biệt thời điểm nước Mỹ bước vào kỳ nghỉ cuối tuần dài ngày. Theo Báo cáo Dầu khí hằng tuần của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô thương mại đã giảm 2 tuần liên tiếp, trong khi tồn kho xăng duy trì đà giảm trong suốt 7 tuần, khiến cho giá năng lượng tại Mỹ ngày càng tăng cao. Điều này khiến cho Chính quyền Tổng thống Biden gặp sức ép để điều chỉnh giá dầu, bất chấp Nhà Trắng vẫn đang tiến hành kế hoạch bổ sung 180 triệu thùng dầu cho thị trường cho đến cuối năm.
Hiện tại, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết chưa thể loại bỏ khả năng sẽ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu dầu để bình ổn thị trường trong nước. Với vai trò là một trong các quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, thông tin từ Mỹ trở thành một trong các yếu tố chính thúc đẩy đà tăng của giá dầu.
Với sự phức tạp của hệ thống nhà máy lọc dầu cũng như sự ràng buộc của các cam kết thương mại, theo giới phân tích, khả năng Mỹ thực sự áp dụng một lệnh cấm xuất khẩu là không lớn. Điều khiến cho thị trường lo ngại chính là sự thiếu hụt khả năng tăng sản lượng bền vững. Theo số liệu của hãng dịch vụ Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ lần đầu tiên trong vòng 31 tuần xuống 727. Trong khi đó, theo thông tin từ các thành viên Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ và Đồng minh OPEC+, khả năng cao nhóm sẽ giữ kế hoạch tăng sản lượng 432.000 thùng/ngày trong cuộc họp tháng 6, bất chấp các kêu gọi gia tăng sản xuất từ các quốc gia tiêu thụ. Thực tế, sản lượng của nhóm được cho là đang thấp hơn khoảng 2,6 triệu thùng/ngày so với kế hoạch đề ra.
Giá đang duy trì đà tăng trong phiên sáng nay, khi thị trường chờ đợi Liên minh châu Âu EU quay trở lại thảo luận về lệnh cấm vận dầu từ Nga. Trở ngại lớn nhất là các thành viên không giáp biển, như Hungary, có sự phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung dầu qua các đường ống trên đất liền. Tuy vậy, lượng dầu các nước này nhập khẩu là không lớn, chỉ 241.000 thùng/ngày, chiếm tỷ trọng nhỏ trong số lượng 3,5 triệu thùng/ngày mà châu Âu nhập khẩu từ Nga.
Bên cạnh đó, việc Thượng Hải tiến tới dỡ bỏ một số rào cản chống dịch, hướng tới dỡ bỏ các lệnh phong tỏa do dịch Covid-19 cũng hỗ trợ tâm lý thị trường. Ngoài ra, cơn bão nhiệt đới mùa hè đầu tiên Agatha hình thành trên Vịnh Thái Bình Dương cũng đang được thị trường chú ý theo dõi, do báo hiệu mùa mưa lũ sắp xuất hiện.
Giá cà-phê Arabica có mức tăng lớn nhất thị trường
Theo sau mức tăng mạnh của nhóm năng lượng là nhóm nguyên liệu công nghiệp. Chỉ số MXV-Index Công nghiệp phục hồi hơn 2%, sau khi bị đẩy về mức thấp nhất 1 tháng trong tuần trước đó. Dẫn đầu toàn nhóm là mức tăng rất mạnh hơn 6% của giá cà-phê Arabica.
Thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt phục hồi mạnh sau 7 tuần giảm liên tiếp trước đó, nhờ tâm lý kỳ vọng của giới đầu tư vào việc kinh tế sẽ sớm khởi sắc, sau khi lạm phát đang có dấu hiệu tạo đỉnh. Thông thường, lạm phát tạo đỉnh là giai đoạn chứng khoán tạo đáy, và khi kinh tế phục hồi, nhu cầu tiêu dùng của giới văn phòng đối với cà-phê sẽ gia tăng, chính vì thế, giá cà-phê cũng thường xuyên song hành cùng các chỉ số chứng khoán.
Bên cạnh đấy, lo ngại về thời tiết thiếu mưa tại các vùng gieo trồng chính của Brazil và đồng Real tăng mạnh hơn 3% do chỉ số Dollar Index suy yếu cũng tác động tích cực đến giá Arabica, giúp mặt hàng này tăng đến hơn 6% trong tuần vừa rồi.
Theo sau đà tăng của giá Arabica là mức tăng mạnh gần 4% của giá dầu cọ. Đà tăng mạnh của giá dầu thô thế giới trong bối cảnh nguồn cung dầu thực vật thắt chặt do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine là yếu tố chính thúc đẩy giá dầu cọ.
Giá Robusta cũng neo theo đà tăng của Arabica trong tuần vừa rồi, nhưng bị cản trở ở mức kháng cự quan trọng 2.100 USD, dẫn đến việc mặt hàng này chỉ tăng gần 2%. Ngoài ra, việc đồng Dollar yếu dẫn đến chi phí nắm giữ vị thế trên Sở ICE EU giảm, cũng thu hút dòng tiền của giới đầu tư đối với một số mặt hàng khác như cacao và đường trắng.
Ở diễn biến ngược lại, bất chấp đà tăng mạnh của giá dầu thô, giá đường thô trên Sở ICE US lại quay đầu giảm 1,7% khi giá gặp phải lực bán kỹ thuật rất mạnh ở mức kháng cự tâm lý 20 cents. Theo Hiệp hội Đường Quốc tế (ISO), sản lượng đường thế giới trong niên vụ 2022/23 sẽ tăng 2% so cùng kỳ năm ngoái lên 174,4 triệu tấn, thặng dư đường thế giới cũng dự báo tăng lên 2.8 triệu tấn từ mức thặng dư 237.000 tấn trong niên vụ 2021/22, là các yếu tố gây sức ép lên giá đường.
Đối với bông, thời tiết thuận lợi ở các vùng sản xuất chính của Mỹ trong tuần vừa rồi đã gây áp lực lớn và đẩy giá giảm khá mạnh 2%. Đà giảm có phần được hạn chế lại vào cuối tuần nhờ lực mua từ vùng hỗ trợ quan trọng 140 cents.
Trong đầu tuần này, các mặt hàng nông sản và nguyên liệu công nghiệp trên các Sở của Mỹ sẽ đóng cửa phiên thứ Hai, do nghỉ Lễ Chiến sĩ trận vong. Đối với các mặt hàng thuộc nhóm kim loại và năng lượng, thị trường cũng sẽ đóng cửa sớm hơn thường lệ. Hoạt động giao dịch tại các Sở sẽ trở lại bình thường vào thứ ba (31/5).
Theo THƯƠNG MAI (NDĐT)