Giá cà phê tăng cao kỷ lục
Từ giữa tháng 5 đến nay, giá cà phê tăng cao kỷ lục, có thời điểm lên đến 64 ngàn đồng/kg. Mức giá này được xem là cao nhất từ trước đến nay. Nếu so sánh giá từ đầu niên vụ 2022-2023, cà phê trong nước có mức tăng đến 40%. Ông Nguyễn Văn Thành-Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang Gia Lai-cho biết: Hiện trên các sàn cà phê đang giao dịch quy đổi ra VND dao động ở mức 63-64 ngàn đồng/kg. Khi cà phê lên 50 ngàn đồng/kg đã là mức giá kỳ vọng của nông dân nên hiện lượng hàng trong dân không còn. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu có nhiều kinh nghiệm, tình trạng bán trước-mua sau không còn nữa. Thay vào đó, khi có giá vốn, doanh nghiệp sẽ canh và “fix giá” bán luôn, không đầu cơ dài hạn như trước đây.
Hiện nay, đối với ngành hàng cà phê xuất khẩu, gần như các doanh nghiệp đều cân đối được lượng hàng xuất khẩu và cơ bản đáp ứng các hợp đồng đã ký với đối tác. Mọi năm, giá bán trong nội địa lên hay xuống dựa vào giá xuất khẩu, còn năm nay thì không. Trường hợp doanh nghiệp “cháy” hợp đồng thì giá nào họ cũng sẽ mua, chấp nhận lỗ để giữ uy tín với đối tác nước ngoài.
“Nguồn cung cà phê chưa năm nào bất thường như vậy và giá tăng đột biến theo tôi chủ yếu là do các quỹ đầu cơ trên thế giới đã chi phối. Chứ trên thực tế không đến nỗi thiếu hàng nghiêm trọng như vậy. Tuy nhiên, giá cà phê sẽ không trụ ở mức cao như hiện nay và dự kiến quay lại giá trị thực trong tháng 7, 8 khi Brazil (quốc gia có sản lượng cà phê lớn nhất thế giới) bắt đầu vào vụ thu hoạch. Cùng với đó, một số quốc gia trồng cà phê cũng sẽ vào vụ thu hoạch, cho đến tháng 10 là vụ mới của Việt Nam. Khi nguồn cung dồi dào buộc các quỹ đầu cơ phải tất toán, lúc đó, giá sẽ giảm lại. Song, để giá rớt dưới mức 40 ngàn đồng/kg như những năm trước là rất khó. Bởi Việt Nam đang đứng đầu về xuất khẩu cà phê Robusta nên có tầm ảnh hưởng rất lớn đến thị trường cà phê trên thế giới. Trong khi đó, sản lượng sẽ không tăng vì hiện nay, người trồng cà phê đã bắt đầu xen canh rất nhiều nên năng suất giảm đi, chưa kể việc chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả đã thu hẹp diện tích cà phê”-ông Thành nhận định.
Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm cà phê qua chế biến sâu. Ảnh: Đức Thụy |
Theo các doanh nghiệp cà phê, 3 yếu tố cực kỳ quan trọng tác động đến giá mặt hàng này trên thị trường gồm: quan hệ cung-cầu, yếu tố đầu cơ và quy luật giá trị. Hiện nay, diễn biến giá cà phê theo nhiều doanh nghiệp là do yếu tố đầu cơ. Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam-cho rằng: Chính sách thắt chặt tín dụng ở thời điểm đầu vụ khiến nhiều doanh nghiệp cà phê bị thiếu vốn nên không đủ sức thu mua hàng phục vụ sản xuất. Trong khi đó, với tiềm lực vốn rất mạnh, các doanh nghiệp nước ngoài đã tranh thủ thời cơ này đẩy mạnh thu gom một lượng lớn hàng nên sản lượng cà phê trong nội địa gần như không còn nữa. Nếu không chủ động được nguồn vốn kinh doanh chắc chắn doanh nghiệp không thể chủ động được nguồn hàng để tồn kho và sản xuất liên tục cho tới niên vụ mới. Một nguyên nhân nữa là diện tích chuyển đổi cây trồng quá lớn, rồi tình hình biến đổi khí hậu khiến năng suất, sản lượng cà phê giảm đáng kể.
Ở thời điểm ngân hàng khóa room tín dụng, nhiều doanh nghiệp thu mua cà phê gặp rất nhiều khó khăn trong việc xoay xở nguồn vốn, do đó, lượng hàng thu mua không lớn như mọi năm. Bà Hà Thị Gái-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Gái Thành (huyện Đak Đoa) cho hay: “Giá cà phê ở mức trên 60 ngàn đồng/kg thời điểm này là điều không thể đoán được. Hiện nay, sản lượng cà phê trong dân và doanh nghiệp không còn vì đa phần khi giá lên mức trên 40 ngàn đồng/kg đã bán gần như hết. Với doanh nghiệp cũng vậy, vì cần tiền quay vòng vốn nên đã bán hết lượng cà phê thu mua”.
Gia tăng giá trị xuất khẩu
Ông Thành thông tin thêm: Niên vụ 2022-2023, Công ty Hoa Trang bán ra thị trường khoảng 57 ngàn tấn cà phê nhân, tổng doanh thu đạt khoảng 2.600 tỷ đồng. Trong đó, sản lượng xuất khẩu hơn 45 ngàn tấn với kim ngạch đạt khoảng 82 triệu USD, còn lại là bán nội địa. So với niên vụ 2021-2022, sản lượng cà phê tiêu thụ giảm khoảng 10% nhưng giá trị kim ngạch lại tăng khoảng 5%. Đến thời điểm này, Công ty đã đảm bảo hàng giao theo hợp đồng. Dự kiến hoạt động xuất khẩu của Công ty sẽ kết thúc trong tháng 6, sau đó đóng cửa nhà máy trong 3 tháng để bảo dưỡng, bảo trì.
Tình trạng thiếu hụt nguồn hàng cho các hợp đồng xuất khẩu gần như không xảy ra đối với các doanh nghiệp ở Gia Lai. Bởi lẽ, thời điểm này, các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu đã cơ bản hoàn tất hợp đồng ký trước đó với đối tác. Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết: 5 tháng đầu năm nay, Công ty xuất khẩu trên 100 ngàn tấn cà phê nhân, cà phê rang xay và cà phê hòa tan, tương ứng kim ngạch hơn 200 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng giảm khoảng 10% nhưng giá trị lại tăng 5%. Dự kiến trong tháng 6, Công ty sẽ giao hết theo các hợp đồng. Để chủ động nguồn hàng có chất lượng phục vụ xuất khẩu bình quân khoảng 160 ngàn tấn/năm, Công ty đã liên kết sản xuất trên diện tích 25 ngàn ha, mỗi năm sản lượng đạt khoảng 75 ngàn tấn, còn lại Công ty thu mua lại từ các doanh nghiệp, đại lý.
Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, mỗi năm mang về kim ngạch xuất khẩu hơn 300 triệu USD. Ảnh: Vũ Thảo |
Trong vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, ông Hiệp cho rằng: Hiện nay, các chính sách tín dụng đối với ngành cà phê chưa thật sự tạo thuận lợi để doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao, cộng với biến đổi khí hậu khiến cây cà phê chịu tổn thất rất lớn. Việc giá tăng là tín hiệu tích cực để người dân không phá bỏ cà phê chuyển sang cây trồng khác. Ở chiều ngược lại, nếu giá cà phê xuống thấp đồng nghĩa với việc sản lượng ngày càng giảm, từ đó nguồn cung cho xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng lớn. Hiện nguồn nguyên liệu nội địa không còn nên từ nay đến đầu vụ mới, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tạm ngừng hoạt động, từ đó tác động đến kim ngạch xuất khẩu cà phê.
Muốn ngành cà phê phát triển bền vững, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tín dụng trung và dài hạn, cần có các gói sản phẩm dành riêng cho doanh nghiệp, đồng thời thực hiện tái cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để nâng cao chất lượng cà phê, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính.
Gia Lai hiện có khoảng 98.700 ha cà phê, năng suất đạt 30,2 tạ/ha, sản lượng 267.428 tấn/năm. Toàn tỉnh hiện có 30 doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó, doanh nghiệp tham gia ngành hàng cà phê xuất khẩu không nhiều nhưng đa phần có quy mô lớn và là những đơn vị xuất khẩu chủ lực của tỉnh.
Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Trong 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 360 triệu USD (đạt 52,94% kế hoạch, tăng 0,84% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, xuất khẩu cà phê đạt sản lượng 150 ngàn tấn, tương ứng kim ngạch 305 triệu USD (tăng 1,67% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022), chiếm hơn 84% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng là do giá cà phê tăng ổn định từ đầu năm đến nay đã thúc đẩy các doanh nghiệp của tỉnh gia tăng xuất khẩu. Bên cạnh đó, những tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do đã tạo động lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường, nhất là khu vực EU.