Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay tiếp tục tăng thêm 100 đồng/kg, đạt 41.800 đồng/kg. Giá cà phê nhân ở Lâm Đồng cũng đang được mua vào ở mức giá thấp hơn, đạt 40.800 đồng/kg. Trong bối cảnh giá cà phê nhân tăng, nông dân trồng cà phê cần phải làm gì để giảm chi phí trong bối cảnh giá phân bón tăng gấp đôi?
Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay tiếp tục tăng thêm 100 đồng/kg
Kể từ năm 1994, giá cà phê nhân lần thứ 5 tăng cao vào niên vụ cà phê 2021, đạt mốc vượt mốc 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào quá lớn, nông dân gần như không được lời lãi bao nhiêu. Làm thế nào để giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị đầu ra cho sản phẩm cà phê là câu hỏi của nhiều nông dân Tây Nguyên.
Cuối tuần qua, sau khi tăng nhẹ thêm 100 đồng/kg, giá cà phê nhân tại các tỉnh Tây Nguyên không biến động. Cà phê được mua cao nhất ở mức 41.800 đồng/kg tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk). Cà phê tại Lâm Đồng được mua thấp nhất với giá 40.800 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay tại Tây Nguyên. Đồ họa: Duy Hậu |
Mức giá cà phê nhân trung bình tại các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông và Gia Lai chênh lệch nhau 100 đồng/kg. Đạt từ 41.500-41.600 đồng. Trong đó, tại một số vùng trọng điểm, giá cà phê nhân được mua cao hơn so với mức giá trung bình từ 200-300 đồng/kg.
Vườn cà phê của ông Trần Văn Thảo cho năng suất cao sau khi áp dụng biện pháp canh tác mới. Với giá cà phê nhân Đắk Lắk tăng cao và đạt 41.800 đồng/kg vào hôm nay 27/12, gia đình ông Thảo có lời khá. Ảnh: Phương Hằng |
Đánh giá về đời sống người dân sau khi giá cà phê nhân tăng, tiến sĩ Phạm Công Trí, một người chuyên nghiên cứu về cà phê từng công tác lâu năm tại Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, cho rằng nông dân trồng cà phê đang gặp nhiều khó khăn.
Tiến sĩ Trí nhận định, trong niên vụ cà phê này, do chi phí đầu vào ở đầu vào thấp nên nông dân vẫn đang có lời. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, 2 năm qua, nông dân đã "gồng" để vượt qua. Dịch bệnh kéo dài đã khiến rất nhiều nông dân trồng cà phê không thể tiếp tục "gồng".
Vùng trồng cà phê cảnh quan bền vững tại huyện Krông Năng (Đắk Lắk) nhìn từ trên cao xuống. Ảnh: Duy Hậu |
Với tình hình giá phân bón, vật tư đầu vào tăng mạnh như hiện nay, năm 2022 sẽ là một năm đầy khó khăn cho nông dân trồng cà phê. Những gia đình khó khăn sẽ bế tắc nguồn vốn đầu tư cho chăm sóc vườn cà phê.
Trong khi đó, những năm qua, do sự suy thoái đất diễn biến mạnh mẽ. Để cây cà phê phục hồi sau thu hoạch, nông dân cần phải đầu tư lớn hơn, áp dụng các giải pháp thâm canh bền vững chứ không thể bón phân hóa học vô tội vạ như những năm qua ở không ít địa phương trên địa bàn Tây Nguyên.
Làm thế nào để giảm chi phí, giúp cây cà phê đóng chùm tốt nhất?
Tiến sĩ Trí chia sẻ, hiện ông đang làm Cố vấn kỹ thuật cao cấp cho tổ chức IDH (tổ chức sáng kiến thương mại bền vững). Hiện, IDH đang xây dựng Chương trình cảnh quan bền vững tại Lâm Đồng và Đắk Lắk.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk, chương trình đã giúp cho nông dân, trong đó có nông dân trồng cà phê giảm được 14% lượng phân bón hóa học được sử dụng, 17% lượng nước tưới trong sản xuất cà-phê.
Vườn cà phê áp áp dụng biện pháp canh tác bền vững tại huyện Krông Năng (Đắk Lắk) giúp nông dân có thu nhập tăng thêm 30%. Ảnh: Duy Hậu |
Việc áp dụng các biện pháp thực hành canh tác bền vững đã góp phần làm giảm 11% chi phí sản xuất và 10% lượng CO2 được phát thải ra môi trường. Thu nhập của người nông dân trong vùng thí điểm tăng thêm 30% thông qua trồng xen và đa dạng hóa cây trồng. 100% lượng cà-phê được sản xuất trong vùng thí điểm được thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường.
Để làm được điều này, nông dân phải thay đổi phương thức canh tác cũ. Từ việc bón phân, tưới nước, làm cỏ...đều phải thực hiện theo một quy trình mới.
"Thay vì phun thuốc diệt cỏ thì nông dân phải giữ lại thảm cỏ nhằm giữ độ ẩm cho cây trồng, trong đó có cây cà phê. Thay vì bón phân hóa học, thì giảm NPK tăng trung, vi lượng để đảm bảo cân bằng cho đất"- tiến sĩ Trí nói.
Ông Trần Văn Thảo (thôn Ea Bi, xã DliêYa, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk), một nông dân đang áp dụng quy trình này, khẳng định: "Vườn cà phê của gia đình ông khác biệt rõ rệt, trái cà phê đóng chùm tốt, to đều, năng suất tăng nhiều hơn so với các năm trước".
Theo ông Trần Văn Thảo, trong bối cảnh giá cà phê nhân Đắk Lắk tăng cao trong năm 2021 thì những gia đình áp dụng quy trình thâm canh cà phê bền vững, những hộ có vườn cà phê trẻ, giống mới sẽ có lời nhiều hơn.
"Nếu làm sạch cỏ thì đất sẽ dễ bị khô, tưới nước rất nhiều. Sau khi áp dụng biện pháp làm thảm cỏ, vườn cà phê của tôi cần ít nước hơn, tưới nước muộn hơn nhưng vẫn đảm bảo. Cứ để cỏ mọc tự nhiên, sau khi lên cao thì cắt bớt xuống, để thấp chừng 10cm làm thảm chứ không cắt sạch"- ông Thảo nói thêm.
Theo tiến sĩ Trí, cỏ cắt xuống sẽ trở thành phân bón hữu cơ cho cây. Để quá trình chuyển hóa nhanh hơn, thì phun thêm chế phẩm sinh học. "Nông dân thường lầm tưởng rằng làm sạch cỏ đất sẽ màu mỡ, cây sẽ tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Tuy nhiên, cỏ là nhân tố cấu tạo và bồi bổ độ phì nhiêu của đất, sức sản xuất của cây. Khi hủy diệt thảm cỏ che phủ bề mặt đất thì độ phì nhiêu và sức sản xuất của cây sẽ giảm rất nhanh"- tiến sĩ Trí nói.
Tiến sĩ Phạm Công Trí cho biết thêm, nông dân trồng cà phê cũng có thể tận dụng, lá, vỏ cà phê để làm phân hữu cơ. Việc này không chỉ giúp nông dân giảm được chi phí mua phân bón hóa học mà còn giảm được tình trạng suy thoái đất. Ngoài ra, nông dân có thể trồng các loại cây ăn trái vừa làm cây che bóng cho cà phê vừa có thêm thu nhập... |
Theo Duy Hậu (Dân Việt)