Cà phê Robusta, thế mạnh của Việt Nam lên ngôi
Ngày 15.8, giá cà phê nhân xô ở các tỉnh Tây nguyên giảm nhẹ nhưng vẫn dao động ở mức 65.000 - 66.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Nếu tính từ đầu tháng 6 đến nay, giá cà phê nhân xô đã tăng khoảng 6.000 - 8.000 đồng/kg, còn nếu so với cùng kỳ năm 2022 thì giá cà phê thu mua trong nước đã tăng 25.000 - 26.000 đồng/kg.
Ông Trương Văn Lợi, nông dân trồng cà phê tại H.Cư M'gar (Đắk Lắk), chia sẻ: "Giá cà phê mấy năm nay thấp lắm, bình quân chỉ khoảng 40.000 đồng/kg. Nhưng từ cuối năm 2022 đến nay giá cà phê tăng liên tục. Hiện nay giá thu mua trên 65.000 đồng/kg nhưng hiện tại chưa vào vụ thu hoạch, nông dân hầu như không có cà phê để bán. Bây giờ chỉ mong giữ được giá này khi bước vào tháng 10 thì nông dân trồng cà phê mới thật sự vui mừng".
Giá cà phê xuất khẩu tăng cao |
Thị trường cà phê năm nay ghi nhận sự lên ngôi của cà phê Robusta, vốn là thế mạnh của VN. Suy thoái kinh tế đã khiến nhu cầu tiêu dùng cà phê của khách hàng trên thế giới, nhất là Mỹ và EU, chuyển sang dùng cà phê Robusta hoặc pha trộn cà phê Robusta với cà phê Arabica để giảm giá thành. Điều này thể hiện rõ ở con số thống kê ở Mỹ và EU, mặc dù giảm nhập khẩu cà phê ở các nước khác nhưng vẫn tăng đối với hàng có xuất xứ từ VN.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2023/2024 có thể đạt hơn 174 triệu bao (1 bao = 60 kg), tăng khoảng 3% so với niên vụ trước, nhưng riêng Robusta lại dự kiến giảm 2%, về 78 triệu bao. Hiệp hội Cà phê - ca cao VN (Vicofa) xác nhận điều này trùng khớp với diễn biến chuyển đổi cây cà phê sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế hơn ở các tỉnh Tây nguyên. Với mức giá 75.000 - 80.000 đồng/kg, sầu riêng đang là cây được các chủ vườn tập trung chuyển đổi. Vì thế, sản lượng cà phê giảm, nhu cầu thế giới lại tăng lên, điều này lý giải tại sao giá cà phê Robusta luôn nhảy dựng đứng từ đầu năm đến nay. USDA dự báo giá cà phê Robusta có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn cung thấp tại châu Á và kéo dài cho đến quý 4/2023, khi thời kỳ thu hoạch tại VN bắt đầu.
"Ở thời điểm hiện tại, trong nước chưa bước vào thời điểm thu hoạch cà phê nên chưa biết có xảy ra hiện tượng găm hàng hay tranh mua tranh bán hay không. Tuy nhiên, giá cà phê nội địa hiện nay tương thông với các sàn giao dịch thế giới nên không thể đẩy giá thu mua vượt trên mức giá này. Ngoài ra, giá cà phê hiện tại đã rất cao, nông dân có tâm lý bán ngay khi có lợi nhuận tốt vì họ lo lắng rớt giá, vì vậy nhiều khả năng giá cà phê sẽ giảm khi lượng bán ra nhiều hơn vào cuối năm nay", lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê tại Đắk Lắk phân tích.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê tháng 7.2023 chỉ đạt 108.872 tấn, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê của VN đạt xấp xỉ 1,12 triệu tấn, trị giá 2,7 tỉ USD, giảm 3,4% về lượng nhưng tăng 3,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu bình quân cà phê VN cũng ghi nhận mức cao kỷ lục 2.828 USD/tấn, tăng 5,4% so với tháng 6 và tăng 23,4% so với tháng 7.2022.
Kim ngạch xuất khẩu cà phê VN còn tăng cao nếu có thương hiệu và chế biến sâu. Ảnh: Đào Ngọc Thạch - Quang Thuần |
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo: "Xuất khẩu cà phê của VN trong quý 3/2023 sẽ chậm lại do nguồn cung không còn dồi dào. Tuy nhiên, cà phê xuất khẩu của VN sẽ được hưởng lợi về giá do thị hiếu tiêu dùng của thế giới có xu hướng dịch chuyển sang cà phê Robusta. Nguồn cung và tồn kho trên thế giới thấp cũng sẽ khiến giá cà phê Robusta thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới và dự báo kim ngạch xuất khẩu cà phê VN năm nay sẽ vượt trên 4 tỉ USD".
Tiềm năng lớn nhưng vẫn bị ép giá
Theo Bộ NN-PTNT, hiện VN vẫn là cường quốc đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta, sản lượng xuất khẩu trong giai đoạn 2015 - 2022 dao động trong khoảng 1,2 - 1,7 triệu tấn cà phê các loại; chiếm 10% thị phần cà phê nhân thế giới. Tuy nhiên, giá xuất khẩu cà phê của VN thấp hơn giá trung bình thế giới, bởi VN chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô (nguyên liệu) nên dù đứng hàng đầu về sản lượng xuất khẩu cà phê, VN chỉ đứng thứ 10 về giá trị.
Ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2.9 Đắk Lắk, tiếc rẻ: "Chất lượng cà phê VN hiện được đánh giá rất cao trên thị trường toàn cầu và đáp ứng được nhu cầu của nhiều thị trường. Thế nhưng chúng ta vẫn bị ép giá do thương hiệu quốc gia của cà phê VN còn hạn chế; cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản chiếm tỷ lệ quá nhỏ trong tổng sản lượng xuất khẩu. Do đó, cần bắt tay ngay vào việc xây dựng lộ trình dài hạn để phát triển cà phê VN theo hướng chất lượng cao, cà phê đặc sản…".
Điều đáng lo ngại, theo ông Huy, trong 3 năm qua, diện tích cà phê liên tục thu hẹp do bị thay thế bởi các loại cây ăn trái khác. Cộng thêm tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu khiến cà phê bị mất mùa, sản lượng càng giảm hơn. Để giữ vững kim ngạch và vị thế thì cần phải ổn định sản lượng.
Ông Bạch Thanh Tuấn, Phó chủ tịch Vicofa, nhận xét: Dư địa xuất khẩu cà phê của VN còn rất lớn, trong tương lai có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 6 tỉ USD, thậm chí là 10 tỉ USD. Nguồn cung ước tính vẫn đang ít hơn 600.000 tấn so với nhu cầu của thế giới, đặc biệt là cà phê Robusta, trong khi dự kiến sự thiếu hụt sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2025. Chưa kể, các nhà rang xay cà phê lớn của thế giới (như JDE, Nestle) cùng các tổ chức quốc tế cũng cam kết tăng mạnh thu mua cà phê có chứng nhận trong các năm tới.
Theo lãnh đạo Vicofa, để nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê VN, về giải pháp thương mại, cần tiếp tục tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà VN đã ký kết với các nước nhập khẩu; thúc đẩy quảng bá thương hiệu cà phê VN chất lượng cao; tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại; cung cấp thông tin về thị trường...
Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên, hiện nay nông dân trồng cà phê vẫn còn sản xuất theo kiểu truyền thống, chưa áp dụng công nghệ dẫn đến năng suất, hiệu quả chưa cao. Mức thụ hưởng giá trị từ cà phê của người trồng rất thấp, do chi phí đầu tư cao. Thống kê có khoảng 60% lượng phân không được cây hấp thụ còn lại trong môi trường, gây lãng phí lên tới 30.000 tỉ đồng, cùng với đó là vấn đề ô nhiễm môi trường, đất đai bị bạc màu...
Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho biết sản lượng cà phê đưa vào chế biến trên 1,5 triệu tấn/năm, với 3 sản phẩm chế biến; trong đó chế biến cà phê nhân có trên 100 cơ sở với tổng công suất thiết kế 1,5 triệu tấn; chế biến cà phê bột (cà phê rang xay) có 620 cơ sở với tổng công suất 73.150 tấn sản phẩm/năm (gần 50% là cơ sở chế biến nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình). Riêng chế biến sâu, hiện cả nước mới có 6 nhà máy cà phê hòa tan, 17 nhà máy, cơ sở sản xuất cà phê phối trộn, với tổng công suất khoảng 220.000 tấn sản phẩm/năm, đạt tỷ lệ 12%.