Kinh tế

Nông nghiệp

Gia cầm phát triển "nóng", lại lo nhập gà Mỹ giá rẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nhiều người lo ngại dịch còn diễn biến phức tạp nên chuyển sang nuôi gia cầm khiến đàn gia cầm tăng trưởng quá “nóng” trong thời gian gần đây. Điều này có thể đáp ứng được nhu cầu thịt cho thị trường khi số lượng đàn lợn giảm đáng kể, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dư cung, nhất là khi thịt gà nhập từ Mỹ tăng đột biến.
Đàn gia cầm tăng chóng mặt
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng đàn gia cầm của cả nước đã tăng tới 7,5%; sản lượng trứng gia cầm đạt gần 7 tỷ quả, tăng 11,4%. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, tổng đàn gia cầm đã đạt xấp xỉ 32 triệu con, tăng khoảng 1 triệu con so với cùng kỳ năm 2018.
 
Trại nuôi gà cho trứng của Công ty TNHH Công Phượng (Nam Định).  Ảnh:  tư liệu
Theo ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, tỷ lệ vàng trong cơ cấu các sản phẩm chăn nuôi ở nhiều quốc gia hiện là đàn lợn chiếm 40%, đàn gia cầm 40%, 20% là các sản phẩm khác. Trong khi ở Việt Nam, lợn vẫn chiếm tỷ trọng khoảng 70% cơ cấu sản lượng thịt của Việt Nam, gia cầm chiếm khoảng 20%, trâu bò chiếm khoảng 7%, còn lại là các loại thịt cá khác.
“Đây là cơ cấu bất hợp lý, chỉ cần một đợt dịch như dịch tả lợn châu Phi đã khiến thị trường thịt lợn biến động” - ông Dương nói.
Đây chính là lý do khiến Bộ NNPTNT chủ trương đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm lên 7%, bò thịt tăng lên 5%. Tuy nhiên, việc tăng nóng đàn trong một thời gian ngắn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thời gian quay vòng của chăn nuôi gia cầm rất nhanh, gà công nghiệp chỉ 35 - 40 ngày đã có thành phẩm, nếu cứ ồ ạt vào đàn, nguy cơ “khủng hoảng thừa” là khó tránh khỏi. Chưa kể, nhiều loại dịch bệnh đang bùng phát trên đàn gia cầm, nếu không có giải pháp phòng bệnh, có thể gây thiệt hại không nhỏ.
Có một dấu hiệu “vừa mừng vừa lo” trong thời gian qua là đã có hàng loạt doanh nghiệp lớn đầu tư vào chăn nuôi gia cầm quy mô lớn, trong khi số lượng thịt gia cầm xuất khẩu chưa đáng kể, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu được gia cầm và trứng gia cầm còn khiêm tốn. Nếu không có giải pháp điều tiết hợp lý, rất dễ rơi vào tình trạng dư cung.
Cảnh báo gà Mỹ nhập khẩu giá “rẻ”
Trong khi đàn gia cầm trong nước đang có xu hướng tăng trưởng nóng, lượng thịt gà nhập khẩu từ Mỹ với giá cực rẻ đang đổ bộ vào thị trường Việt Nam. 

Tỷ lệ nhập khẩu tăng cao có thể sẽ gây ảnh hưởng nhất định tới sản lượng sản xuất gà công nghiệp trong nước của những doanh nghiệp lớn như CP, Dabaco…


Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 6/2019, Việt Nam nhập khẩu 62.400 tấn thịt gà các loại từ Mỹ với giá trị nhập khẩu đạt 48,6 triệu USD. Như vậy, tính ra, thịt gà nhập từ Mỹ về Việt Nam có giá siêu rẻ chỉ dưới 18.000 đồng/kg.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, gà nhập khẩu từ Mỹ chủ yếu là gà công nghiệp. Các mặt hàng nhập khẩu như đùi, cổ, cánh không được coi là hàng chính phẩm, mà chỉ là thứ phẩm tại Mỹ. Bởi vậy, mặt hàng này được xuất khẩu ra các thị trường, trong đó có Việt Nam với mức giá rẻ.
“Với những mặt hàng này, dù thị trường Mỹ không ưa chuộng, song đó lại là mặt hàng người tiêu dùng Việt Nam thích, nên lượng nhập về nhiều” - ông Dương nói.
Thực tế, thị trường Mỹ chỉ chuộng phần ức gà, vì đó là thịt trắng. Người chăn nuôi tại Mỹ chỉ bán riêng phần ức gà đã có lời. Phần chân, cánh, đùi gà được xem là phụ phẩm, để chế biến bột thịt xương dùng trong chăn nuôi. Mức giá bán bột thịt xương còn thấp hơn để nguyên xuất khẩu sang Việt Nam với giá thành 18.000 đồng/kg.
Nhiều ý kiến cho rằng, xét về nguyên nhân sâu xa, gà Mỹ có thể xuất sang Việt Nam, cũng như các thị trường khác với mức giá rẻ xuất phát từ việc chi phí sản xuất tại Mỹ rất cạnh tranh. Cụ thể, 1kg thịt gà hơi tại Mỹ sản xuất ra có giá thành khoảng 15.000-16.000 đồng/kg. Trong khi tại Việt Nam, con số này là hơn 20.000 đồng/kg.
"Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Mỹ rẻ hơn Việt Nam khá nhiều. Ví dụ như, giá đậu tương tại Mỹ là 9.000 đồng/kg, thì tại Việt Nam lên tới 16.000 đồng/kg. Trong khi đó, khô đậu tương chiếm tới 15% khẩu phần thức ăn chăn nuôi" - ông Dương nói.
Gà Mỹ giá rẻ nhập khẩu vào Việt Nam liệu có ảnh hưởng nhiều tới ngành chăn nuôi gà Việt Nam? Trả lời câu hỏi này, ông Dương cho rằng: “Với lượng nhập khẩu hiện nay, ngành chăn nuôi gia cầm chưa bị tác động nhiều. Nếu lượng nhập khẩu tăng lên, gây ra áp lực cạnh tranh với chăn nuôi trong nước, thì sẽ là điều đáng lo ngại”.
Tỷ lệ nhập khẩu tăng cao có thể sẽ gây ảnh hưởng nhất định tới sản lượng sản xuất gà công nghiệp trong nước của những doanh nghiệp lớn như CP, Dabaco… Tuy nhiên, người sản xuất nhỏ lẻ, nuôi gà bán phục vụ nhu cầu thị hiếu của người Việt sẽ không ảnh hưởng nhiều.
Khánh Nguyên (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm